Sự trọng vọng và tin tưởng của Lưu Bị dành cho nhân vật này bắt nguồn từ một hành động ít ai ngờ tới.
Ảnh minh họa.
"Tam Quốc diễn nghĩa" là một trong tứ đại danh tác kinh điển của văn học Trung Quốc. Tác phẩm này cũng đã sáng tạo ra nhiều điển cố, điển tích nổi tiếng vẫn được hậu thế sử dụng cho tới ngày hôm nay.
Trong số đó, nổi tiếng hơn cả phải kể tới điển tích "kết nghĩa đào viên" của ba anh em Lưu Bị - Quan Vũ – Trương Phi.
Sinh thời, Lưu Bị vô cùng coi trọng hai người huynh đệ kết nghĩa này. Để giãi bày tấm lòng của mình, Lưu Bị từng nói một câu: "Đàn bà (vợ) như quần áo, anh em như tay chân".
Quan Vũ, Trương Phi đều từng vì một câu nói này mà cả đời thề trung thành với huynh trưởng.
Tuy nhiên, văn học thường có yếu tố hư cấu và ít nhiều bị cải biên. Vì vậy, tình cảm huynh đệ của Lưu – Quan – Trương có thực sự khăng khít như "Tam Quốc diễn nghĩa" miêu tả hay không vẫn là điều chưa thể khẳng định chắc chắn.
Trên thực tế, người được Lưu Bị coi trọng nhất vào thời Tam Quốc vốn không phải là 2 vị huynh đệ kết nghĩa, cũng không phải quân sư thần toán Gia Cát Lượng, mà lại là một nhân vật có tên My Trúc.
My Trúc là người được Lưu Bị coi trọng hơn huynh đệ kết nghĩa và quân sư Gia Cát Lượng. (Tranh minh họa: Nguồn Baidu).
Thân thế của nhân vật được Lưu Bị trọng vọng hơn Quan Vũ, Trương Phi
My Trúc (? – 221), tự Tử Trọng, là một mưu sĩ dưới trướng Lưu Bị, trước kia từng là thủ hạ của Từ Châu mục Đào Khiêm.
Nhắc tới tên nhân vật này, nhiều người sẽ không khỏi cảm thấy xa lạ. Bởi ngay tới tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" nổi tiếng cũng rất ít miêu tả chi tiết và My Trúc.
Nhưng trên thực tế, nhân vật này đích thị là người được Lưu Bị tín nhiệm nhất. Thậm chí sẽ không hề quá lời nếu nhận định rằng My Trúc được vị quân chủ họ Lưu trọng dụng và tin tưởng hơn cả anh em Quan – Trương, ngay tới Gia Cát Lượng cũng không thể bì kịp.
Hình tượng nhân vật My Trúc được xây dựng trên phim ảnh. (Ảnh: Nguồn Internet).
My Trúc xuất thân là một phú thương, gia sản bạc triệu, thuộc hạ mấy ngàn, tài sản nhiều không đếm xuể.
Mặc dù sở hữu khối gia tài kếch xù, nhưng nhân vật họ My này không hề kệnh kiệu, đối nhân xử thế hết sức chính trực, sở hữu khí chất ung dung, văn nhã.
Trước khi đi theo Lưu Bị, My Trúc từng là thủ hạ dưới trướng Từ Châu mục Đào Khiêm. Lúc sắp qua đời, Đào Khiêm có nhắn nhủ My Trúc đi nghênh đón Lưu Bị.
Cũng kể từ đó, My Trúc cùng em trai là My Phương đi theo Lưu Bị, dốc lòng phò tá cho vị quân chủ này.
Có lần Tào Tháo cũng từng muốn chiêu mộ huynh đệ nhà họ My, nhưng bị cự tuyệt.
Trong những năm tháng Lưu Bị nam chính bắc chiến để gây dựng cơ đồ, My Trúc và em trai của mình đã dành cho ông sự trợ giúp và ủng hộ rất lớn.
Địa vị "trên cơ" Gia Cát Lượng nhờ một lần tương trợ
Ít ai biết rằng, cơ duyên khiến My Trúc trở thành người được Lưu Bị coi trọng nhất lại bắt nguồn từ một hành động nghĩa hiệp của nhân vật này.
