- Tỉnh táo trước lời quảng cáo “thần thánh” thuốc bổ hậu COVID-19
- Làm gì để cải thiện chức năng phổi hậu COVID-19?
- Làn sóng du lịch bù đắp hậu COVID-19 bùng nổ, người Hàn Quốc đổ xô ra nước ngoài
Hậu COVID-19 khiến không ít người phải đối mặt với các vấn đề về tim mạch ở mức độ từ nhẹ đến nặng.
Trong đó, hội chứng mạch vành hậu COVID là tình trạng được giới y học nói riêng và toàn thế giới nói chung quan tâm.
Theo BS Nguyễn Thị Lự, chuyên khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC), hội chứng động mạch vành là thuật ngữ y học dùng để chỉ tình trạng máu đổ về tim giảm đột ngột do nguyên nhân mạch vành gây ra các cơn đau thắt ngực dù là đang nghỉ ngơi hay vận động. Thời gian gần đây, các trường hợp bệnh nhân bị hội chứng động mạch vành tăng cao do ảnh hưởng hậu COVID-19.
Hội chứng mạch vành có thể được cải thiện hiệu quả nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách. (Ảnh minh họa)
Trường hợp nhiều động mạch vận chuyển máu về tim bị ảnh hưởng khiến quá trình lưu thông bị trì trệ, nhiều vùng cơ tim bị thiếu máu sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó mà các bệnh nhân F0 sau khi điều trị khỏi COVID thì nên khám sức khoẻ trong đó có kiểm tra về bệnh lý tim mạch, bệnh mạch vành nhất là ở các bệnh nhân có biểu hiện đau ngực, khó thở, hồi hộp trống ngực…
BS Nguyễn Thị Lự lưu ý, nếu bạn có các biểu hiện dưới đây thì nguy cơ cao bị hội chứng mạch vành hậu COVID-19 và cần đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khoẻ.
- Đau thắt hoặc cảm giác tức tối ở lồng ngực theo từng cơn hay kéo dài liên tục, giống như đang bị bóp nghẹt.
- Cơn đau lan rộng sang các vùng khác như bả vai, cánh tay, hông sườn, quai hàm,…
- Đi kèm với các cơn đau tức ngực là cảm giảm hụt hơi, khó thở, nhịp thở dồn dập.
- Thường xuyên xuất hiện tình trạng đánh trống lồng ngực, hồi hộp, lo lắng, trầm cảm.
- Xảy ra một số vấn đề liên quan đến trí nhớ, thiếu tập trung, khó ngủ, chóng mặt.
- Một số trường hợp còn có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng, choáng váng, vã mồ hôi nhiều hoặc đau nhức các khớp.
Hội chứng mạch vành có thể được cải thiện hiệu quả nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách. Để chẩn đoán chính xác hội chứng mạch vành, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng và một số kết quả kiểm tra chuyên sâu, từ đó đưa ra định hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Bác sĩ có thể chỉ định thuốc nhằm giảm triệu chứng, hỗ trợ quá trình lưu thông của máu theo động mạch về tim. Một số trường hợp cần can thiệp ngoại khoa như đặt ống stent sẽ được bác sĩ chỉ định nếu thấy cần thiết khi bệnh nhân sử dụng thuốc không hiệu quả.
Bên cạnh đó thì các ca bị hội chứng mạch vành hậu COVID-19 cần chú ý đến những vấn đề sau để rút ngắn thời gian điều trị:
- Từ bỏ các thói quen gây hại cho sức khỏe nhất là tim mạch như hút thuốc lá, thường xuyên sử dụng thức uống có cồn, bia, rượu, cà phê, nước ngọt, ăn đồ chiên, rán, thức khuya,…
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế thực phẩm giàu Cholesterol và chất béo bão hòa, tăng cường các loại rau, củ, quả, trái cây, ngũ cốc, thịt nạc, sữa ít béo,… trong khẩu phần hàng ngày.
- Vận động thường xuyên với các bài tập phù hợp thể trạng cơ thể để giúp quá trình lưu thông của máu dễ dàng. Tập yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội,… đều đặn mỗi ngày sẽ giúp cơ thể khoẻ mạnh, tăng cường khả năng làm việc và tuần hoàn máu.
- Kiểm soát hàm lượng Cholesterol, huyết áp và cân nặng sẽ giúp nhanh chóng cải thiện các vấn đề liên quan tim mạch.
- Tránh xa các căng thẳng, áp lực dù là trong bất kỳ lĩnh vực nào, hạn chế thời gian làm việc, học tập và sử dụng các thiết bị điện tử để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và giúp tim khỏe mạnh.
https://vtc.vn/hoi-chung-mach-vanh-hau-covid-19-co-nguy-hiem-ar674448.html