Những ngày qua, các phụ huynh liên tục chia sẻ các clip con họ tập đọc với phương pháp mới, đọc thơ qua các hình tam giác, ô vuông mà không đánh vần chữ.
Video: Bố mẹ choáng váng vì con đọc thơ làu làu bằng ô vuông
Học máy móc, rắc rối?
Trên mạng xã hội, các phụ huynh bức xúc liên tục chia sẻ các clip con họ tập đọc với phương pháp mới, đọc qua các hình tam giác, ô vuông mà không đánh vần chữ.
Trong clip dài hơn 5 phút, người cha dạy con mình học câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” trong cuốn sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục.
Trang sách in sẵn hai dòng ô vuông, trên 6 ô dưới 8 ô có màu sắc khác nhau. Cậu bé chỉ thứ tự từng ô vuông và đọc vanh vách hai câu thơ trên. Tuy nhiên, khi chỉ vào từng từ trong câu thơ, cậu bé lại không nhận diện được chữ. Nhất là khi người cha chỉ vào chữ “Mười” và hỏi “con đọc chữ này chữ gì”. Cậu bé trả lời “không biết”.
Khi cha mẹ hỏi “không biết nhưng sao lại đọc dưới này được (dưới này - đoạn ô vuông)” thì bé trai lập tức trả lời “do cô chỉ”.
Ngay sau khi những clip này được chia sẻ, cộng đồng mạng tranh cãi gay gắt về clip trẻ chỉ đọc được ô vuông, tam giác, hình tròn nhưng không đọc được chữ viết.
Phần lớn là bình luận tiêu cực cho rằng phương pháp học này phản khoa học, khó hiểu, học vẹt. Thậm chí, có phụ huynh còn bức xúc cho rằng phương pháp học có vấn đề.
Trên trang mạng xã hội Facebook, nick Phạm Duyên, cũng là một giáo viên dạy tiếng Việt chia sẻ bài viết ủng hộ phương pháp học của GS Hồ Ngọc Đại. Chị này cho biết cách dạy trên đã được GS Hồ Ngọc Đại áp dụng qua rất nhiều năm ở các trường thực nghiệm, đem lại kết quả và đã được các nhà chuyên môn kiểm chứng. Sau này, học sinh nắm rất vững quy tắc phát âm, dùng từ, đặt câu trong tiếng Việt, ít bị sai sót...
Nhiều người không bỏ thời gian tìm hiểu phương pháp như thế nào, chỉ tự động chửi rồi bức xúc dưới góc nhìn của phụ huynh.
"Tất cả những clip đó đều được cắt ghép thiển cận làm mọi người hiểu sai hoàn toàn cách dạy mới. Ở đây mình không nói sách mới hay sách cũ, cái nào tốt hơn, nhưng mọi người nên nhớ rằng, tất cả các cách dạy đều là muốn tốt cho trẻ em đọc đúng, viết đúng. Các clip kia làm mọi người hiểu sai hoàn toàn vấn đề và nghĩ rằng các em nhìn hình học vẹt.
Đây là bài đầu tiên của lớp 1, bài học số lượng tiếng, tức là dạy các em nhớ quy tắc có bao nhiêu chữ là có bấy nhiêu tiếng phải được phát ra miệng. Với người lớn cái này là điều dễ dàng, hiển nhiên, nhưng với trẻ nhỏ, các bé rất hay bị nhầm lẫn mặt chữ.
Mọi người nhớ lại lúc nhỏ xem, chắc chắn sẽ có những người phải dùng tay dò chữ, thậm chí là cả bây giờ, nhiều bé đọc nhưng tay phải chỉ từng chữ mới đọc đủ chữ, nếu không đọc bằng mắt, bé ngay lập tức sẽ đọc thiếu chữ, dẫn đến tình trạng đọc sai câu. Sách cũ lại không giải quyết vấn đề này từ đầu nên ở chương trình sách mới, để giải quyết vấn đề đó, bài đầu tiên của lớp 1 sẽ là học số lượng tiếng.
