Hiếu PC: 'Kho báu ngoài khơi của Trương Mỹ Lan' là tin giả, đề phòng bẫy lừa đảo

Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng với trend “đi tìm kho báu của Trương Mỹ Lan”.

Sau khi phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm khép lại, người dùng mạng xã hội rộ lên trào lưu "rủ nhau ra khơi truy tìm kho báu 673 nghìn tỷ của Trương Mỹ Lan".

Thực tế, 673 nghìn tỷ đồng là số tiền Tòa án yêu cầu bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường thiệt hại chứ chẳng phải kho báu nào thuộc quyền sở hữu của người này.

Tuy nhiên, những ngày qua từ Facebook cho đến TikTok, các hình ảnh, dòng trạng thái liên quan đến “kho báu của Trương Mỹ Lan” xuất hiện dày đặc. Nhiều người vô tư rủ nhau hùa theo trend bất chấp hành động này ẩn chứa nhiều rủi ro, thậm chí vi phạm pháp luật.

Nhiều nghệ sĩ bị cắt ghép hình ảnh trend

Nhiều nghệ sĩ bị cắt ghép hình ảnh trend "Đi tìm kho báu của Trương Mỹ Lan".

Trả lời VTC News, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) chuyên viên an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam, cho biết trào lưu này thực chất là trò đùa vui của một bộ phận người dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu xét đến bối cảnh dẫn đến trào lưu thì chẳng có gì đáng để hùa theo.

Trào lưu 'đi tìm kho báu của Trương Mỹ Lan ở ngoài biển' phủ sóng khắp mạng xã hội cho thấy người dân quan tâm đến vụ án liên quan Trương Mỹ Lan. Vụ án này liên quan đến vấn đề Tài chính - Ngân hàng và thể hiện sự quan tâm của người dân đối với đại án kinh tế do Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây ra.

Thực tế những gì đang diễn ra trên Facebook và TikTok cho thấy trào lưu này chỉ gây cười. Tuy nhiên, vì vấn đề liên quan đến Trương Mỹ Lan có tác động lớn đến đời sống xã hội nên mọi người cũng cần phải cẩn trọng, không nên hùa theo.

Thực tế, thông tin "kho báu 673 nghìn tỷ ngoài biển của Trương Mỹ Lan" là tin giả, chúng ta không nên hùa theo mà lan truyền vì nó gây hoang mang cho xã hội”, ông Hiếu nói.

 

Cũng theo ông Ngô Minh Hiếu: “Trào lưu này mang đến sự tiêu cực, về lâu dài thì khiến nhiều người lầm tưởng rằng Trương Mỹ Lan thực sự có kho báu ngoài biển khơi. Thêm nữa, nó còn gây ảnh hưởng đến vụ án vì là tin giả”, ông Hiếu nói thêm.

Đối với vấn đề một số người nổi tiếng như nghệ sĩ, KOL có sức ảnh hưởng cũng thực hiện trào lưu, Hiếu PC cảnh báo rằng không nên làm theo.

“Người dùng mạng xã hội, kể cả người bình thường lẫn người nổi tiếng cần cẩn trọng đến thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, phải kiểm tra xem thông tin đúng hay chưa. Nếu chia sẻ thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người khác thì chính bản thân mình là người chịu thiệt hại”, ông Hiếu cảnh báo.

Về nguy cơ kẻ gian lợi dụng các trào lưu để thực hiện việc lừa đảo người dùng mạng xã hội, ông Hiếu đánh giá hiện nay chưa xuất hiện vụ lừa đảo nào có liên quan trào lưu "đi tìm kho báu của Trương Mỹ Lan", tuy nhiên, người dùng mạng xã hội cũng cần thận trọng.

“Kẻ xấu sẽ lợi dụng các trào lưu để tạo trang web đầu tư, cá cược liên quan đến chủ đề đang thịnh hành trên mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Thêm nữa, một số người sẽ lập ra trang web chế nhạo, bôi nhọ để gây chia rẽ dư luận xã hội”, ông Hiếu khẳng định.

Một bức ảnh chế theo trào lưu

Một bức ảnh chế theo trào lưu "ra biển tìm kho báu" được lan truyền mạnh trên mạng xã hội mấy ngày qua.

Còn ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, đánh giá, hiện nay chưa ghi nhận vụ việc lừa đảo nào từ trào lưu "đi tìm kho báu Trương Mỹ Lan" nhưng đã xuất hiện tình trạng nhiều người lợi dụng trào lưu này để tăng lượt tương tác cho các Fanpage và trang web.

“Sau khi tăng tương tác, họ sẽ nhúng quảng cáo để tăng độ nhận diện thương hiệu và tăng doanh số online. Việc lợi dụng trend để tạo ra những hợp đồng kinh tế thì có, còn việc lừa đảo, hiện tại chưa ghi nhận trường hợp nào”, ông Thắng phân tích.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cảnh báo người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng với các nguy cơ tồn tại trên không gian mạng. Vì hiện tại, có không ít hội nhóm lừa đảo lợi dụng các trào lưu để gửi đường link chứa mã độc. Khi thấy ai đó gửi đường link lạ cho mình, người dùng mạng xã hội không nên truy cập vào.

Theo ông Thắng, người dùng cũng có thể dùng các phần mềm diệt virus để kiểm tra trước xem những đường link lạ gửi đến mình có an toàn hay không. Nếu không may truy cập phải mã độc, người dùng có thể bị mất thông tin cá nhân, từ đó dẫn đến chuyện mất tiền trong tài khoản ngân hàng.

Chiều 11/4, TAND TP.HCM tuyên án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt chung là tử hình.

Số tiền mà bị cáo Trương Mỹ Lan phải khắc phục, bồi thường cho SCB là 673.849 tỷ đồng

 https://vtcnews.vn/hieu-pc-kho-bau-ngoai-khoi-cua-truong-my-lan-la-tin-gia-de-phong-bay-lua-dao-ar866168.html

Lương Ý / VTC News