Hiểm họa rình rập từ xe đạp điện, xe máy điện

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, 2 vụ tai nạn khiến 2 nữ sinh lớp 8 và lớp 9 tại Đà Nẵng tử vong trên đường đi học, cả 2 em đều đi xe đạp điện khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Nguyên nhân được đưa ra một phần do lỗi của xe tải va chạm nhưng cũng cần nhìn nhận hiểm họa xuất phát từ những chiếc xe đạp điện, xe máy điện. Phương tiện mà ngày càng nhiều học sinh, sinh viên sử dụng nhưng chưa có nhiều quy định nhằm đảm bảo an toàn cho các em.

Rất nhiều các em học sinh, sinh viên chủ quan vi phạm luật giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện. Ảnh: MH

Những tai nạn thương tâm

Ngày 7.9, trên đường đi học về, một nữ sinh lớp 8 tại Đà Nẵng, điều khiển xe đạp điện đã va chạm với xe tải. Nữ sinh này ngã ra đường và bị xe tải cán qua người, tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn khiến nhiều người xót xa bởi năm học mới chỉ vừa bắt đầu 2 ngày. Hơn 1 tháng sau, ngày 18.10, thêm một nữ sinh lớp 9 tại Đà Nẵng tử vong khi điều khiển xe đạp điện va chạm với ô tô tải. Sự việc một lần nữa dấy lên mối lo ngại về mối nguy mất an toàn giao thông của xe đạp điện. Loại xe mà phần lớn người sử dụng là các em học sinh, sinh viên.

Không riêng gì ở Đà nẵng, rất nhiều trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra thời gian qua đều liên quan đến xe đạp điện hoặc xe máy điện, nạn nhân có tuổi đời còn rất trẻ. Thậm chí, có trường hợp còn rất nhỏ, như cháu N.H.L ở Hà Nam, mới 11 tuổi, đi học bằng xe đạp điện bị ngã xe, va vào ô tô bên cạnh, dẫn tới chấn thương sọ não.

Một nghiên cứu độc lập của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho thấy, đa số học sinh THPT lựa chọn xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện đi lại hằng ngày. Nhưng tỷ lệ tai nạn giao thông với học sinh liên quan đến loại phương tiện này cũng ở mức rất cao, mà nguyên nhân phần lớn do các em thiếu những kiến thức, kỹ năng cơ bản khi điều khiển phương tiện.

Cụ thể, học sinh THPT chiếm 90% các vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong 3 năm gần đây. Trong khi đó, có tới 52% học sinh THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và 7% đi xe máy trái phép. Theo thống kê, tại Hà Nội, tỷ lệ sở hữu xe đạp điện với các gia đình có học sinh cấp 3 là 0,35 xe/hộ, xe máy điện là 0,33 xe/hộ. Ước tính, có khoảng hơn 200.000 xe đạp điện và máy điện lưu hành tại thủ đô, chỉ xét riêng các hộ gia đình có con trong lứa tuổi THPT. Trên cả nước, tỷ lệ này có lẽ nhiều không kém, bởi đi bất kỳ tỉnh thành nào cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em học sinh phóng vun vút trên xe máy điện hoặc xe đạp điện, thậm chí không mũ bảo hiểm.

Dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em học sinh dàn hàng ngang đi trên đường với chiếc xe đạp điện có vận tốc cao. Ảnh: MH

Siết chặt quản lý tốc độ, quy định với người điều khiển

Trên thực tế, xe đạp điện khi đưa vào thị trường được các nhà sản xuất khống chế tốc độ ở mức 25 km/giờ, đảm bảo an toàn vận hành cho người điều khiển. Nhưng không hiếm trường hợp “độ xe” nâng tốc độ, thậm chí lên 40 -45 km/giờ, ngang xe máy.

Trong khi đó, các em học sinh chưa nắm rõ luật giao thông (chưa qua thi cử cấp bằng như xe máy), thiếu kỹ năng trong điều khiển phương tiện, chạy xe quá tốc độ, chuyển hướng, chuyển làn không đúng cách... là các nguyên nhân gây nguy cơ tai nạn cao. Phổ biến nhất là tình trạng không đội mũ bảo hiểm, các em thường đeo tai nghe, phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí chở 3.

Anh Hoàng Huỳnh, một tài xế xe tải ở Đà Nẵng chia sẻ: “Mỗi tài xế xe tải ra đường chịu nhiều áp lực về an toàn giao thông, các xe đều có điểm mù nên việc các em học sinh luồn lách, vượt đèn đỏ vì cho rằng xe mình không bị bắt,.. khiến chúng tôi rất lo lắng. Sự việc 2 em học sinh vừa qua rất thương tâm nhưng cần nhìn nhận lỗi một phần do các em chưa ý thức đúng và đầy đủ về an toàn giao thông”.

Từ thực tế đó, Uỷ ban ATGT kiến nghị cần xây dựng quy định về đào tạo kỹ năng lái xe đạp điện, máy điện và cấp chứng chỉ cơ bản điều khiển phương tiện cho học sinh. Hiện Luật Giao thông đường bộ chưa quy định độ tuổi thấp nhất được điều khiển xe đạp điện, máy điện. Thực tế, học sinh từ 11 - 15 tuổi đã sử dụng loại phương tiện này, trong khi theo kinh nghiệm quốc tế, độ tuổi được phép đi xe đạp điện, xe máy điện phải từ 16 tuổi trở lên.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc xử phạt nghiêm các hành vi sai quy định như không đội mũ bảo hiểm, phóng quá tốc độ, quy định độ tuổi cần thiết được phép sử dụng xe máy điện, đạp điện, cần sớm đẩy nhanh việc đào tạo cũng như cấp chứng chỉ cho người đi xe điện. Bởi sự bùng nổ phương tiện này trong khi quản lý vẫn còn lỏng lẻo đang là mối nguy rất lớn mất an toàn giao thông và tăng cao nguy cơ tai nạn.

Năm 2017 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động học sinh, sinh viên hành động vì an toàn giao thông năm 2017. 5 Sở Giáo dục và Đào tạo khu vực phía bắc là: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên ký cam kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong việc tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn giao thông, văn hóa khi tham gia giao thông.

Bên cạnh những nỗ lực đó của cộng đồng xã hội, gia đình cũng cần cân nhắc kỹ khi cho con em mình sử dụng xe đạp điện, xe máy điện đúng với lứa tuổi để bảo vệ cho chính các em.

Va chạm ôtô biển xanh, nữ giáo viên đi xe đạp điện tử vong

Ôtô biển xanh va chạm với chiếc xe đạp điện trên quốc lộ 46 (Nghệ An) khiến một phụ nữ tử vong tại chỗ. Sau ...

Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)

Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ...

https://laodong.vn/ban-doc/hiem-hoa-rinh-rap-tu-xe-dap-dien-xe-may-dien-572261.ldo

/ Thuỳ Trang/Báo Lao động