Trong lúc cả đất nước đang hân hoan vì sắp đánh bại được đại dịch, Michele Preissler ngồi rầu rĩ, nhớ người chồng mới qua đời vì Covid-19.
Sau hơn một năm chống chọi Covid-19, hàng triệu người Mỹ giờ đây có thể bỏ những chiếc khẩu trang lại phía sau, lên kế hoạch du lịch hè và vui vẻ đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè. Dường như nước Mỹ đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch khi ngày càng có nhiều người được tiêm chủng hơn và số ca nhiễm mới giảm mạnh.
Nhưng với những người như Michele Preissler, 60 tuổi, ác mộng mới chỉ bắt đầu.
Michele Preissler tại nhà riêng ở Pasadena, Maryland, hồi cuối tháng trước, trong một buổi lễ bà tổ chức để người thân, bạn bè nhìn mặt chồng bà lần cuối. Ảnh: NYTimes. |
Preissler mất chồng vì Covid-19 vào cuối tháng trước, khi hàng loạt biện pháp giới hạn, phong tỏa đã được dỡ bỏ và cuộc sống bắt đầu quay về trông giống như bình thường. Tuần trước, khách hàng tới siêu thị Walmart gần nhà bà ở thành phố Pasadena, Maryland, cũng không đeo khẩu trang. Bà đến đây để mua những đồ đạc cần thiết cho đám tang chồng.
"Tất cả đều nói 'mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi'", Preissler chia sẻ. "Giá như họ biết những gì tôi đã trải qua".
Chồng bà, Darryl Preissler, 63 tuổi, nhiễm Covid-19 sau khi tham dự một đám cưới hồi đầu tháng 4. Lúc bấy giờ, bà đã tiêm vaccine nhưng ông thì chưa.
Với 50% dân số đã được bảo vệ bởi ít nhất một liều vaccine, tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang khả quan hơn bao giờ hết. Số ca nhiễm mới, nhập viện hay tử vong vì Covid-19 đều giảm mạnh. Ngay cả những quan chức y tế thận trọng nhất cũng đang ăn mừng trước tiến bộ của đất nước.
Những người đã tiêm đầy đủ vaccine có thể cởi bỏ khẩu trang và hòa nhịp với phần lớn các hoạt động thường ngày trước đại dịch.
Dù vậy, hiện nay, vẫn còn trung bình khoảng 450 ca tử vong vì Covid-19 được báo cáo mỗi ngày. Điều đó khiến hàng trăm gia đình phải đối mặt với một niềm đau mới: Nỗi tiếc nuối, dằn vặt khi người thân gục ngã ngay trước ngưỡng cửa chiến thắng.
Không như giai đoạn trước, khi hầu hết cuộc sống của người dân đều bị ảnh hưởng, gia đình, bạn bè của những nạn nhân tử vong vì Covid-19 giờ đây thường nói về một nỗi buồn lạc lõng: Họ than khóc giữa lúc bao người xung quanh ăn mừng.
Trong nhiều trường hợp, buồn đau còn chồng chất thêm bởi nỗi dằn vặt rằng người qua đời đã không tiêm vaccine hoặc không thể tiêm vaccine kịp thời.
Một số người tử vong những tuần gần đây tại Mỹ nhiễm nCoV trước khi họ đủ điều kiện tiêm chủng, làm dấy lên câu hỏi liệu chương trình triển khai vaccine có thực sự đủ nhanh để tiếp cận được tất cả người dân hay không. Số khác bị Covid-19 đánh bại vì tâm lý lưỡng lự, không chịu tiêm chủng, làm bật lên thách thức đối với các cơ quan y tế trong nỗ lực thuyết phục người dân tin tưởng vaccine.
Tình cảnh của họ "giống như việc một người lính bị bắn chết ngay trước khi hiệp định đình chiến có hiệu lực", tiến sĩ Toni P. Miles, nhà dịch tễ học tại Đại học Georgia, nhận xét. "Tất cả mọi người khác đều vô cùng hạnh phúc vì chiến tranh đã chấm dứt nhưng bạn lại mất đi người thân trong lúc không ai muốn đau buồn".
Hollie Rivers vẫn suy sụp dù đã vài tuần trôi qua kể từ khi chồng cô, Antwone, qua đời vì Covid-19 ở Michigan. Tại đám tang của chồng hồi tháng trước, Hollie nhất quyết muốn cùng khiêng quan tài. "Tôi muốn ở bên anh ấy cho đến giây phút cuối cùng, đến bao giờ tôi không thể giữ anh ấy được nữa thì thôi", cô nói.
