- Nghiên cứu trả tiền sau, phạt nguội thẻ ETC không đủ tiền
- Nhiều lái xe “tố” tài khoản thu phí không dừng bị VETC trừ tiền 2 lần
Sau 2 tháng chỉ có thu phí không dừng (ETC) trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, còn hàng chục nghìn phương tiện không đủ điều kiện thu phí ETC.
Hàng chục nghìn lượt xe không đủ điều kiện thu phí ETC
Tin từ Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội - Hải Phòng - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI) cho biết, trong tháng 7/2022 mỗi ngày có trung bình hơn 47.000 lượt xe trả phí, ngày cao điểm lên đến hơn 60.000 lượt xe lưu thông, bằng 102,5% lưu lượng so với tháng 6/2022. Doanh thu trung bình tháng 7 đạt gần 6,3 tỷ đồng/ngày, bằng 103% doanh thu trung bình tháng 6.
Bà Bùi Thị Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội - Hải Phòng cho biết, sau 2 tháng thí điểm chỉ có thu phí tự động không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đa số chủ phương tiện chấp hành quy định, phương tiện lưu thông qua trạm nhanh hơn, giảm tải trong đổi tiền lẻ, quản lý tiền mặt tại trạm.
Thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
So với tháng 6, số xe chưa dán thẻ đi vào cao tốc giảm hơn 43% (từ 13.200 lượt xuống còn hơn 7.400 lượt). Số xe chưa nạp tiền vào tài khoản giao thông và số xe có tài khoản giao thông không đủ số dư thanh toán tại làn ra giảm không đáng kể, từ 9,6% xuống 6,8% so với tháng 6. Điều này cho thấy rất nhiều chủ phương tiện đã tiếp cận được với thông tin chỉ có thu phí không dừng trên cao tốc nhưng không đảm bảo số dư trong tài khoản để lưu thông.
Cũng theo bà Quỳnh, tình trạng xe chưa dán thẻ, chưa nạp tiền, không đủ số dư trong tài khoản còn nhiều. Trung bình mỗi ngày có gần 1.300 xe chưa dán thẻ, lưu thông lần đầu, chưa nạp tiền để kích hoạt tài khoản hoặc không đủ tiền đi vào trạm thu phí.
Trong tháng 7 có hơn 7.400 lượt xe chưa dán thẻ đi vào cao tốc; hơn 32.000 lượt xe chưa nạp tiền vào tài khoản giao thông ở làn vào, hơn 22.500 lượt xe không đủ số dư trong tài khoản để thanh toán ở làn ra. Bên cạnh đó, trung bình có 5 lượt phương tiện từ chối sử dụng dịch vụ, không dán thẻ và đã được hướng dẫn ra khỏi cao tốc.
"Cũng trong tháng 7 có đến gần 100 trường hợp phương tiện dán từ 2 thẻ trở lên. Khi những xe này đi vào cao tốc, thiết bị làn vào hoặc làn ra không đọc được thẻ, hoặc làn vào đọc 1 thẻ, làn ra đọc 1 thẻ khác, dẫn đến phải dừng phương tiện để xử lý thủ công. Nếu tình trạng này không được xử lý triệt để thì các xe này phải tiếp tục dừng lại khi lưu thông ở lần sau, gây mất thời gian chờ đợi, tăng nguy cơ va chạm giao thông tại làn ETC", bà Quỳnh cho hay.
Chất lượng nhà cung cấp dịch vụ thấp
Đề cập đến chất lượng dịch vụ, bà Quỳnh cho hay, hiện nay, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang tạm áp dụng hạn mức đầu vào ở mức 40.000 đồng đối với phương tiện dán thẻ eTag do Công ty TNHH thu phí tự động VETC cung cấp.
