Giáo viên mầm non trước năm 1999 chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, lương được địa phương trả bằng thóc lúa.
Câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng của cô Trương Thị Lan, nguyên giáo viên trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được đưa lên nghị trường Quốc hội, gây chú ý của dư luận.
Ngày 31/10, bà Nguyễn Thị Hồng Lam, Trưởng phòng Chế độ (Bảo hiểm Xã hội Hà Tĩnh) cho biết trường hợp cô Lan không phải cá biệt. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 200 giáo viên mầm non đang hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng mỗi tháng, bằng với mức lương cơ sở.
Bà Lam giải thích trước năm 1999, giáo viên mầm non ngoài biên chế không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội. Họ thường hợp đồng với địa phương và được trả bằng thóc lúa. Từ năm 1999, khi Nghị định 73 khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao ra đời, nhà nước mới cho đóng bảo hiểm xã hội đối với giáo viên hợp đồng.
Cách tính lương hưu của cô Lan do Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh cung cấp. Ảnh: Đ.H
Cô Lan mức lương lúc đi làm rất thấp, trước năm 2013 mỗi tháng chỉ từ 400.000 đến một triệu đồng. Từ tháng 1/2013, cô Lan được vào biên chế, hưởng lương 3,7-4,4 triệu đồng. Tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của giáo viên này là 22 năm 8 tháng, bình quân mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 1,8 triệu đồng.
Theo bà Lam, lương hưu phụ thuộc vào mức đóng bảo hiểm xã hội và thời gian tham gia. Do thời gian đóng ít (chưa đủ 30 năm để hưởng lương hưu mức tối đa), mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã thội thấp nên lương hưu của cô Lan chỉ là 1.829.000 đồng, được bù thêm 37.000 để thành 1,3 triệu đồng.
Bà Lam giải thích thêm, đối với diện ngoài biên chế, căn cứ vào hợp đồng lao động và tiền lương chủ sở hữu trả cho người lao động, việc thỏa thuận đóng bảo hiểm bao nhiêu là do hai bên thống nhất. Đối với biên chế nhà nước thì căn cứ mức lương theo cấp bậc, trình độ để đóng bảo hiểm xã hội.
Trường mầm non Lê Duẩn, nơi cô Lan từng công tác. Ảnh: Đức Hùng
Ông Đặng Quốc Hiền, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Xuyên thông tin, thực trạng lương hưu của giáo viên mầm non thấp, không đủ sống rất phổ biến. Phòng nhiều lần kiến nghị đề xuất thay đổi, song chưa có chuyển biến.
"Giáo viên mầm non trước đây chưa được xếp vào hệ thống viên chức mà chỉ đi dạy rồi địa phương trả bằng thóc lúa. Sau này khi được vào viên chức thì không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội nên lương hưu thấp", ông Hiền nói.
Trước đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Duẩn, (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) đã đăng trên mạng xã hội câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan về hưu sau 37 năm công tác nhận lương 1,3 triệu đồng.
Cô Trương Thị Lan. Ảnh: Đức Hùng
Cô Lan cho biết, khi nhận quyết định về hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng từ tay nhân viên kế toán đã "ngã khuỵu xuống nền nhà, nước mắt giàn giụa. Các đồng nghiệp có mặt lúc đó cũng không cầm được nước mắt bèn ôm tôi khóc”.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 30/10, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trường hợp cô Lan không cá biệt mà phổ biến do thang bảng lương của ngành thấp so với yêu cầu. Bộ đang làm việc với các bộ Nội vụ, Tài chính để đưa thang bảng lương vào Luật Giáo dục.
"Yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực. Trong sửa Luật Giáo dục tới đây, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ", Bộ trưởng Giáo dục nêu quan điểm.
Người giáo viên cả đời chỉ gắn với chữ “nghèo”?
Đọc bài cô giáo mầm non nhận 1,3 triệu đồng lương hưu mà lòng tôi xót xa thay. Ai cũng nghĩ giáo viên công việc ... |
Thêm 1 giáo viên dạy 38 năm ứa nước mắt nhận lương hưu 1,3 triệu đồng
Bà Nguyễn Thị Loan, 1 giáo viên mầm non ở Thanh Hóa, cho biết bà đã ứa nước mắt khi nhận mức lương hưu 1,3 ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hon-200-giao-vien-ha-tinh-nhan-luong-huu-1-3-trieu-dong-3663563.html