HLV Park Chung-gun chia tay bắn súng Việt Nam: Sao phải bất ngờ?

Câu chuyện về cuộc chia ly giữa huấn luyện viên Park Chung-gun và đội tuyển bắn súng Việt Nam đã tạo hiệu ứng dư luận không đáng có. Đây là lúc có hai việc cần làm rõ: Vì sao đôi bên không gia hạn hợp đồng, và đâu là nguyên nhân khiến câu chuyện bị đẩy ra xa?

Đãi ngộ và chỉ tiêu

Như thông tin được Cục Thể dục Thể thao (TDTT), cũng như HLV Park Chung-gun chính thức chia sẻ trên trang cá nhân, đôi bên sẽ không ký hợp đồng mới. Chuyên gia người Hàn Quốc đã về nước theo nguyện vọng cá nhân. Trong khi đó, Cục TDTT sẽ tìm HLV mới để dẫn dắt đội tuyển bắn súng Việt Nam trong thời gian tới.

anh1.jpg -0
HLV Park Chung-gun không tái ký hợp đồng vì không tìm được tiếng nói chung về đãi ngộ và chỉ tiêu cần đạt.

Câu chuyện liên quan đến HLV Park Chung-gun bắt đầu "nóng" kể từ thời điểm Olympic Paris khép lại. Hợp đồng giữa HLV này và Cục TDTT kết thúc vào cuối tháng 8. Sau một quãng thời gian đàm phán, trao đổi thêm, đôi bên quyết định không ký hợp đồng mới. Đó là lúc HLV Park Chung-gun đã hết hợp đồng và trở về Hàn Quốc.

Cùng thời điểm HLV Park Chung-gun chia tay đội tuyển bắn súng Việt Nam, tại Nhật Bản, đội tuyển cầu lông nước này cũng chia tay một "thầy Park". Đó là ông Park Joo-bong. So với HLV Park Chung-gun, ông Park Joo-bong sở hữu bảng thành tích và lý lịch ấn tượng hơn rất nhiều.

Khi còn thi đấu, Park Joo-bong là tuyển thủ Hàn Quốc và giành 2 huy chương vàng Olympic. Sau khi giải nghệ, ông chuyển sang công tác huấn luyện, rồi kết duyên với cầu lông Nhật Bản. Hợp đồng giữa HLV Park Joo-bong và cầu lông Nhật Bản sẽ kết thúc vào tháng 1/2025, tròn 21 năm ông làm việc tại đây.

Trên cương vị HLV trưởng, ông Park Joo-bong đã biến đội tuyển cầu lông Nhật Bản trở thành thế lực tầm cỡ thế giới. Họ có những tay vợt hàng đầu, và giành HCV Olympic Rio 2016. Nhưng khi thành tích đội tuyển không đảm bảo chỉ tiêu, ngân sách cũng bị cắt giảm, ông Park Joo-bong cũng không nằm ngoài mục tiêu "làm mới".

Câu chuyện của HLV Park Joo-bong và cầu lông Nhật Bản cho thấy một sự thật: Không có cá nhân, tập thể nào là bất khả xâm phạm. Họ nhận lương thưởng, chế độ đãi ngộ tương đương với mục tiêu cam kết đã đề ra. Nếu thành tích không như kỳ vọng, đó là lúc HLV, VĐV phải chịu trách nhiệm dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả chuyện mất việc.

Trong câu chuyện giữa HLV Park Chung-gun và bắn súng Việt Nam, Cục TDTT đã cho thấy thiện chí trong việc gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên, phía Cục cũng đưa ra một danh sách bao gồm các tiêu chí, chỉ tiêu cho HLV Park Chung-gun theo hợp đồng mới. Ông Park không đồng ý với việc này, nên đôi bên đường ai nấy đi.

Việc HLV Park Chung-gun chia tay bắn súng Việt Nam chỉ đơn giản xuất phát từ việc đôi bên không "thuận mua vừa bán". Ngoài ra, ta không thể không nhắc đến việc bắn súng Việt Nam đã trắng tay ở 2 kỳ Olympic gần nhất sau kỳ tích Hoàng Xuân Vinh. Cục TDTT có quyền đặt vấn đề về những nguồn lực dồn cho bắn súng nhưng kết quả không như ý.

Ai hé lộ chuyện hậu trường?

