HLV Lê Thuỵ Hải đã có những bình luận trước trận đấu ĐT Việt Nam và đội tuyển UAE nên thận trọng và tận dụng tốt cơ hội.
- Ông đánh giá thế nào về cơ hội của Việt Nam trước UAE, đội thua Thái Lan ở lượt trận trước và mất đỉnh bảng G?
- UAE đang ở thế không được phép thua, như người ta vẫn nói là thế chân tường. Một trận hòa cũng khiến họ rất khó khăn, bởi sẽ đối diện nguy cơ bị Thái Lan bỏ xa ba điểm. Tôi có nghe UAE tự tin nói là họ còn ba trận sân nhà, nhưng đấy chỉ là nói cứng. Là đội hạt giống, họ sẽ chịu sức ép khủng khiếp khi lâm vào tình cảnh ấy.
Nỗi lo của UAE sẽ giúp Việt Nam dễ toan tính. Thế mạnh của chúng ta dưới thời HLV Park Hang-seo, ai cũng biết, là đá phản công. Chỉ khi đá phản công, Việt Nam mới nguy hiểm nhất. Gặp UAE chắc chắn là cơ hội để Việt Nam sử dụng lối đá này bởi từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng ta xếp họ là cửa dưới. UAE cũng vậy, họ luôn tự đặt bản thân cao hơn. HLV hiện tại của họ, Bert Van Marwijk, ở đẳng cấp thế giới, mà điển hình là việc từng đưa Hà Lan vào chung kết World Cup 2010. Với một đội nhỉnh hơn từ thể hình, kinh nghiệm chinh chiến đến thành tích tại châu Á và danh tiếng của HLV, UAE không có lựa chọn nào khác ngoài tấn công. Nếu không tấn công, họ sẽ khó thắng, và có thể bị loại sớm.
Tại bảng G lúc này, Việt Nam, Thái Lan và UAE đang cạnh tranh trực tiếp với nhau, nhưng tình thế mỗi đội một khác. UAE ở thế bất lợi nhất về điểm số (kém Việt Nam, Thái Lan một điểm), và phải chấp nhận thực tế ấy để bước vào cuộc chơi với Việt Nam. Bóng đá cũng như cuộc đời, nó có quy luật riêng, lúc lên lúc xuống. Chứ nếu lúc nào nó cũng đi thẳng, Brazil có lẽ vô địch World Cup suốt đời.
Vũ Văn Thanh (trái) tạt bóng trong trận tranh HC đồng Asiad 2018 gặp UAE. Ảnh: Đức Đồng. |
- Với những lợi thế như ông vừa nêu cộng thêm việc đối phương mất một số trụ cột, ba điểm trọn vẹn liệu có khả thi với Việt Nam?
- Trước hết, tôi phải nói luôn: Thắng UAE là nhiệm vụ rất khó khăn. Trong bóng đá, một cộng một không thể bằng hai. Thái Lan hòa Việt Nam và thắng UAE, nhưng liệu có dám khẳng định là chúng ta hơn Thái Lan không?
Nhiều người nói Việt Nam có lợi thế sân nhà khi gặp UAE, nhưng trong một trận cầu căng thẳng, sức ép từ khán giả nhà là điều phải tính tới. Đôi khi nó rất nặng nề. Lứa cầu thủ Việt Nam hiện tại được rèn luyện ý chí, quyết tâm rất tốt rồi, nhưng khi vừa phải cống hiến cho đội tuyển, cho Tổ quốc, vừa phải chứng tỏ tài năng trước bạn bè, gia đình, người thân, khó nói trước điều gì.
Báo chí và các HLV trong bảng này đã nói nhiều về sự cân bằng giữa các đội. Chiến thắng là điều ai cũng muốn, nhưng khi bóng chưa lăn, cơ hội vẫn chỉ là 50-50.
- Trong hai trận làm khách của Malaysia và Thái Lan, UAE đều thủng lưới trước từ sớm. Ông nghĩ sao về chi tiết này?
