Hoạt động mua sắm miễn thuế tại Hàn Quốc và Nhật Bản: Nơi ế ẩm, nơi nhộn nhịp

Trong khi chuỗi cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc lâm vào tình trạng ế ẩm thì các “đồng nghiệp” ở Nhật Bản lại đau đầu với việc làm thế nào để hạn chế thất thoát thuế từ mua sắm miễn thuế - hoạt động đang bùng nổ của các khách du lịch đến với đảo quốc Mặt trời mọc.

mien-thue.jpg
Mua sắm miễn thuế là một trong những hoạt động hút khách du lịch tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Linh Hoàng

Hàn Quốc chứng kiến loạt trung tâm bán hàng miễn thuế gặp khó khăn, dù lượng du khách đến nước này không mấy sụt giảm.

Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, lượng du khách nước ngoài đến quốc gia này trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10-2024 là 13,74 triệu người, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19).

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các cửa hàng miễn thuế ở Hàn Quốc ghi nhận sự sa sút khi nhu cầu của du khách đến các cửa hàng miễn thuế giảm mạnh, trong khi tỷ giá hối đoái giữa đồng won với đồng USD tăng vọt sau sự cố thiết quân luật đầu tháng 12-2024. Hệ quả, các trung tâm miễn thuế lớn của Lotte, Shilla, Shinsegae và Hyundai Duty Free đang chứng kiến mức lỗ theo quý hơn 100 tỷ won.

Để ứng phó, nhiều cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc đã buộc phải triển khai những biện pháp mạnh, từ giảm diện tích kinh doanh, cho phép nhân viên rút ngắn ngày làm việc, cho tới đóng bớt cửa hàng...

Đáng chú ý, một cơ sở bán hàng miễn thuế lớn của Shinsegae tại Busan sẽ đóng cửa vào ngày 24-1 sau 12 năm hoạt động. Cơ sở này từng trải qua thời kỳ đỉnh cao với doanh thu trên 67,8 triệu USD mỗi năm.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc cửa hàng mang tính biểu tượng như vậy phải dừng hoạt động sẽ là “pháo hiệu” mở đầu chuỗi đóng cửa hàng loạt của các cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc trong năm 2025.

Trong khi đó, tình hình ở Nhật Bản hoàn toàn trái ngược khi lượng khách du lịch kỷ lục đang mang lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng miễn thuế. Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, có 48,1% khách du lịch quốc tế tới nước này đã thực hiện thủ tục miễn thuế khi mua sắm, tức là cứ 2 người thì có 1 người mua hàng mà không phải trả thuế tiêu dùng.

Hiệp hội Bách hóa Nhật Bản cũng ghi nhận, doanh thu bán hàng miễn thuế của các cửa hàng bách hóa trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến 7-2024 đạt 397,8 tỷ yên, tăng gần 12 lần so với cùng kỳ năm 2014 (33 tỷ yên).

Trong những tháng gần đây, mua sắm tại Nhật Bản còn trở nên đặc biệt hấp dẫn do đồng yên yếu. Chi phí sở hữu một máy Sony PlayStation 5 tại Nhật Bản chỉ 425 USD, thấp hơn nhiều so với mức khoảng 500 USD tại Mỹ và Trung Quốc.

Sức hấp dẫn nói trên khiến số lượng cửa hàng miễn thuế tại Nhật Bản liên tục tăng mạnh. Vào năm 2012, Nhật Bản có 4.173 cửa hàng miễn thuế, nhưng đến nay đã lên tới hơn 50.000 cửa hàng.

Gần đây, ngay cả các khu vực ngoài đô thị của Nhật Bản cũng chứng kiến sự bùng nổ số lượng cửa hàng miễn thuế. Shimane, một tỉnh ở vùng núi xa xôi của Nhật Bản, cũng có tới 88 cửa hàng. Tuy nhiên, hoạt động mua sắm miễn thuế gia tăng chóng mặt lại khiến Nhật Bản đối mặt với những thách thức hoàn toàn trái ngược với Hàn Quốc.

Đơn cử, Cơ quan Thuế Nhật Bản đang thúc đẩy các biện pháp chống thất thu thuế, trong đó yêu cầu các hệ thống bán hàng ngăn chặn những giao dịch mua hàng miễn thuế số lượng lớn nhằm kiếm lời.

Chuỗi cửa hàng điện máy hàng đầu Nhật Bản Bic Camera đã triển khai hệ thống tự động chia sẻ số hộ chiếu của khách mua hàng miễn thuế. Hệ thống sẽ tự động thông báo cho nhân viên bán hàng nếu khách cố gắng mua nhiều mặt hàng giống nhau bằng cách ghé thăm một cửa hàng vào những thời điểm khác nhau hoặc đến nhiều địa điểm.

Cùng với đó, hải quan tại các sân bay quốc tế lớn của Nhật Bản cũng siết chặt kiểm soát và tăng cường truy thu tiền thuế tiêu dùng từ du khách nước ngoài.

Chính phủ và đảng cầm quyền ở Nhật Bản cũng nhất trí sẽ cải cách thuế trong năm tài chính 2025, theo đó chỉ hoàn thuế khi khách du lịch xuất cảnh.

Nếu phương thức này được triển khai triệt để, sẽ ngăn chặn được việc mua hàng với mục đích bán lại và khắc phục tình trạng thất thu thuế, dù cách tiếp cận này được cho là sẽ ảnh hưởng phần nào đến số lượng khách du lịch nước ngoài có ý định chọn Nhật Bản là điểm đến mua sắm.

Hoạt động mua sắm miễn thuế tại hai cường quốc du lịch Hàn Quốc và Nhật Bản đang trải qua giai đoạn biến động trái chiều, chủ yếu do tác động từ những thay đổi về tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia chắc chắn sẽ cần những biện pháp ứng phó thích hợp để mua sắm miễn thuế tiếp tục là thế mạnh cạnh tranh, thu hút đông đảo khách du lịch từ mọi nơi trên thế giới.

https://hanoimoi.vn/hoat-dong-mua-sam-mien-thue-tai-han-quoc-va-nhat-ban-noi-e-am-noi-nhon-nhip-690262.html

Hoàng Linh / HNM.com.vn