Trong địa hạt thể thao thành tích cao, những nhà quản lý không thể ra quyết định dựa trên những tấm huy chương của quá khứ. Họ phải lựa chọn dựa trên cơ sở thực tại. HLV Park Chung-gun không đảm bảo được những thành tích như kỳ vọng của bắn súng Việt Nam với nguồn lực lớn tập trung vào môn thể thao này, nên ông phải ra đi là điều tất yếu.

anh2.jpg -1
Bắn súng Việt Nam có mức đầu tư không đồng đều giữa trung ương và địa phương.

Dù vậy, có một chi tiết thú vị trong giai đoạn HLV Park Chung-gun và Cục TDTT đàm phán về hợp đồng mới. Ở khoảng thời gian này, truyền thông Việt Nam, cũng như mạng xã hội liên tục đăng tải những thông tin liên quan đến hậu trường quá trình trao đổi giữa đôi bên. Bức thư do Cục TDTT gửi HLV Park Chung-gun cũng được chụp lại và chia sẻ.

Đáng chú ý hơn, toàn bộ thông tin đó được đăng tải kèm những bình luận, nhận định có lợi cho HLV Park Chung-gun, đồng thời xây dựng hình ảnh thiếu tích cực về Cục TDTT. Đây là lúc ta cần nhìn nhận lại luồng thông tin được đăng tải có hệ thống đó, và đặt câu hỏi: Ai đã tiết lộ thông tin theo hướng bất lợi cho Cục TDTT?

Như những thông tin xuất hiện trên báo chí, HLV Park Chung-gun là một trong những người đưa thông tin ra ngoài. Ông khẳng định chỉ tiêu Cục TDTT giao cho ông là thiếu thực tế: 3 HCV SEA Games, 2 HCV ASIAD, 2 suất dự Olympic Los Angeles 2028 và chắc chắn có 1 HCV. HLV này cũng khẳng định ông "không đòi hỏi lương bổng, đãi ngộ cao hơn".

Ta có thể thấy, ở phần yêu cầu Cục TDTT đưa ra cho HLV Park, mọi thông tin được liệt kê rất đầy đủ, cụ thể. Tuy nhiên, yêu cầu của ông Park với Cục TDTT lại rất mập mờ, không có con số cụ thể. Trước đó, lương của ông Park Chung-gun tại đội tuyển bắn súng ở mức 6.000 USD/tháng sau thuế, cao nhất trong các HLV ngoại ngoài môn bóng đá.

Bên cạnh việc tìm người phát đi nguồn tin gây bất lợi, câu chuyện với HLV Park Chung-gun đặt ra một vấn đề khác cho Cục TDTT. Đó là mọi thông tin liên quan đến thể thao thành tích cao cần có "độ mở" lớn hơn hiện tại. Chỉ khi nào thông tin được công khai, minh bạch, những chuyện đồn đoán mới dần chấm dứt, tránh hiểu nhầm không đáng có.

Thể thao Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn sau thành tích không như ý ở ASIAD và Olympic. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành Thể thao cải tổ, làm mới mình trong mắt công chúng. Đó có thể là hình ảnh thân thiện, cởi mở, thay vì chỉ xung quanh những câu chuyện về thành tích.

Phân bổ nguồn lực để cùng phát triển

Khi được hỏi "làm thế nào để thành tích VĐV được cải thiện", tất cả các đội tuyển thể thao thành tích cao tại Việt Nam đều có chung một câu trả lời: Cần thêm kinh phí đầu tư. Đáp án đó dường như không phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Đời sống VĐV, HLV được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, điều kiện tập luyện cũng tiến bộ rõ rệt.

Trong câu chuyện của môn bắn súng, bộ môn này hiện được đầu tư trang thiết bị tập luyện tốt nhất nhì Việt Nam. Trường bắn của đội tuyển bắn súng tại Trung tâm Nhổn đạt tiêu chuẩn quốc tế, không thua kém bất cứ quốc gia nào. Các giải bắn súng cấp quốc gia được tổ chức dày đặc hằng năm, trong khi các môn khác thường chỉ có 3-4 giải.

"Bây giờ chúng ta vẫn tập trung các đội tuyển tính theo quý, năm. Ở các quốc gia khác, VĐV tập luyện ở địa phương, CLB chủ quản, và chỉ lên tuyển tập trung khi dự giải quốc tế. Nhưng ở Việt Nam, không phải địa phương nào cũng đầu tư cơ sở vật chất, nên mô hình chuẩn quốc tế chưa thực hiện được", một cán bộ ngành thể thao chia sẻ.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/hlv-park-chung-gun-chia-tay-ban-sung-viet-nam-sao-phai-bat-ngo--i745322/

An Khánh / cand.com.vn