Hơn 128 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Biden nói "chiến thắng còn xa"

Thế giới ghi nhận hơn 128 triệu người nhiễm nCoV, hơn 2,8 triệu người chết, Tổng thống Mỹ cảnh báo cuộc chiến chống đại dịch "còn lâu mới thắng".

Thế giới đã ghi nhận 128.194.104 ca nhiễm nCoV và 2.802.976 ca tử vong, tăng lần lượt 452.836 và 7.635, trong khi 103.349.132 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.025.693 ca nhiễm và 563.036 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 51.493 và 469 trường hợp so với một ngày trước đó.

Tỷ lệ lây nhiễm ở Mỹ đã giảm trong vài tuần, nhưng hiện tăng trở lại, với dữ liệu gần nhất cho thấy mức trung bình 7 ngày qua là gần 60.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Antony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, cho rằng tốc độ lây nhiễm không giảm nhiều khả năng do các bang đã nới lỏng biện pháp kiểm soát phòng dịch quá sớm, cùng sự xuất hiện của nhiều biến chủng nCoV mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/3 công bố loạt động thái mới nhằm mở rộng chiến dịch tiêm chủng và đảm bảo 90% người lớn đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 trước ngày 19/4. Tuy nhiên, ông cảnh báo người Mỹ cuộc chiến đánh bại Covid-19 "còn lâu mới thắng" và kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng bệnh khi đất nước trên bờ vực sóng lây nhiễm thứ tư.

"Công việc của chúng ta còn lâu mới kết thúc. Cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu mới thắng", Biden nói. "Chúng ta đang trong cuộc đua sinh tử với loại virus lây lan nhanh chóng, với ca nhiễm tăng trở lại, các biến thể mới đang lây lan. Đáng buồn thay, một số hành vi liều lĩnh mà chúng ta thấy trên truyền hình vài tuần qua đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều ca nhiễm".

Biden cũng kêu gọi các bang đã nới lỏng quy định đeo khẩu trang và hạn chế với các doanh nghiệp nên đảo ngược động thái này. "Làm ơn, đây không phải chính trị. Hãy khôi phục lại các biện pháp. Mỗi người Mỹ phải đeo khẩu trang vì nghĩa vụ yêu nước", ông nói.

Hiện 6 bang ở Mỹ đã dỡ bỏ quy định về khẩu trang và một số bang khác có kế hoạch tương tự vào nửa đầu tháng 4.

Nhân viên y tế Mỹ đã tiêm 143 triệu mũi vaccine và 16% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong đó 50% người trên 65 tuổi. Số liều được tiêm chiếm khoảng 26% tổng số liều trên thế giới, dù Mỹ chỉ chiếm 4% dân số toàn cầu.

3635 biden 1635 1617060493
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về phản ứng với Covid-19 và chiến dịch tiêm chủng quốc gia tại Nhà Trắng hôm 29/3. Ảnh: AFP.

Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 12.573.615 ca nhiễm và 313.866 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 38.927 và 1.567 ca.

Áp lực đang ngày càng gia tăng với Tổng thống Jair Bolsonaro, khiến ông thay đổi thái độ về nỗ lực phòng chống Covid-19 và triển khai vaccine. Giới chức y tế nước này tuần trước công bố chiến dịch phát triển hai loại vaccine nội địa nhằm kiểm soát dịch bệnh, trong đó một loại dự kiến được bắt đầu sử dụng vào tháng 7.

Brazil bắt đầu tiêm chủng đại trà hồi giữa tháng 1. Hai loại vaccine được sử dụng là CoronaVac và AstraZeneca. Tuy nhiên, Brazil thiếu vacciine để tiêm chủng do chậm nhập khẩu vào thời điểm tồi tệ nhất. Các dự án cạnh tranh phát triển vaccine được cho là sẽ giúp Brazil đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.

Ấn Độ, vùng dịch thứ ba thế giới, ghi nhận 12.095.329 ca nhiễm và 162.147 ca tử vong, tăng lần lượt 56.119 và 266. Ca nhiễm ở Ấn Độ tăng trở lại trong những tuần gần đây, khiến một số khu vực phải áp hạn chế tụ tập đông người. Các điểm nóng như bang phía tây Maharashtra và thủ phủ Mumbai tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại chỗ ở những khu vực đông đúc.

Ấn Độ sẽ bắt đầu tiêm chủng cho tất cả những người trên 45 tuổi kể từ 1/4. Các chuyên gia cho biết Ấn Độ đã tiêm chủng cho gần 50 triệu người nhưng chương trình với mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trước cuối tháng 7 đang bị chậm so với kế hoạch.

