Lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã kết thúc Hội nghị thượng đỉnh tại Rome, Italy, ngày 31/10 (giờ địa phương, tức 1/11 giờ Việt Nam), với cam kết giải quyết “mối đe dọa nghiêm trọng và cấp thiết do biến đổi khí hậu”, tuy nhiên, vẫn chưa làm hài lòng các nhà hoạt động môi trường.
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo các nước G20 cam kết ngừng tài trợ cho các nhà máy sản xuất điện có sử dụng than ở các nước nghèo, tuy nhiên, chưa thể đưa ra một lộ trình cụ thể cho việc này ngay tại quê nhà.Vấn đề sử dụng than đá, một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, cũng là vấn đề khó tìm được sự đồng thuận tại G20.
Liên quan đến metan, một loại khí thải có tác động mạnh nhưng kém bền hơn carbon dioxide, các nước G20 cũng đưa ra tuyên bố khá “loãng” rằng “cố gắng giảm đáng kể lượng phát thải khí metan chung” và rằng “giảm phát thải khí metan là một trong những cách nhanh, khả thi và tiết kiệm nhất để hạn chế biến đổi khí hậu”.
Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết đã diễn ra các cuộc thảo luận căng thẳng về “tài trợ chống biến đổi khí hậu”, đề cập đến cam kết từ năm 2009 của các nước giàu trong cung cấp 100 tỷ USD cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển đến năm 2020. Trên thực tế, mục tiêu này đã không thành, dẫn đến sự ngờ vực và miễn cưỡng của một số nước đang phát triển trong cắt giảm khí thải, theo AP.
Một điểm sáng của hội nghị chính là các nước đã đạt được đồng thuận về việc cùng nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là kết quả sau nhiều ngày đàm phán khó khăn giữa các nhà ngoại giao và điều này cũng để lại nhiều công việc hơn cho Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) hay COP26, khai mạc ngày 31/10 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh.
Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng với một Hội nghị G20 thành công. Ông Draghi cho biết tuyên bố của Hội nghị G20 đã “đi xa về vấn đề biến đổi khí hậu hơn bất kỳ tuyên bố nào của G20”. “Tuyên bố đã đề cập đến việc hạn chế sự tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C, một mức mà các nhà khoa học cho là rất quan trọng để tránh thảm họa. Chúng tôi đã thay đổi được mục tiêu quan trọng này”, ông Draghi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, kết quả này lại khiến người đứng đầu LHQ cũng như lãnh đạo Vương quốc Anh thất vọng. Thủ tướng Anh Boris Johnson lại gọi các cam kết của G20 chỉ là “một giọt nước nhỏ giữa biển cả đang nóng lên nhanh chóng”. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đồng quan điểm cho rằng những kết quả này quá khiêm tốn. “Tôi hoan nghênh việc G20 tái cam kết với các giải pháp toàn cầu, tôi rời khỏi Rome với những kỳ vọng chưa thành, nhưng ít nhất chúng không bị lãng quên,” ông Guterres đăng tải trên Twitter trước khi lên đường đến Glasgow dự COP26.
Vương quốc Anh đã hy vọng về một “cú bứt phá G20” trước thềm COP26, các nhà hoạt động vì môi trường giờ đây lại coi COP26 là “hy vọng cuối cùng” để đạt được cam kết nhằm hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức không quá 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo giới khoa học, đây là cột mốc quan trọng cần đạt được nhằm tránh sự gia tăng mạnh mẽ của các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt như hạn hán, bão và lũ lụt, và để đạt được mục tiêu đó, cần đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một số thành viên G20 như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Mỹ chiếm hơn 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới.
Hiện nay, biến đổi khi hậu vẫn là mối đe dọa lớn, đặc biệt là với những nước có địa hình thấp, cùng với những ảnh hưởng đến sinh kế của người dân toàn cầu và sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Vương quốc Anh, chủ nhà của COP26, đã thúc đẩy các cam kết về giảm mức phát thải ròng về 0, nhưng cuối cùng, các nhà lãnh đạo G20 đã đi đến thỏa hiệp rằng mục tiêu đó có thể đạt được vào khoảng giữa thế kỷ này, không đưa ra một cột mốc cụ thể nào.
Một số chuyên gia nhận định, Hội nghị G20 đã bộc bộ sự chia rẽ tồn tại giữa phương Tây, những nước gây ô nhiễm hành tinh từ lâu và hiện đang chứng kiến sự giảm phát thải rõ rệt, và các nền kinh tế mới nổi, điển hình là Trung Quốc, những nước có lượng phát thải tăng trưởng cùng với nền kinh tế. Mỹ và Liên minh châu Âu đã đặt năm 2050 là thời hạn cuối cùng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, trong khi Trung Quốc, Nga và Arab Saudi đang đặt mục tiêu đến năm 2060. Lãnh đạo của 3 quốc gia này đã không đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Rome.
Trước khi rời Italy, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ thất vọng rằng các thành viên của G20 là Nga và Trung Quốc đã “không thực sự tham dự” sự kiện với những cam kết nhằm giải quyết hậu quả của biên đổi khí hậu. Dù không tham dự trực tiếp nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cử các quan chức cấp cao tham dự COP26. Ngoài ra, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định rằng việc lãnh đạo các nước G20 có thể cùng tụ họp và thảo luận vấn đề này cũng đã là một thành công trong bối cảnh đại dịch, tuy nhiên, ông cũng ngụ ý rằng muốn thấy được những “tuyên bố và cam kết táo bạo hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.
Dù vậy, Thủ tướng Italy Draghi dự đoán rằng các nước vẫn sẽ tiếp tục cải thiện kế hoạch nhằm giảm thiểu phát thải carbon trong những năm tới, đồng thời bày tỏ ngạc nhiên về “sự chuyển biến quan điểm lớn từ các nước như Trung Quốc và Nga” trong thời gian gần đây. “Đưa ra những vấn đề khó để thảo luận là việc đơn giản, nhưng làm sao để giải quyết chúng mới là điều khó”, ông Draghi cho biết, theo Al Jazeera.
Tiến Dũng
Lãnh đạo các nước G20 đạt thỏa thuận lịch sử |
Căng thẳng leo thang, ngoại trưởng Trung Quốc - Mỹ không giáp mặt tại G20 |