- Thời tiết cực đoan ở Italia, Pháp gây tuyết lở, Hy Lạp có mùa đông nóng kỷ lục
- Châu Á đối mặt với tác động chết người của thời tiết cực đoan
Mưa lũ bất thường tại khu vực này, nắng nóng gay gắt ở khu vực khác… những hình thái thời tiết cực đoan đó diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên thế giới cho thấy, biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nặng nề cho sinh mạng con người cũng như của cải vật chất.
Mưa lũ bất thường hoành hành khắp nơi
Biến đổi khí hậu thời gian qua đã trở thành chủ đề quan trọng trong hầu hết các chương trình nghị sự quốc tế toàn cầu. Mùa hè năm nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với mức độ nghiêm trọng hơn càng gây chú ý mạnh mẽ vì tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và hơn một nửa dân số thế giới, tức khoảng 4 tỷ người.
Mưa lũ nghiêm trọng đã nhấn chìm nhiều khu vực dân cư ở Ấn Độ |
Năm 2023 được ghi nhận là năm nóng nhất lịch sử thì năm 2024 lại có thể phá kỷ lục đó, đồng thời mưa lũ từ đầu năm tới nay hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Ấn Độ, chỉ vài tháng sau khi nước này trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất từ trước đến nay, thì các trận mưa bão dữ dội đã gây ra lũ lụt và lở đất trên diện rộng. Mưa lớn diễn ra ở hầu hết các bang miền Nam và Đông Bắc của Ấn Độ những ngày qua. Tại bang Uttar Pradesh, tuần trước có ít nhất 17 người đã thiệt mạng do mưa lớn gây lũ lụt, còn tại bang Rajasthan kể từ ngày 11-8 có ít nhất 22 người thiệt mạng. Lũ lụt tại bang Uttarakhand cũng là nguyên nhân làm 51 người thiệt mạng kể từ tháng 6. Tháng trước, hơn 200 người đã thiệt mạng ở bang Kerala do lở đất.
Tại quốc gia láng giềng Nepal, tổng cộng 171 người đã thiệt mạng kể từ khi mùa mưa bắt đầu vào giữa tháng 6, trong đó có 109 người thiệt mạng do lở đất, số còn lại thiệt mạng do lũ lụt và sét đánh. Ước tính tại quốc gia này còn có hơn 40 người vẫn đang mất tích.
Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Pakistan (NDMA) cho biết, mưa lớn và lũ quét trong tháng 7 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 99 người và làm 214 người bị thương tại các khu vực khác nhau của nước này. Ngoài thiệt hại về người, Pakistan còn hứng chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng và tài sản riêng, với 8 cây cầu bị phá hủy, 400 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn và 112 con vật nuôi bị chết.
Bình thường, mùa mưa ở khu vực Nam Á kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 giúp giảm bớt cái nóng của mùa hè và bổ sung nguồn cung cấp nước, do đó có vai trò rất quan trọng đối với nông nghiệp cũng như sinh kế của hàng triệu nông dân, đảm bảo an ninh lương thực cho gần 2 tỷ người trong khu vực. Tuy nhiên, các thảm họa liên quan đến thời tiết cực đoan đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở khu vực này mà mưa lũ nghiêm trọng những ngày này là một minh chứng. Các chuyên gia nhận định, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai.
Tại miền Trung và miền Nam Trung Quốc, mưa lũ bất thường cũng gây ra những thiệt hại nặng nề. Hơn 80.000 người ở tỉnh Tứ Xuyên đã được lệnh sơ tán do mưa lớn xảy ra trong những ngày gần đây. Chỉ riêng tại thành phố Khang Định thuộc tỉnh Tứ Xuyên đã có ít nhất 27 trường hợp thiệt mạng hoặc mất tích sau khi phải hứng chịu trận mưa lớn gây lũ quét và lở đất nghiêm trọng. Cùng lúc đó, mưa bão lớn đã hoành hành tại tỉnh Hồ Nam từ cuối tháng 7 vừa qua đã gây ra lũ quét, lở đất, phá hủy nhà cửa và đường sá. Thành phố Tư Hưng bị ảnh hưởng nặng nề, khi mưa lớn đã cướp đi sinh mạng của 30 người và 35 người khác mất tích.