Hiện chỉ những nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác, cùng với người trên 60 tuổi và người trên 45 tuổi có bệnh nền mới đủ điều kiện để tiêm vaccine AstraZeneca hoặc vaccine nội địa Bharat Biotech.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 4.554.683 ca nhiễm và 94.956 ca tử vong, tăng lần lượt 9.094 và 360. Số ca mới hàng ngày ở Pháp đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu tháng.

Pháp thừa nhận tình hình "nguy cấp" và 19 khu vực đã áp đặt biện pháp hạn chế khắt khe. 20 triệu người ở Pháp, gồm Vùng đô thị Paris, được coi là đang sống trong các khu vực lây nhiễm cao.

Nước này đang đối phó sóng Covid-19 thứ ba, nhưng tụt hậu so với nhiều nước phương Tây về số lượng người được tiêm chủng khi mới tiêm được 9,8 triệu liều vaccine, so với hơn 32 triệu ở Anh và hơn 12 triệu ở Đức.

Xu hướng tiêm chủng tăng nhanh những tuần gần đây, song ca nhiễm cũng tăng đột biến. Hiện số phòng chăm sóc tích cực ở Pháp đạt mức cao nhất kể từ sóng lây nhiễm thứ hai hồi tháng 11 năm ngoái. Số người nhập viện vì Covid-19 cũng tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng qua.

Anh báo cáo 4.337.696 người nhiễm và 126.615 người chết, tăng lần lượt 4.654 và 23 trường hợp. Ca nhiễm mới ở nước này có xu hướng liên tục giảm trong những ngày gần đây.

Anh nới lỏng biện pháp phòng dịch từ 29/3, cho phép các nhóm lên đến 6 người gặp nhau ngoài trời. Chính phủ cũng có kế hoạch cho phép uống rượu ngoài trời và mở lại dịch vụ không cần thiết như tiệm làm tóc kể từ ngày 12/4.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cuối tuần trước tuyên bố chiến dịch tiêm chủng đại trà và các chính sách ủng hộ doanh nghiệp của chính phủ sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế. Johnson thừa nhận sóng Covid-19 thứ ba đang càn quét châu Âu và có thể tấn công Anh trong khoảng ba tuần, nhưng "điểm khác biệt chính" so với năm ngoái là sự gia tăng ca nhiễm và nhập viện đều phải được "giảm thiểu" nhờ việc triển khai vaccine.

"Và khi mọi thứ ổn định, tôi hoàn toàn không thể thấy dữ liệu nào có thể ngăn cản chúng ta tiếp tục lộ trình đến tự do, mở cửa nền kinh tế và quay lại cuộc sống chúng ta yêu thích", ông nói. "Chỉ trong vài ngày nữa, tôi cuối cùng cũng có thể đi cắt tóc. Nhưng quan trọng hơn thế, tôi sẽ có thể xuống phố và thận trọng uống một vại bia trong quán".

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.501.093 ca nhiễm, tăng 5,008, trong đó 40,581 người chết, tăng 132.

Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 1 và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 10 triệu người đã được tiêm vaccine.

Philippines ghi nhận 10.016 ca mới, nâng tổng ca nhiễm lên 731.894. Thêm 16 người chết do nCoV, nâng số ca tử vong lên 13.186.

Philippines bắt đầu lệnh phong tỏa với hơn 24 triệu người tại Vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận từ ngày 29/3. Người dân sẽ phải làm việc tại nhà trừ khi được coi là lao động thiết yếu, phương tiện giao thông công cộng sẽ dừng hoạt động. Tất cả cuộc tụ tập đông người đều bị cấm, lệnh giới nghiêm từ 18h đến 5h được thực thi và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ bị đóng cửa.

Huyền Lê (Theo AFP, Worldometer)

Hơn 127 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Philippines siết hạn chế ở thủ đô Hơn 127 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Philippines siết hạn chế ở thủ đô

Thế giới ghi nhận hơn 127 triệu người nhiễm, gần 2,8 triệu người chết do nCoV, Manila và các tỉnh lân cận sẽ yêu cầu ...

Ca Covid-19 toàn cầu tuần qua tăng 13% Ca Covid-19 toàn cầu tuần qua tăng 13%

Thế giới ghi nhận gần 127 triệu ca Covid-19, ca mới tuần qua gia tăng ở khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn thấp so ...

/ vnexpress.net