Các quy định chồng chéo đang khiến Hà Nội, TP HCM thu hơn chục nghìn tỷ đồng từ thoái vốn, cổ phần hoá nhưng không thể sử dụng.
Chiều 9/9, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu thực tế, nhiều địa phương đang có khoản tiền lớn thu từ cổ phần hoá, thoái vốn nhưng không được rút ra sử dụng. Điển hình là Hà Nội và TP HCM đang "treo" lần lượt hơn 8.416 tỷ đồng và 1.789 tỷ, trong khi nhu cầu chi rất cấp thiết.
"Hai địa phương đã có nhiều báo cáo, đề xuất xin sử dụng nguồn vốn này, trong khi theo Luật Ngân sách nhà nước, khoản thu này đương nhiên thuộc địa phương", ông Thanh nêu thực tế.
Ông giải thích, cơ chế quản lý nguồn thu này bị điều chỉnh bởi nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu thống nhất. Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc Trung ương hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương. Nhưng quy chế kèm theo quyết định số 21/2012 lại quy định tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế |
Do đó, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đoàn công tác của cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị, không cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đề nghị này nhận được sự đồng tình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
"Các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệpđã được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm kiến nghị của các địa phương; rà soát các văn bản dưới luật để thống nhất thực hiện theo Luật Ngân sách 2015. Theo đó các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện nộp ngân sách nhà nước, thu từ doanh nghiệp Trung ương nộp về ngân sách Trung ương và khoản thu từ doanh nghiệp địa phương nộp về ngân sách địa phương. Các khoản chi cho hỗ trợ sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp do ngân sách bố trí.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, số thu Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 5 năm (2013-2018) gần 257.500 tỷ đồng, trong khi chi trên 221.640 tỷ. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng còn bất cập như trường hợp Tổng công ty Tàu thủy và Tổng công ty lương thực miền Nam sử dụng quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn. Từ năm 2018 đến tháng 6/2019 chưa tổng hợp được số liệu chính thức về số dư quỹ để báo cáo cấp có thẩm quyền...
Anh Minh
Quỹ ngoài ngân sách hay "nồi cơm" của riêng ai?
Các quỹ thu theo hình thức xã hội hóa có phải là “nồi cơm” của các bộ ngành hay cũng là một hình thức lạm ... |
Chi ngân sách gần 50 tỷ đồng khai quật tàu cổ, thu về… toàn mảnh vỡ
Việc khai quật tàu cổ tại biển Dung Quất (Quảng Ngãi) chỉ thu được các mảnh vỡ, ít hiện vật vụn vặt. |
41 ngàn tỷ tiền nợ, ngân sách không thể thu hồi, xóa cho sạch sổ
Bộ Tài chính cho biết có khoảng hơn 41,3 nghìn tỷ không có khả năng thu hồi vào ngân sách, chiếm hơn 50% tổng số ... |