Năm 196, Lưu Bị cùng Viên Thiệu ở vào thế tranh đấu giằng co không ngừng. Nhân cơ hội ấy, Lã Bố thừa cơ đánh lén Hạ Bì, bắt giữ phu nhân của Lưu Bị.
Đối với lần gặp nạn ấy, Lưu Bị vốn chẳng chút phòng bị, lương thảo không còn lại bao nhiêu, vì thế chỉ có thể án binh bất động mà đóng quân ở Quảng Lăng.
Đang lúc tuyệt vọng vì lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, Lưu Bị bất ngờ nhận được sự viện trợ hào phóng từ My Trúc.
Nhân vật họ My này đã chủ động đưa lương thảo tới quân doanh, còn ủng hộ ngàn lượng bạc vàng và hai ngàn nô bộc.
Chưa dừng lại ở đó, My Trúc còn dâng em gái của mình cho Lưu Bị. Người đó cũng chính là My phu nhân sau này.
Có câu cùng hưởng phúc thì dễ, chung hoạn nạn mới khó, My Trúc có thể tận tình giúp đỡ Lưu Bị vào lúc nguy nan, có thể coi là rất mực trung thành.
Cũng nhờ lần viện trợ ấy, My Trúc trở thành người có sức nặng nhất trong lòng Lưu Bị.
Vị phu nhân họ My của Lưu Bị vốn là em gái My Trúc. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, bà cùng Cam phu nhân được miêu tả là hai trong số những người phụ nữ gặp nhiều gian truân nhất thời bấy giờ. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Năm 214, Lưu Bị chiếm Ích Châu. Sau đó, ông phong My Trúc làm An Hán tướng quân. Trong tập đoàn chính trị Thục Hán, địa vị của vị tướng họ My này còn "trên phân" cả quân sư Gia Cát Lượng.
Chưa kể My Trúc sinh thời vốn giỏi cưỡi ngựa, bắn cung. Mặc dù không có quá nhiều lần trong chiến trường, cũng không đứng trong danh sách "Ngũ hổ tướng", nhưng My Trúc đích thị là đại tướng quân thân tín nhất của Lưu Bị.
Cái chết của Quan Vũ và kết cục đáng tiếc cho trọng thần My Trúc
Năm xưa, em trai My Trúc là My Phương từng giữ chức Thái thú Nam quận. Nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, My Phương thường xuyên bất hòa với Quan Vũ – em kết nghĩa của Lưu Bị.
Có lần, vì không thể hoàn thành nhiệm vụ điều quân, My Phương đã bị Quan Vũ mắng chửi, từ đó ghi hận trong lòng.
Trong một lần tác chiến sau đó, My Phương đã đầu hàng quân Ngô, dẫn tới sự kiện Quan Vũ bỏ mạng.
My Phương có liên quan trực tiếp tới cái chết của Quan Vũ. Sự hy sinh của vị tướng này ít nhiều đã gây ảnh hưởng tới cuộc đời My Trúc. (Tranh minh họa).
Xét về vai vế, Quan Vũ vốn là huynh đệ kết nghĩa với quân chủ Lưu Bị. Vì thế sau khi hay tin Quan Vũ vì em trai mình mà chết, My Trúc đã lập tức tự trói và đến chỗ của Lưu Bị để xin định tội.
Thấy My Trúc áy náy như vậy, Lưu Bị không những không trách phạt mà vẫn tiếp tín nhiệm, trọng dụng ông như lúc đầu.
Tiếc rằng sau khi Quan Vũ bỏ mạng không lâu, My Trúc cũng tạ thế. Hậu thế thường truyền tai nhau rằng, vị tướng họ My ấy vì áy náy, tự trách nên mới muộn phiền mà qua đời.
Giải mã thời Tam quốc: 'Tà thần' Pháp Chính mưu loạn chiến trường Có câu "Binh bất yếm trá". Đã như vậy thì Pháp Chính việc gì phải “chính”? Trần Thọ bình rằng: “Pháp Chính thấy rõ thành ... |
Giải mã thời Tam quốc: 'Ngũ hổ tướng' của nhà Ngụy là ai? Ngũ Tử Lương Tướng của Táo Tháo dùng đao kiếm trong tay chém ra vô số công lao, dùng tài năng chém ra con đường ... |