Hệ thống y tế Venezuela đang trong tình trạng "sụp đổ hoàn toàn", với nhiều dịch bệnh như sởi và bạch hầu đang lây lan chóng mặt còn sốt rét và lao "tăng đột biến".
Theo Washington Post, báo cáo được Tổ chức Giám sát Nhân quyền và trường Y tế Công Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins, công bố ngày 4/4 nằm trong số ít những nghiên cứu định lượng tình cảnh của người dân Venezuela hiện nay.
Người dân bới rác tìm thức ăn ở thủ đô Caracas, khi các kệ hàng siêu thị trống rỗng. (Ảnh: TASS)
Báo cáo kể trên nhấn mạnh, các dịch vụ y tế ở Venezuela đã suy giảm từ năm 2012 và cuộc khủng hoảng chính trị hiện thời càng khiến cho tình hình thêm nghiêm trọng. Các kệ hàng trong siêu thị trống trơn, bệnh viện không có đủ các nguồn cung cấp dược phẩm.
Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng lên, cho thấy một sự suy giảm hệ thống y tế theo thời gian.
Dựa vào các cuộc phỏng vấn giới bác sĩ và nhân viên y tế được tiến hành qua điện thoại và trên mạng, phỏng vấn người tị nạn ở Colombia và Brazil, trong đó có các chuyên gia y tế và đại diện các tổ chức quốc tế cũng như giám sát nhân quyền, báo cáo kết luận Liên Hợp Quốc nên đi đầu trong việc cung cấp viện trợ cho quốc gia Nam Mỹ này.
Báo cáo kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres dẫn dắt các nỗ lực tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhân đạo ở Venezuela – tiền đề để chính thức kích hoạt một nỗ lực lớn và toàn diện dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, đồng thời huy động các nguồn lực quốc tế cho nước này.
Mỹ hiện đang áp đặt nhiều cấm vận kinh tế và ngoại giao lên chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Washington tập trung hàng trăm tấn lương thực và thuốc men dọc biên giới Venezuela ở Colombia nhưng ông Maduro không cho phép lượng hàng này vào biên giới. Theo Washington Post, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres tuyên bố tổ chức này sẽ không gia nhập bất kỳ nhóm quốc gia nào thúc đẩy các giải pháp chính trị khác nhau cho cuộc khủng hoảng Venezuela. Số này bao gồm Nhóm Lima gồm 14 quốc gia Mỹ Latinh, cùng với Mỹ và một số nước châu Âu, yêu cầu Tổng thống Maduro rời nhiệm để thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido lên thay.
Một nhóm tiếp xúc của EU và 8 nước thành viên, cùng với 4 quốc gia Mỹ Latinh – hầu hết nằm trong số 54 nước công nhận ông Guaido – kêu gọi Venezuela tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Mexico và Uruguay cho biết họ theo lập trường "trung lập", vẫn công nhận ông Mudaro nhưng kêu gọi đối thoại chính trị.
Những quan điểm trái ngược nhau của cộng đồng quốc tế đã đẩy Liên Hợp Quốc vào thế khó trong cách tiếp cận tình hình ở Venezuela mà vẫn tránh được việc thể hiện quan điểm về chính trị. Một số thành viên quan trọng khác của Liên Hợp Quốc, chẳng hạn Nga, chỉ trích sự can thiệp của Mỹ.
Thanh Hảo
Mỹ nói sẽ đổ tiền vào Venezuela nếu Tổng thống Maduro từ chức
Mỹ sẽ chuyển tiền mặt đến Venezuela nhằm tái thiết nền kinh tế khủng hoảng thông qua ngân hàng, điện thoại iPhone, các ứng dụng ... |
Venezuela: Thủ lĩnh đối lập bị tước quyền miễn trừ
Hội đồng Lập hiến Venezuela hôm 2-4 thông báo đã tước quyền miễn trừ của đại biểu quốc hội đối với thủ lĩnh đối lập ... |