Hoài niệm Bách hóa tổng hợp Hà Nội

Bách hóa tổng hợp từng là niềm tự hào của người Hà Nội trong những năm tháng bao cấp. Tọa lạc ngay khu phố Hàng Bài - Tràng Tiền - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) của Thủ đô, nơi này được xem là trung tâm thương mại lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Người từ các tỉnh về Hà Nội bao giờ cũng phải ghé Bách hóa tổng hợp, lượn vài vòng tham quan, ngắm hàng hóa đủ các chủng loại, mẫu mã từ tầng 1 lên tầng 2 trong các quầy hàng đèn sáng như sao sa, nhưng rồi cũng chẳng mua được gì vì hầu hết chúng được bán theo tem phiếu...

Hoài niệm Bách hóa tổng hợp Hà Nội ảnh 1

Chuyện của muôn người

Được xây dựng từ đầu thế kỉ 20, Bách hóa tổng hợp lúc đầu có tên là Nhà hàng Godard (nay là Tràng Tiền Plaza). Thời bao cấp, Bách hóa tổng hợp tập trung đủ các loại hàng hóa như đồ may mặc, dụng cụ gia đình, văn phòng phẩm, kim khí, hóa chất, gốm sứ, thuốc men, thiết bị y tế… đa phần bán phân phối. Đóng vai trò là trung tâm thương mại lớn nhất Hà Nội nên việc tuyển dụng nhân viên vào làm việc tại đây cũng rất ngặt nghèo.

Tiêu chí đầu tiên là lý lịch phải trong sạch. Tiêu chí thứ hai là hình thức phải thật ưa nhìn. Mậu dịch viên đứng quầy 100% là nữ, do đó cửa hàng khổng lồ này mặc nhiên được coi là nơi hội tụ của những cô mậu dịch viên thuộc diện xinh đẹp nhất nhì thành phố. Thậm chí, có những cô được thanh niên Hà Nội thuộc cả tên và nổi tiếng chẳng khác gì diễn viên điện ảnh, ví dụ như cô Phương “thuốc”, Thùy Vân, Tô Hải, Bích Châm… Nhiều chàng trai Hà thành hàng ngày lượn lờ đến quầy hàng hỏi bâng quơ ra điều mua sắm, nhưng kỳ thực là chỉ để ngắm nhìn, làm quen với các người đẹp. Vì thế, được đứng bán hàng tại Bách hóa tổng hợp cũng là niềm vinh dự lớn của các cô gái trẻ, danh giá chẳng khác gì làm chiêu đãi viên hàng không (ngày đó dùng từ “chiêu đãi viên” thay cho từ “tiếp viên hàng không” như hiện nay).

Bà Mai Phương năm nay gần 80 tuổi, nhà ở đường Giải Phóng, khi đó mới chỉ mười tám, đôi mươi, là mậu dịch viên tại Bách hóa tổng hợp. Khoảng năm 1960 - 1962 của thế kỷ trước, sau khi học hết cấp 2 (phổ thông hệ 10 năm), bà làm đơn xin vào đứng quầy mậu dịch. Do gia đình có bố là cán bộ nên được xét duyệt nhận vào làm việc luôn. Tuổi trẻ đầy mơ mộng, lần đầu trong đời được đi làm tại một trung tâm bách hóa bề thế, hiện đại nên bà không khỏi vui sướng nhưng cũng nhiều lo âu. Bởi đứng quầy là phải giao tiếp với đủ thành phần khách thập phương, nên làm sao để được lòng khách hàng, rồi sau ca kiểm kê, bàn giao, phải xem hàng bán ra khớp với số tiền thu vào thế nào cho không thiếu, không thừa. Thiếu thì phải bỏ tiền túi bù vào, thừa tức là nhân viên cố tình bán tăng giá, sẽ bị cho là vi phạm nội quy.

Hoài niệm Bách hóa tổng hợp Hà Nội ảnh 2

Bách hóa tổng hợp năm 1972