Hình sự hóa tài sản bất hợp pháp: Phải làm thế nào?

Chúng ta quyết tâm thực hiện việc kiểm tra, giám sát tài sản quan chức, nhưng chưa có cơ chế cụ thể, hiệu quả để làm.

Không bị kiềm chế, ràng buộc bởi người có quyền lực

Mới đây, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) chia sẻ, sắp tới khi sửa luật cần đề nghị phải hình sự hoá các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 10/7, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý cho biết: "Tôi rất đồng tình việc gắn với trách nhiệm, hình sự hóa các tài sản không hợp pháp, không rõ nguồn gốc, nếu không sau này chỉ áp dụng hình thức cách chức, kỷ luật thì không giải quyết được triệt để.

Bởi có những người còn chấp nhận hy sinh đời bố, củng cố đời con, tức là tham nhũng, rồi chấp nhận kỷ luật, để lấy tài sản cho con cháu.

Thế nhưng, theo quy luật, nếu cán bộ đã làm thất thoát tiền của nhân dân thì phải trả lại nhân dân, tất cả những tài sản đều phải được kiểm kê, đánh giá, thu hồi, không có lý gì chiếm đoạt rồi vin vào việc bị kỷ luật, cách chức mà không hoàn lại.

Tôi rất đồng tình với đề xuất của Cục chống tham nhũng, khi đó mới hạn chế, kìm chế được tham nhũng.

hinh su hoa tai san bat hop phap phai lam the nao
Hình sự hóa tài sản không rõ nguồn gốc

Như vừa qua có cán bộ nói nguồn thu từ nuôi lợn, nuôi gà mà hàng chục tỷ đồng thì không ai nghe được. Tất cả phải có kiểm toán, đánh giá, chỉ có buôn gian bán lận thì mới kiếm được tiền như vậy.

Tôi làm công chức cả đời cũng chỉ mong tích lũy được 1 tỷ đồng để đề phòng rủi ro cuối đời còn khó, cứ tính trả lương công chức, không xà xẻo, nhận hối lộ thì cả đời không bỏ ra được 1 tỷ đồng".

Bên cạnh đó, theo ông Tri, ở nước ngoài nếu không giải thích được nguồn gốc sẽ tịch thu luôn, ví dụ như công chức đi nước ngoài, nhận quà tặng nào đó giá trị trên 500USD là phải kê khai ngay, nếu không phải xung trở lại công quỹ nhà nước, họ cho đó là tiền của nhân dân, chứ không phải của cá nhân.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Việc hình sự hóa các tài sản kê khai bất hợp pháp là đúng, nên làm, nhưng tôi chỉ băn khoăn trong cơ chế như hiện nay có làm được hay không, khi chỉ vấn đề kê khai không trung thực còn chưa giải quyết được?

Chúng ta nên có bước đầu tiên yêu cầu công khai tài sản, những người lãnh đạo nên công bố công khai làm gương". Đó là vấn đề mấu chốt nhất cần làm ngay, nếu vi phạm cách chức ngay, không nể nang, tránh tình trạng bao che.

Đây là quy định làm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chúng ta đang làm “trên trước, dưới sau” nghĩa là làm từ Trung ương trước, địa phương, cơ sở sau, “trong trước, ngoài sau” nghĩa là trong Đảng trước, xã hội sau.

Cách làm này có tính nêu gương, đề cao tính gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội".

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, để thực hiện tốt việc kiểm tra tài sản có hiệu quả, sát thực tế, cần có cơ chế đảm bảo cho người thực thi nhiệm vụ không bị ràng buộc, tác động, kiềm chế bởi người có quyền lực. Nếu tháo gỡ được nút thắt này, mọi chuyện sẽ suôn sẻ.

Công khai tài sản của cán bộ rộng rãi thông qua các kênh thông tin

Bàn về giải pháp cụ thể, ông Thuận phân tích thêm: "Ở Việt Nam, tài sản không rõ nguồn gốc xuất phát từ những người có chức vụ, lợi dụng chức quyền để thu tài sản cá nhân, khi có yêu cầu làm rõ mới giải trình, có nhiều người giải trình không được, thì phải có đơn tố cáo, điều tra.

Như vừa qua cán bộ giải trình tài sản là xuất phát từ nuôi gà, nuôi lợn, buôn chổi đót, lời giải thích như trò hề. Nhưng để chứng minh khối tài sản trên là không rõ nguồn gốc cũng rất khó khăn bởi người dân rất khó để biết cán bộ của mình có bao nhiêu tài sản, bởi hiện nay có nhiều quy định ràng buộc khi thực hiện kiểm tra tài sản cán bộ.

Ví dụ, nếu phát hiện cán bộ có dấu hiệu không minh bạch về tài sản, trước hết phải báo cáo cho cấp ủy, nơi quản lý cán bộ đó. Chúng ta quyết tâm thực hiện việc kiểm tra, giám sát tài sản quan chức, nhưng chưa có cơ chế cụ thể, hiệu quả để giám sát tài sản của họ".

Chính vì thế, theo ông Thuận, cần có cơ chế cụ thể để nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội khác tham gia vào quá trình giám sát tài sản cán bộ, góp phần làm minh bạch hóa mọi hoạt động của họ trong quá trình quản lý nhà nước.

Đồng thời, vấn đề kiểm tra, giám sát tài sản, nên thực hiện công khai tài sản của cán bộ rộng rãi thông qua các kênh thông tin báo chí, trên mạng, để nhân dân được biết giám sát tài sản của cán bộ.

Mặt khác, cũng nhiều cán bộ không sống bằng lương, đó là một thực tế, tất nhiên cán bộ không sống bằng lương không có nghĩa là người ta tham nhũng, tham ô. Vấn đề ở đây là phải làm rõ những khoản thu nhập bên ngoài của người đó có hợp pháp không?. Đây là điểm rất quan trọng của vấn đề chống tham nhũng hiện nay.

Do vậy, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra là xác minh xem cán bộ đó kê khai có chính xác hay thiếu sót gì hay không? Tiếp đó, cần kiểm tra nguồn gốc tài sản đó được hình thành có hợp pháp không?. Trường hợp nếu người ta không kê khai tài sản thiếu trung thực thì phải có cơ chế để cán bộ đó từ chức, tịch thu toàn bộ tài sản.

/ baodatviet.vn