Tuy nhiên để các bé dễ nhớ quy tắc bất di bất dịch đó, họ nghĩ ra cách mô phỏng mỗi chữ là một ô hình. Cứ mỗi hình ứng với một chữ bắt buộc phải được phát ra miệng. Bài này học có 1-2 tiết thôi, chuyển sang học chữ cái - âm vần, thanh... chứ không phải là nhìn hình đoán chữ, học đi học lại cả năm như mọi người tưởng, càng không phải dạy các bé học vẹt. Các bé nhớ quy tắc thôi rồi sẽ học âm vần thanh điệu sau, đến lúc đó các bé sẽ không đọc thiếu chữ, bỏ chữ nữa".
Nick Phạm Duyên cho rằng: "Hãy thử đặt mình vào vị trí 1 đứa trẻ, sách cũ hay sách mới cái nào cũng có mặt tốt, mặt xấu cần thay đổi. Không cái nào là hoàn hảo. Cháu mình học sách mới từ lớp 1, giờ đọc thông, viết thạo và còn đọc đúng, viết đúng. Năm nay bé lên lớp 4 rồi. Sách mới này còn nhiều vấn đề để thay đổi tuy nhiên mọi người không nên đổ hết cái xấu lên nó mà hãy nhìn vào mặt tích cực nó mang lại để hoàn thiện nó hơn vì suy cho cùng nó vẫn chỉ là cải cách chứ chưa phải là sách chính thức".
Phản biện lại nội dung bài viết của Phạm Duyên, nick Kts-Pham Dan, một phụ huynh cho rằng: "Đây không phải hướng tích cực, có rất nhiều những lỗi sai cơ bản. Sao hình đấy ai bảo là khối nhựa? Ý đồ là dạy cách tư duy, nhưng trẻ phải biết hết mặt chữ mới hiểu mới tư duy được. Trẻ lên cấp 2 não mới đủ điều kiện phát triển và có tư duy tốt. Cô giáo dạy có chỉ vào chữ đâu, cô giáo chỉ vào hình và các cháu đọc theo hình, vậy các cháu nhớ sao được mặt chữ? Tôi hỏi con tôi, cháu chỉ vào hình đọc không sai tí nào, nhưng hỏi chữ này là gì thì chịu. Vậy có phải là học máy móc và học vẹt không?".
Còn thành viên Truc Anh cho rằng việc dạy trẻ đọc theo cách này là thừa thãi và rắc rối quá.
"Để học số lượng chữ mà phải tách ra học tận mấy lần như thế này thì lằng nhằng quá, bọn trẻ con sẽ thấy khó hiểu, đến người trẻ ở độ tuổi như em nhìn vào còn mãi mới hiểu được thì nói gì tới các bé lớp 1 chứ, lại còn thêm dòng ghi chú màu xanh kia, trẻ con đọc nó hiểu thế nào được" - Truc Anh nêu quan điểm.
Một thầy giáo khác có tên Quang Minh cũng đăng tải bình luận cho rằng: \'\'Nếu mỗi ô tương ứng 1 "tiếng" thôi thì mắc gì không chỉ thẳng vào chữ để đọc? Trẻ em trí nhớ hình ảnh rất tốt và nhanh nhớ hơn người lớn. Khi chỉ vào mặt chữ, ban đầu, các bé nhớ mang máng, lần sau sẽ thấy quen thuộc rồi trong quá trình học vần tiếp theo sẽ nhớ dai hơn. Cứ cho trẻ học chữ, âm, vần rồi thì rất khó mà bỏ sót chữ.
Làm giáo dục, không chỉ môn tâm lý học là đủ. Hiện tại theo tôi, chương trình của thầy Đại rất cần sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ học, nhất là âm vị học, ngữ âm học. Và cả văn hoá học nữa. Thì hy vọng SGK và phương pháp dạy sẽ hoàn thiện hơn nữa\'\'.
Còn Thu Thu Dinh thắc mắc: "Không phải bọn trẻ con bây giờ thông minh hơn rất nhiều so với thế hệ trước? Tại sao cứ phải áp đặt đủ thứ trên đời trong ngành giáo dục vào cho trẻ con đủ thứ môn trên đời. Ngày xưa vẫn học song song. Số lượng tiếng cũng vẫn được gõ bằng thước kẻ, vừa biết được số lượng tiếng mà vẫn biết mặt chữ. Sao cứ phải vẽ khối để đếm số lượng tiếng?\'\'.