Sau khi Hollie trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình ở Detroit và tiết lộ rằng chồng mình chưa tiêm vaccine, cô đã phải đối mặt với vô số lời chỉ trích nặng nề trên mạng.
Hollie Rivers cùng 5 con tại nhà riêng ở bang Michigan hôm 28/5. Ảnh: NYTimes. |
Theo lời Hollie, ban đầu, cô và chồng do dự, song cuối cùng họ vẫn quyết định sẽ tiêm vaccine. Nhưng không may, chồng cô lại nhiễm virus hồi đầu tháng 4 trước khi Michigan cho phép tiêm chủng cho những người ở độ tuổi của anh. Antwone 40 tuổi, hơn vợ 12 tuổi.
Gia đình Rivers đã lập chiến dịch quyên góp trên trang GoFundMe để hỗ trợ chi phí mai táng cho Antwone, nhưng nhận về không ít bình luận tiêu cực. "Anh ta từ chối tiêm, sao bạn còn dám xin tiền từ thiện chứ?", Hollie nhớ lại một bình luận.
"Tôi bây giờ chỉ muốn hủy chiến dịch đó đi. Vấn đề không nằm ở tiền bạc", cô nói. "Tôi sẵn sàng sống trong hộp các tông nếu điều đó giúp chồng tôi quay về với tôi và các con".
Camille Wortman, chuyên gia nghiên cứu cảm xúc, giáo sư danh dự tại Đại học Stony Brook, New York, cho biết những người mất người thân vì Covid-19 ở thời điểm này của đại dịch thường sẽ trải qua cảm giác tức giận, tội lỗi và hối tiếc mạnh hơn.
"Nỗi đau của những người còn sống sẽ dữ dội hơn", bà nói.
Với Yvonne Santos, 30 tuổi, đến từ Houston, câu hỏi liệu chồng cô có chết không nếu được tiêm vaccine kịp thời thường xuyên ám ảnh tâm trí cô, nhất là lúc cô ngồi một mình, ngắm nhìn bức ảnh hai người chụp chung. Yvonne lo lắng về tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine bởi chúng được phát triển và sản xuất quá nhanh. Chồng cô, Angel Stantos, cũng chần chừ đi tiêm.
"Tôi không nói chuyện này với bất kỳ ai nhưng tôi thực sự cảm thấy tệ, bởi anh thấy không thực sự băn khoăn về nó giống như tôi", Yvonne cho hay. "Tôi là người mà đến giờ vẫn còn lo sợ".
Sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính hồi tháng 4, Angel, nhân viên xã hội chuyên giám sát trẻ vị thành niên, đã phải nằm nhiều tuần trong bệnh viện. Suốt thời gian đó, theo lời Yvonne, chồng cô luôn hối tiếc vì đã không tiêm chủng. Angel qua đời hôm 19/5, hưởng thọ 35 tuổi.
Vào ngày Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo người dân không cần phải đeo khẩu trang khi ở trong nhà nữa, Kole Riley, 33 tuổi, đang ở bên giường bệnh của mẹ anh tại một bệnh viện gần thành phố Sedona, bang Arizona, để nói lời từ biệt.
Mẹ anh, Peggy Riley, 60 tuổi, nhiễm Covid-19 vài tuần trước đó. Bà không tiêm vaccine vì quả quyết rằng mình có kháng thể. Một số thành viên trong gia đình bà, bao gồm cả chồng bà, đã có dấu hiệu hoặc được chẩn đoán mắc Covid-19 vào cuối năm ngoái.
Sau khi nắm tay mẹ trong những giây phút cuối cùng, Kole rời khỏi bệnh viện, chứng kiến cảnh có rất ít người đeo khẩu trang trên đường phố và đất nước đang hân hoan vì sắp vượt qua đại dịch. Lòng anh quặn thắt, nỗi nhớ mẹ vẫn giày vò.
"Giận dữ là cách tốt nhất và lịch sự nhất mà tôi có thể nói về cảm xúc của mình", Kole cho biết sau khi nhìn thấy những người không đeo khẩu trang tại một cửa hàng tạp hóa. Anh gặp khó khăn trong việc hóa giải nỗi đau giữa bầu không khí lạc quan của đất nước.
"Tôi không nghĩ mình sẽ phải đối mặt với điều này, khi mà tất cả mọi thứ xung quanh đều đang hướng về trạng thái bình thường", anh chia sẻ.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)
Philippines đứng thứ 9 Đông Nam Á về tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 |
Vì sao cường quốc sản xuất vaccine Ấn Độ có mức tiêm chủng thấp kỷ lục? |
Chiến lược tiêm chủng giúp Mỹ thoát thảm kịch Covid-19 |