Học viên phải học luật và đạo đức người lái xe

Từ ngày 1.1.2020, có rất nhiều chính sách về các lĩnh vực trong đời sống như an ninh trật tự, tài chính ngân hàng, giao thông… có hiệu lực. Trong đó, có Thông tư 38/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm siết chặt quản lý đào tạo và cấp phép lái xe.

Để hiểu rõ hơn về các quy định tại Thông tư 38, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Huyện cho rằng người lái xe nắm chắc luật và kỹ năng sẽ lái xe an toàn giảm tai nạn giao thông.

Theo quy định của Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, từ ngày 1.1.2020 phương thức đào tạo và cấp bằng lái xe sẽ thay đổi, thưa ông?

- Từ 1.1.2020, Thông 38 có hiệu lực và đã có rất nhiều đổi mới về chất lượng đào tạo lái xe. Cụ thể, tất cả các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe cả lý thuyết và thực hành phải truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để giám sát, việc giám sát này nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực. Tiếp đó là việc cấp đổi bằng lái xe cho người nước ngoài, yêu cầu người tham gia thi cấp giấy phép lái xe phải có xác nhận của đại sứ quán về việc lưu trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên. Trong lĩnh vực đào tạo, đội ngũ giáo viên cũng được nâng cao, cùng đó phần thi lý thuyết được nâng từ 450 câu hỏi lên 600 câu hỏi, vấn đề học luật và đạo đức đều có lưu và chứng minh học viên phải đến học trực tiếp. Điều này sẽ giúp cho học viên có được trình độ lý thuyết tốt, nắm được chắc luật và kỹ năng lái xe sẽ giúp cho học viên có đủ những kiến thức cần thiết để lái xe an toàn giảm tai nạn giao thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng công nghệ và buồng lái giả định tại các trung tâm đào tạo sát hạch sẽ gây tốn kém cho các trung tâm và mức đóng học phí cũng cao cho các học viên. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

-  Với lộ trình áp dụng khoa học công nghệ vào đào tạo lái xe, tất cả các tình huống mà tai nạn giao thông có thể xảy ra trên đường như trên đường đèo dốc, sương mù, qua cầu phà khó khăn… sẽ được đưa vào phần mềm mô phỏng để học viên học được tiếp nhận các tình huống phức tạp, để tự tin lái xe làm chủ cung đường tại các vùng đèo núi nguy hiểm. Về kinh phí, hiện Tổng cục đã làm việc với các trung tâm về vấn đề giải ngân do đó chi phí đào tạo cũng ở mức vừa phải. 

Thưa ông tại Thông tư 38 cũng quy định các học viên phải học 2 giờ về nội dung phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông, xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

-  Việc học tập luật và đạo đức lái xe có phần cấm rượu bia khi tham gia giao thông phải được giám sát và học viên phải trực tiếp đến lớp học, đảm bảo khi học viên được cấp phép lái xe sẽ nắm rõ về các quy định của pháp luật đối với người tham gia giao thông. Cùng đó, phạm trù đạo đức của người lái xe là “đã lái xe là không uống rượu bia” theo quy định của Nghị định số 100/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016.

-  Xin cảm ơn ông!

Đặng Tiến

/ laodong.vn