Tại Triều Tiên, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi cuối tháng 7 đã đi thị sát các khu vực gần biên giới nước này với Trung Quốc đang bị ảnh hưởng do lũ lụt. Lượng mưa kỷ lục trút xuống đã khiến khoảng 5.000 người bị cô lập. Quân đội Triều Tiên đã điều động khoảng 10 máy bay, mỗi chiếc thực hiện 20 chuyến bay, để tham gia công tác cứu hộ và đưa được khoảng 4.200 người ra khỏi vùng nguy hiểm.
Thế giới phải cấp bách hành động ngay
Có thể thấy, ngày càng nhiều kỷ lục về thời tiết cực đoan được ghi nhận ở cấp độ địa phương, cấp độ quốc gia và cả những bất thường về nhiệt độ trên toàn cầu. Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng ấm lên toàn cầu là một trong những yếu tố chính góp phần gây ra các hiện tượng này, làm trầm trọng hơn rất nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan lâu nay như El Nino hay La Nina.
ÔngYolanda Gonzalez - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hiện tượng quốc tế (CIIFEN) nhận định, hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, El Nino không gây tác động đáng kể nào trên quy mô toàn cầu, nhưng giờ đây hiện tượng này đang diễn ra với cường độ mạnh hơn. Ngoài ra, các hoạt động của con người cũng đang làm thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều. Công nghiệp hóa quy mô lớn và tiêu thụ quá nhiều tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến việc thải ra một lượng lớn khí nhà kính, làm tăng thêm hiệu ứng nhà kính trên Trái đất.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu đã tiếp tục tăng trong thập kỷ qua, góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Điều này khiến nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất cao hơn gần 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Do đó gây ra các đợt nóng gay gắt hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và các cơn bão mạnh hơn do nước biển dâng.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhấn mạnh, tình trạng nắng nóng hiện nay cho thấy rõ tính cấp bách của việc chống biến đổi khí hậu, điều quan trọng nhất là giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên.
Thủ phạm hàng đầu làm Trái đất nóng lên là khí thải từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên… Tuy nhiên, đang tồn tại một thực tế đáng buồn là dù than đá - loại nhiên liệu gây ô nhiễm và nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu, nhưng chưa bao giờ con người lại đốt cháy nhiều than đá như thời gian qua. IEA ước tính, thế giới hiện mỗi năm tiêu thụ hơn 8 tỷ tấn than, tăng 1,2% so năm trước đó và vượt mức kỷ lục được thiết lập năm 2013.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguồn chính tạo ra khí CO2 và là yếu tố đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu, chiếm gần 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong đó, than đá tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều nhất, gấp đôi so với khí tự nhiên. Thế nên, một trong những nhân tố then chốt để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thành công là giảm sử dụng than đá trong sản xuất năng lượng cũng như các nhiên liệu hóa thạch khác, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Trước những thách thức cùng thiệt hại ngày càng nặng nề do các hiện tượng thời tiết cực đoan toàn cầu đặt ra, Cơ quan thời tiết và khí hậu của Liên hợp quốc kêu gọi, các quốc gia, cộng đồng quốc tế cần hành động ngay lập tức để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo: “Đây là thời điểm khủng hoảng về khí hậu”. Đồng thời, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, thế giới cần phải hành động ngay lập tức không chỉ để giải quyết vấn đề khí hậu mà còn vấn đề thịnh vượng kinh tế và phát triển bền vững.
Phó Tổng thư ký WMO Ko Barrett nêu rõ, thế giới phải khẩn trương hành động nhiều hơn nữa để cắt giảm phát thải khí nhà kính, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với chi phí kinh tế ngày càng cao, hàng triệu sinh mạng bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, cùng nhiều thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường và đa dạng sinh học.