Ông Sỳ Nhộc Pầu - chủ nhân số lượng 1,3 tấn khẩu trang phế liệu vừa được phát hiện - bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và đang bị đề xuất xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Ngày 3/3, thông tin của Báo Lao Động, UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại đối với ông Sỳ Nhộc Pầu (sinh năm 1971, thường trú quận Tân Phú; nơi ở hiện tại tổ 12, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM).
Ông Pầu bị xử phạt số tiền 2,5 triệu đồng về hành vi hoạt động kinh doanh (thu mua phế liệu) dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại mục 2, khoản 7, điều 1 Nghị định số 124/2015.
Đồng thời, UBND xã Vĩnh Lộc B đã chuyển Phòng Tài nguyên - Môi trường tham mưu UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với ông Pầu về hành vi tiếp nhận chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000kg đến dưới 2.000kg quy định tại điểm b, khoản 9, điều 20 của Nghị định số 155/2016.
Ngày 2/3, cơ quan chức năng huyện Bình Chánh cũng đã xác định chính xác khối lượng khẩu trang phát hiện tại gia đình ông Sỳ Nhộc Pầu.
Khi ước tính số lượng ban đầu ngay trong đêm 28/2, một nhân viên môi trường trao đổi nhanh với Báo Lao Động cho biết số lượng cân sơ bộ ban đầu là khoảng 2 tấn. Với số lượng lớn như vậy cùng vật phẩm là khẩu trang y tế, đơn vị xử lý rác thải môi trường phải mang lên nhà máy xử lý rác thải tại Đồng Nai để xử lý theo quy định.
Đến ngày 2/3, sau khi số khẩu trang trên được đưa đến xử lý tại Nhà máy Xử lý rác thải Định Quán (Đồng Nai), cơ quan chức năng xác định khối lượng hàng là 1.270kg (1,27 tấn).
Số lượng khẩu trang phế liệu được xác định là 1,27 tấn. Ảnh: LĐ |
Trước đó, từ nguồn tin của phóng viên Báo Lao Động, ngày 28.2, cơ quan chức năng huyện Bình Chánh đã có mặt và kiểm tra một cơ sở thu mua phế liệu của ông Sỳ Nhộc Pầu (SN 1971, nơi ở hiện tại tổ 12, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM).
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, số lượng khẩu trang lớn trên được đựng trong nhiều bao tải lớn, nhỏ. Trong số này có khẩu trang dính vết bẩn, nhàu, không có bao bì; một số ít khác còn nguyên nhãn mác, bao bì của công ty. Trong số khẩu trang này có lẫn cả bao tay, lon nước ngọt, túi nilon...
Nhiều khẩu trang bị nhàu, bẩn. |
Theo khai nhận ban đầu của ông Pầu, khối lượng khẩu trang được thu gom, tiếp nhận là 780kg. Ông Pầu phủ nhận việc tái chế khẩu trang để bán ra thị trường. Người này cho biết vì lợi nhuận nên đã thu mua số khẩu trang trên sau đó dự định sơ chế rồi bán lại để sản xuất ó keo (tạo hạt nhựa). Tuy khẳng định khẩu trang trên là hàng lỗi của công ty, chưa qua sử dụng nhưng ông Pầu cho biết mua bán không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số hàng trên.
Còn vợ của ông Pầu thì nói: “Trước đây, gia đình vẫn mua của công ty nhưng gần đây có mua của một người phụ nữ cùng địa bàn để về gia công, sau đó mới bán cho xưởng sản xuất ó keo. Mua lại phế liệu thì làm gì có giấy phép. Mấy người thầu của công ty mới có giấy phép. Còn mình mua lại lắt nhắt của người ta về làm sạch rồi bán lại (để sản xuất ó keo - PV) thì làm sao có giấy phép", người này khẳng định.
Theo ông Trần Phú Lữ - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, hiện đã nắm được thông tin vụ việc và giao cho cấp dưới xử lý. “Quan điểm của huyện là sẽ xử lý nghiêm đúng theo quy định”, ông Lữ nhấn mạnh.
Phát hiện đối tượng thu gom 2 tấn khẩu trang y tế đã qua sử dụng tại TPHCM
Hơn 2 tấn khẩu trang y tế được phát hiện tại một ngôi nhà ở tổ 12, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình ... |
Nhóm PV