Phụ huynh không quá lo lắng
Cùng bảo vệ chương trình Công nghệ Giáo dục, nick Vu Anh Nguyen đăng tải bài viết trên trang cá nhân cho biết: \'\'Đây là bài học ở trang thứ 5 của SGK Công nghệ Giáo dục. Bài này dạy các em học tách tiếng của một câu mà ví dụ là mỗi hình vuông tương đương với 1 tiếng trong bài thơ Tháp Mười...".
Để tiện so sánh Vu Anh Nguyen up lên cùng với 1 trang sách giáo khoa của trường Thực nghiệm in năm 1987 và giải thích: \'\'Sau bài này các em mới học nhận mặt chữ và học đánh vần. Ở trang thứ 5 tức là mới học cùng lắm được 2-3 buổi mà bố mẹ đòi con nhận được mặt chữ hay phân biệt được từ thì có mà siêu nhân hết à?\'\'.
Đồng tình với Vu Anh Nguyen, thành viên Nguyễn Bảo Trúc, sinh viên năm 3 cũng chia sẻ một bài viết trên trang cá nhân của mình nêu quan điểm ủng hộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại và cho rằng việc làm này là cần thiết.
\'\'Phần ô vuông đấy là người ta đang dạy cho các em về tiếng, chứ không phải dạy chữ, và đừng ai nhầm lẫn những hình đó có nghĩa là chữ! Những hình đó không phải là chữ.
Nhân tiện, em cũng muốn nói thêm rằng bữa trước clip cô giáo dạy cách đánh vần lạ ấy, cô ấy dạy không sai đâu mọi người ạ, hoàn toàn đúng!
Em hiểu tâm lý mọi người lo cho con cái, nhưng bản chất của người làm giáo dục em nghĩ cũng thế, và khi đưa ra một cái gì họ cũng trải qua một quá trình nghiên cứu, với cả một nhóm người với trình độ chuyên môn chứ không phải như không người ta kiếm việc ra làm cho mọi người chửi rủa đâu.
Chương trình học này đã được áp dụng ở một số nơi từ rất lâu rồi, và em nghĩ thế hệ các anh chị ấy đều biết đọc, và không ai bị mù chữ. Nên các anh chị cứ bình tĩnh ạ\'\'.
Nick Jelly Nguyen chia sẻ: \'\'Mấy hôm nay lướt tin tức thấy nhà nhà, người người nói về chương trình học lớp 1 và đặc biệt là môn tiếng Việt. Con mình cũng học sách Công nghệ Giáo dục cách đây 2 năm rồi và mình thấy con tiếp thu nhanh và đọc còn chính xác hơn cả mình vì có cô giáo dạy, nhiều cái mình đánh vần không đúng con dạy lại mình, nhiều nguyên âm, phụ âm mình không biết con cũng tự học và tự làm và chưa bao giờ bị sai.
Thế nên người lớn chúng ta thì lo sợ con học quá tải, con không học được chứ trẻ con mới vào lớp 1 các bạn ấy học và nhớ lâu lắm, cô giáo dạy là nhớ hết, đánh vần chuẩn, phát âm chuẩn, ngắt câu chuẩn.
Người lớn chúng ta đang già cỗi đi thôi chứ trẻ con sẽ học được. Con mình cũng chẳng học trước, không học thêm nhà cô, mình cũng không ép con phải học thêm vì mới lớp 1 đọc được chữ, viết được rõ ràng là tốt lắm rồi.
Các bố mẹ có con vào lớp 1 mà bé phải học sách Công nghệ Giáo dục thì cũng không phải lo lắng, áp lực làm gì. Hãy cứ tin vào con em chúng ta chứ đừng lấy bản thân mình ra để làm thước đo, nhiều cái người lớn phải học ở trẻ con mà".
Dân mạng nhầm báo tiếng Mường sang cải tiến tiếng Việt của mình, PGS Bùi Hiền nói gì?
PGS Bùi Hiền lên tiếng về việc cư dân mạng dẫn link bài báo tiếng Mường để chỉ trích công trình nghiên cứu tiếng Việt ... |
Dẫn link báo tiếng Mường, dân mạng thiếu hiểu biết điên cuồng gán vào chữ viết của PGS Bùi Hiền
Cộng đồng mạng cật lực chia sẻ link những bài báo bằng tiếng Mường và cho rằng, đó là kết quả của việc cải cách ... |