Các thuỷ điện lớn trên lưu vực sông Hồng đều có mực nước rất thấp, trong đó thủy điện Hòa Bình thấp nhất trong 30 năm qua.
Cửa nhận nước vào các tuabin của thủy điện Hòa Bình ngày 16/12. Ảnh: Đ.T |
13h ngày 16/12, mực nước hồ chứa thủy điện Hòa Bình ở mức hơn 101 mét, thấp hơn khoảng gần 16 mét so với mực nước dâng bình thường (117 mét).
"Đây là mức nước thấp nhất được ghi nhận trong 30 năm qua. Dung tích của hồ chứa thủy điện hiện thiếu hụt so với dung tích tại mực nước dâng bình thường 3 tỷ m3, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là trên 2 tỷ m3", ông Nguyễn Đình Thủy, kỹ sư thủy văn Công ty thủy điện Hòa Bình nói.
Theo ông Thủy, trong hơn một tháng qua, mực nước tại hồ chứa thủy điện Hòa Bình chưa bao giờ vượt quá 103 mét. "Tình hình này cùng với việc thủy điện phải xả nước phục vụ nông nghiệp sẽ khiến hoạt động của nhà máy trở nên khó khăn; nguy cơ thiếu nước phát điện đang hiện hữu", ông nói.
Hồ chứa thủy điện Hòa Bình tháng 10/2019. Ảnh: Ngọc Thành |
Ông Vũ Đức Long - Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho hay, cũng như thủy điện Hòa Bình, hiện các hồ chứa hồ thủy điện vừa và lớn trên toàn quốc đều không đạt mực nước dâng bình thường. Tổng dung tích các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà chỉ đạt 65 đến 85% dung tích thiết kế.
Ông Long cho rằng, dung tích trữ nước của các hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Hồng thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến cấp nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân. "Để đủ nước phục vụ nhu cầu nông nghiệp, ba hồ Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà phải xả khoảng 4 tỷ mét khối nước", ông nói.
Theo lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam, với công suất 1.920 MW, nhà máy điện Hòa Bình đóng vai trò "rất quan trọng trong vận hành hệ thống điện quốc gia". Do vậy, EVN kiến nghị
Bộ Tài nguyên & Môi trường cho phép hồ Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang vận hành đáp ứng các ràng buộc kỹ thuật của lưới điện miền Bắc; lưu lượng xả xuống hạ lưu nhỏ hơn qui trình, trong đó hồ Hòa Bình vận hành đảm bảo lưu lượng xả xuống hạ du trung bình ngày không nhỏ hơn 400 m3/s.
EVN cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước; chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp cần thiết, bao gồm việc lắp đặt các trạm bơm dã chiến để có thể bơm lấy nước từ sông Hồng, không phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ chứa thủy điện.
Trước đó ngày 11/12, trong buổi đi kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị lấy nước cho vụ Đông Xuân, Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị Hà Nội tăng lưu lượng xả hồ Đồng Mô, suối Hai để cấp nước cho ruộng đồng, giảm lệ thuộc vào nguồn nước từ sông Hồng.
Công trình thủy điện Hòa Bình có công suất lớn nhất Đông Nam Á, được khởi công từ năm 1979 đến 1994, cung cấp khoảng 1/3 sản lượng điện Việt Nam. Nó có bốn nhiệm vụ chủ yếu: Cắt lũ, phát điện, cấp nước tưới và giao thông thủy.
Dung tích hồ chứa là 9 tỷ m3, chiều dài đập 734 m, chiều cao 128 m. Công suất thiết kế của công trình là 1.920 MW, mực nước dâng tối đa là 120 mét.
Mực nước hồ thủy điện Hòa Bình gần với mực nước chết: "30 năm chưa từng có" Cửa nhận nước của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, nơi trước kia nằm sâu dưới mặt nước hàng chục mét, nay người ta có ... |
Công trường hơn 5.000 ngày đêm sáng đèn trên sông Đà Năm 1979, sau tiếng mìn nổ khởi công thủy điện Hòa Bình, gần 40.000 con người thay nhau khoan, cắt, đào, đắp ngày, đêm ròng ... |
"Chinh phục" sông Đà xây Thủy điện Hòa Bình Gần 80 năm trước, khi người Pháp chọc mũi khoan thăm dò xuống lòng sông ở vị trí nào cũng gặp lớp phù sa, đã ... |
30 năm thủy điện Hòa Bình: Sản xuất 228 tỷ kWh điện, đóng ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng/năm Từ 2010, sản lượng điện của thủy điện Hòa Bình tăng vọt lên xấp xỉ 10,1 tỷ kWh/năm, tăng 24,2 so với sản lượng thiết ... |