Tuy nhiên các phương tiện dán thẻ thu phí không dừng ePass do Công ty cổ phần giao thông số VDTC cung cấp không cần tài khoản có đủ hạn mức đầu vào, dẫn đến VIDIFI không thể phân loại, xử lý, nhắc nhở các phương tiện không có, không đủ tiền trong tài khoản ngay tại làn vào.
"Ở trạm thu phí đầu ra, xe không có, không đủ tiền trong tài khoản giao thông vẫn đi vào làn thu phí ETC phải dừng lại, trả tiền mặt, gây cản trở giao thông và gây hiểu lầm, bức xúc cho các khách hàng lưu thông phía sau thậm chí có nguy cơ va chạm với barie", bà Quỳnh cho hay.
Hiện nay hệ thống phần mềm của VETC chỉ chấp nhận check in làn ra 1 lần đối với tất cả các giao dịch qua trạm. Trường hợp phương tiện đến gần trạm đầu ra mới nạp tiền hoặc nạp tiền bị lỗi, tài khoản của khách hàng chưa kịp cập nhật số dư mới, khi vào làn ra, phần mềm của VETC trả về kết quả không đủ tiền.
VIDIFI hướng dẫn lái xe kiểm tra, chờ tài khoản hiển thị số dư mới. Tuy nhiên, khi tài khoản đã đủ tiền, phần mềm không cho checkin lại để xe qua trạm hợp lệ. Việc này gây mất nhiều thời gian chờ xử lý, không trả được tiền trong tài khoản khách hàng ngay tại thời điểm có giao dịch, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Việc cung cấp dữ liệu thông tin xe của khách hàng cũng gặp nhiều khó khăn, VIDIFI chưa được quyền truy cập vào hồ sơ định danh loại xe, việc tra cứu thông tin giấy tờ đăng kiểm do VETC, VDTC định danh được các nhà cung cấp dịch vụ gửi qua các mạng xã hội gây nhiều bất cập. Hồ sơ định danh loại xe không được cung cấp ngay tại thời điểm VIDIFI cần để hậu kiểm và định danh xe ETC. Trong bối cảnh các tuyến cao tốc đang triển khai chỉ có thu phí không dừng, việc nhận được phản hồi của 2 nhà cung cấp dịch vụ ngày càng khó khăn.
Ngoài ra, nhân sự của nhà cung cấp dịch vụ chưa ổn định. Trong tháng 7, VETC chỉ có 1 nhân viên trực tại trạm thu phí đầu tuyến và cuối tuyến thực hiện việc dán thẻ, các trạm còn lại không có nhân viên. Công ty VDTC không có nhân viên trực tại các trạm thu phí. Trong bối cảnh lưu lượng xe trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày càng tăng gây khó khăn trong việc phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, dẫn đến các tồn tại chưa được xử lý.
Thêm nữa, từ tháng 6, VIDIFI đã phản ánh các lỗi số điện thoại đường dây nóng của 2 nhà cung cấp dịch vụ không liên lạc được, đồng bộ nâng cấp phần mềm, thay đổi số dư tối thiểu đối với tài khoản ePass, tắt tính năng tự khóa thẻ trên phần mềm. Tổng cục Đường bộ cũng đã yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ khắc phục các lỗi này, cải thiện chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay các lỗi và bất cập vẫn chưa được cải thiện.
Từ thực tế trên, VIDIFI kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục bố trí nhân viên tại trạm, kịp thời xử lý các lỗi không có, không đủ tiền trong tài khoản và các tình huống phát sinh. Bên cạnh đó sớm ban hành quy định số tiền tối thiểu phải có trong tài khoản giao thông trước khi vào cao tốc. Đồng thời, có hành lang pháp lý cho việc trả sau để tiến tới bỏ barie tại trạm thu phí.
"VIDIFI cũng kiến nghị Tổng cục Đường bộ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải duy trì dán thẻ trước và sau trạm, tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, tăng cường nhân lực tại các trạm thu phí để xử lý các lỗi liên quan đến đến thẻ ETC", bà Quỳnh cho hay.