- Đó là những thông tin gợi mở cho HLV Park Hang-seo về cách tiếp cận trận đấu. Nhưng vấn đề, là với những con người hiện tại, Việt Nam có đủ sức chơi nhanh ngay từ đầu không? Tôi đã quan sát các đội tuyển từ vòng chung kết U23 châu Á 2018, và nhận thấy là Việt Nam chưa biết cách áp đặt lối chơi, ngay cả trước những đối thủ kém phân. Áp đặt ở đây, là chúng ta chủ động cầm bóng, ép đối phương phải chơi theo ý mình. Nói thật, cái đó tôi chưa thấy.
UAE đúng là đã bị thủng lưới trước ở cả hai trận sân khách, nhưng nguyên nhân có thể đến từ việc họ muốn đá chậm, kiểm soát bóng chắc chắn trước khi dâng cao tấn công. Và nếu họ đá như vậy ở Việt Nam, chúng ta phủ đầu kiểu gì, khi chính các cầu thủ phối hợp tấn công chưa thật nhuần nhuyễn. Chẳng hạn trên sa bàn chiến thuật, ban huấn luyện vạch ra là hậu vệ phải đối thủ yếu lắm, cần phải khoét vào. Nhưng nhìn lại, Việt Nam lúc này đâu có cầu thủ chạy cánh trái nào xuất sắc.
Muốn đánh phủ đầu được phải có tiền đạo giỏi. Tuy nhiên, HLV Park Hang-seo vừa phải đôn Tiến Linh từ đội U22 lên là đủ biết chất lượng hàng công Việt Nam như thế nào. Chiến thuật có hay đến đâu cũng phải dựa vào con người cụ thể. Đấy là lý do tôi muốn nhắc lại, rằng ăn được một quả của UAE khó khăn lắm.
- Nhưng đội bóng nào cũng phải có điểm yếu. Ông nghĩ thế nào về việc cả ba bàn thua UAE đã nhận ở vòng loại World Cup 2022 đều xuất phát từ những pha tạt cánh đánh đầu?
- Khi một kiểu bàn thua lặp lại tới ba lần, khó có thể nói đó là trùng hợp. Tôi tin ông Park đã để ý tới điểm này và có những giáo án cụ thể. Nhưng nói gì thì nói, muốn đánh đầu được thì phải xuống biên được. Muốn có một pha tạt cánh đầu chuẩn thì ngoài cầu thủ tạt hay, người bên trong đánh đầu cũng phải tốt. Tiếc là cả hai dạng này, đội hình Việt Nam bây giờ đều thiếu cầu thủ chơi tròn trĩnh.
Với sơ đồ 3-5-2 hay biến thể 3-4-3, Việt Nam khó đưa ra được những quả tạt chất lượng, bởi người chơi ở biên là các hậu vệ. Họ thường phải đưa bóng vào từ những vị trí thấp, chưa kể còn phải cáng đáng thêm nhiệm vụ phòng ngự. Ở trận gặp Indonesia, tôi thấy ông Park có giải pháp là cho Đỗ Hùng Dũng chơi tự do, để cầu thủ này thoải mái ra biên và tạt bóng từ sâu phần sân đối thủ. Những quả tạt như vậy có sức sát thương cao hơn, nhưng ngược lại, hậu vệ đối phương sẽ có thêm thời gian kèm tiền đạo chúng ta. So với việc tạt sớm, khả năng tạo bất ngờ sẽ giảm đi. Chưa kể, khi gặp UAE, việc tạt muộn còn khiến tiền đạo Việt Nam bất lợi về tranh chấp.
Việt Nam có khả năng đánh biên. Nếu cần, chúng ta có thể nhường đất để UAE tấn công, từ đó xâm nhập ngược trở lại cấm địa họ bằng vũ khí này. Dù vậy, cầu thủ Việt Nam cần tránh tạt vội, mà nên bình tĩnh quan sát. Quả tạt giúp Teerasil Dangda (Thái Lan) mở tỷ số trước UAE là một bài phối hợp hay cần tính đến. Cầu thủ ở cánh ngoặt bóng lại, khiến cặp trung vệ UAE có xu hướng dâng lên, còn Dangda có lợi thế về bước di chuyển. Một nhịp nhanh hơn, khi trên đà băng xuống, giúp cậu ấy thắng trong pha không chiến.
Thắng Nguyễn