Hội nghị Thụy Sĩ kêu gọi các bên đối thoại giải quyết xung đột Ukraine

Đại diện 80 phái đoàn tham dự hội nghị về Ukraine ở Thụy Sĩ khẳng định hòa bình chỉ có thể được lập lại ở Ukraine khi có sự đối thoại giữa tất cả các bên liên quan.

Hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức đã kết thúc hôm 16/6 với việc đại diện 80 phái đoàn đến từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế kí tuyên bố chung, trong đó nêu rõ, "để đạt được hòa bình ở Ukraine cần có sự tham gia và đối thoại của tất cả các bên".

Hội nghị Thụy Sĩ kêu gọi các bên đối thoại giải quyết xung đột Ukraine -0
Tổng thống Ukraine và lãnh đạo các nước, tổ chức tham gia sự kiện ở Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Tuyên bố sau hội nghị cũng khẳng định cam kết của các nước tham gia "với các nguyên tắc chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả quốc gia, trong đó có Ukraine, trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận", thông tấn Nga Interfax trích dẫn.

Tuyên bố kêu gọi các bên trong xung đột Nga - Ukraine trao trả toàn bộ tù binh và cho phép trẻ em "bị đưa đi bất hợp pháp trở về nhà"; đảm bảo khả năng tàu bè có thể tiếp cận các cảng biển ở biển Đen và biển Azov để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.

Nhóm các quốc gia này cũng cho rằng, Ukraine cần được trao quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cơ sở cung cấp khoảng 1/5 sản lượng điện của Ukraine trước khi chiến sự nổ ra và hiện do Nga kiểm soát.

Khoảng 100 phái đoàn đến từ các quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị ở Thụy Sĩ, theo Interfax. Tuy nhiên, một số quốc gia đã không kí tuyên bố chung như Ấn Độ, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nam Phi, Thái Lan, Indonesia hay Mexico.

Giới chuyên gia nhận định hội nghị hòa bình kéo dài hai ngày ở Thụy Sĩ có thể không mang lại nhiều tác động cụ thể tới việc chấm dứt xung đột do Nga không tham gia sự kiện.

Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết Ukraine nên xem xét điều kiện mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hôm 14/6, trong đó có từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập cuối năm 2022.

"Diễn biến trên tiền tuyến cho thấy tình hình đang tiếp tục xấu đi đối với Ukraine", ông Peskov nói. "Một chính trị gia đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của bản thân sẽ cân nhắc đến đề xuất như vậy".

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/hoi-nghi-thuy-si-keu-goi-cac-ben-doi-thoai-giai-quyet-xung-dot-ukraine-i734558/

Thái Hà / cand.com.vn