Hết cửa cho phim "mì ăn liền"!

Những phim đạt doanh thu cao gần đây đều là các tác phẩm được đầu tư chỉn chu, tạo thiện cảm cho người xem

Trong lúc thị trường điện ảnh ngày càng yêu cầu nâng cao chất lượng thì phim Việt vẫn có những tác phẩm được đánh giá dưới trung bình. Đa phần những phim này đều nhanh chóng rời rạp. Sự sàng lọc từ khán giả được người trong giới kỳ vọng giúp thị trường điện ảnh ngày càng tốt hơn.

"Kỷ lục lập ra là để phá"

Từ đầu năm 2019 đến nay, điện ảnh Việt đã có sự khởi sắc so với năm "thua nhiều hơn thắng" 2018. Những cuộc rượt đuổi vị trí đứng đầu danh sách tốp 5 phim Việt doanh thu cao nhất diễn ra gay cấn và chớp nhoáng. Thị trường điện ảnh chưa bao giờ chứng kiến sự đổi ngôi liên tục và ngoạn mục đến thế.

het cua cho phim mi an lien

Phim “3D cung tâm kế” bị chê vì y hệt vở kịch trên màn ảnh rộng chứ không phải điện ảnh. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Đầu tiên là phim "Cua lại vợ bầu" do Trấn Thành và Lan Ngọc đóng chính lần lượt vượt qua phim "Em chưa 18" với 176,5 tỉ đồng, vươn lên vị trí dẫn đầu. Chỉ thời gian ngắn sau đó, phim "Hai Phượng" do Ngô Thanh Vân đóng chính đeo bám quyết liệt. Đến ngày 25-3, "Hai Phượng" đạt mốc doanh thu 200 tỉ đồng.

Những thành quả liên tiếp này đã giúp các nhà sản xuất vững tin hơn vào thị trường phim đang rất sôi động. Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết anh rất vui khi nhiều phim đạt doanh thu trên 100 tỉ đồng và "kỷ lục lập ra là để phá". Anh còn mong thị trường có nhiều phim 200 tỉ đồng rồi 300 tỉ đồng - điều mà trước đây ít ai nghĩ đến.

Bên cạnh sự phấn khởi đó, thị trường phim Việt vừa qua vẫn có những tác phẩm lặng lẽ rời rạp như: "Táo quậy", "3D cung tâm kế", "Tình đầu thơ ngây", "Cuộc gọi định mệnh"... Phim "3D cung tâm kế" do NSND Hồng Vân sản xuất được xem là phần 2 của "Xóm trọ 3D". Tuy nhiên, nếu "Xóm trọ 3D" từng được khán giả nhận định dễ thương, chỉn chu thì "3D cung tâm kế" lại bị chê vụng về, hời hợt kiểu "mì ăn liền". Phim có bối cảnh và trang phục cẩu thả, thua cả những phim chiếu mạng (web drama) hiện nay. Phim "Cuộc gọi định mệnh" cũng không hơn, với màu sắc, hình ảnh tệ và thiếu sự đầu tư đúng chuẩn điện ảnh cần có.

Bên cạnh đó, cả 2 phim đều sở hữu kịch bản nhiều lỗ hổng, thiếu liên kết, không mang thông điệp rõ ràng. Khán giả khó chấp nhận bỏ cùng một số tiền để thưởng thức phim dưới chuẩn nên chẳng có sự may mắn nào dành cho các tác phẩm dạng này.

"Tôi thấy thị trường phim Việt đang dần định hình giá trị thật thông qua sự sàng lọc của người xem. Những phim thắng doanh thu vừa qua cho thấy tay nghề đã được nâng cao, đầu tư tốt hơn về nhiều mặt. Rõ ràng phim hài nhảm, phim tập hợp toàn ngôi sao đã qua thời và những phim cẩu thả, làm vội để mong thu tiền khán giả kiểu "mì ăn liền" cũng không còn chỗ đứng" - nhà sản xuất Nguyễn Thị Bích Thủy nhận xét.

Cần xóa bỏ định kiến

Nhiều người trong giới cho rằng muốn có thị trường điện ảnh phát triển bền vững thì cần phải có nhiều tác phẩm chất lượng ổn định. Đây không còn là nơi để đạo diễn mới thử sức, nhà sản xuất "tay mơ" thấy lợi nhảy vào, kịch bản tệ mà mong doanh thu cao như trước.

Vì thế, nhà làm phim Việt cần đổi mới tư duy, loại những tác phẩm kém chất lượng để đầu tư chuyên nghiệp. Sự thất bại trở thành bài học và cũng là lời nhắc nhở đã đến lúc nhà làm phim đừng bất công với khán giả, "bẫy" họ thưởng thức một sản phẩm giải trí dưới chuẩn trong lúc tiền mua vé tương đương phim khác.

Đạo diễn Charlie Nguyễn từng tỏ ra lo lắng khi thấy nhiều phim chất lượng quá thấp, như bê nguyên vở kịch hoặc phim truyền hình ra rạp. Anh cho rằng nếu cứ tiếp tục đánh mất niềm tin ở khán giả thì khó xóa bỏ định kiến phim Việt chỉ toàn tác phẩm dở, hời hợt.

"Nhà sản xuất đừng thấy thị trường khởi sắc mà nghĩ khán giả thiếu phim Việt nên khi có phim là xem bất chấp, bởi thực tế lượng phim rạp rất nhiều, cả nội và ngoại. Hiện nay, thị trường dần hướng đến sự chuyên nghiệp ở cả trình độ kỹ thuật lẫn diễn xuất, kịch bản... Những tác phẩm đầu tư lơ mơ hoặc nhà sản xuất không tìm hiểu kỹ về nghề mà lao vào "thấy khoai vác mai đi đào" thì rất khó thành công" - nhà biên kịch Thanh Hương bày tỏ.

Nhà sản xuất Lý Quốc Oai cũng đồng tình với quan điểm làm phim hiện nay phải có tâm, có tầm và nghiêm túc. Bởi lẽ, điện ảnh hiện không có công thức như thời phim hài kết hợp danh hài và câu chuyện tình cảm hoặc gia đình kiểu vui vui là được. Đó phải là những tác phẩm vừa có kỹ thuật làm phim hiện đại vừa có nội dung hợp với thị hiếu khán giả.

Phải chạm vào trái tim khán giả Theo nhà báo Cát Vũ, phim Việt bây giờ không phân biệt thể loại hài, kinh dị hay hành động, diễn viên có tên tuổi hay không mà quan trọng là câu chuyện chạm vào trái tim khán giả thế nào. "Hẳn nhiên, người làm phim cũng phải nghiên cứu thị trường và có hiểu biết nhất định về phim chứ không thể nhắm mắt làm liều, đầu tư không chọn lọc. Chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định" - nhà báo Cát Vũ nhìn nhận.
het cua cho phim mi an lien \'Hai Phượng\' thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời

Nhà sản xuất cho biết tác phẩm hành động có Ngô Thanh Vân đóng chính thu hơn 200 tỷ, tính cả ở Mỹ và Canada.

het cua cho phim mi an lien Phim Việt hiếm hoi về tâm lý tội phạm được làm với kinh phí 1 tỷ

Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ kinh phí thấp không khiến “Thành phố ngủ gật“ gây cảm giác rẻ tiền hay chắp vá.

het cua cho phim mi an lien Phim điện ảnh Mỹ Tâm thực hiện là phim Việt đầu tiên được công chiếu 2 lần

Đây là việc chưa bao giờ có tiền lệ trong nền điện ảnh Việt Nam.

Minh Khuê

/ https://nld.com.vn