Theo đề xuất của Chính Phủ, ACV sẽ được giao làm chủ đầu tư chính ở dự án sân bay Long Thành.
Chuẩn bị Báo cáo thẩm tra, báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 và Báo cáo Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, sáng 14/10/2019, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 13, xem xét, thẩm tra về các nội dung của dự án này.
Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày tóm tắt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định, dự án được xếp vào dự án quan trọng quốc gia, được xác định theo hình thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần. Địa điểm thực hiện dự án là huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2025.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quochoi.vn |
Trong giai đoạn 1 Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, sẽ báo cáo Quốc hội thông qua ba nội dung chính gồm: Hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; Điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha, điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng; Bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối cảng với hệ thống giao thông khu vực xung quanh.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, các hạng mục công trình tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được chia làm 4 hạng mục và công trình phụ trợ.
Cũng tại tờ trình báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án này, Chính phủ muốn đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (AVC) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD, tương đương 111.000 tỷ đồng.
Theo Chính phủ, quy định Nghị quyết 94/2015 dự án có thể sử dụng phần vốn cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp. Do vậy, việc giao ACV trực tiếp đầu tư các hạng mục chính của dự án giai đoạn 1 bằng vốn của doanh nghiệp "là có thể xem xét chấp nhận được". Nhưng do đây là dự án cảng hàng không mới, theo Luật Đấu thầu phải đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nên việc giao ACV đầu tư, khai thác cảng cần phải được Quốc hội thông qua.
Hiện vốn Nhà nước đang chiếm 95% tại ACV và sẽ tăng lên gần 100% thời gian tới thông qua chủ trương tăng vốn nhà nước rót vào làm một số đường bay tại 21 sân bay đơn vị này đang quản lý. ACV đã cân đối được 37% vốn để thực hiện dự án giai đoạn 1. Tổng số tiền ACV bố trí vốn chủ sở hữu thực hiện là hơn 36.607 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD). Số vốn còn lại, hơn 2,6 tỷ USD, ACV sẽ đi vay.
Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại phản đối đề xuất của Chính phủ. Ông Nguyễn Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng, nếu Chính phủ kiến nghị giao việc thực hiện cho ACV đầu tư các hạng mục chính sẽ là "chỉ định thầu, vì theo luật Đấu thầu, dự án này phải tiến hành đấu thầu". Tuy nhiên, chưa bao giờ Quốc hội chỉ định giao cho một đơn vị nào cả. “Vậy có cần trình Quốc hội điều này hay không?", ông Thanh nhấn mạnh.
Hiện nay, ACV đang là chủ đầu tư của các dự án lớn gồm nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Điện Biên. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn tài chính ACV có đảm bảo để làm sân bay Long Thành trong khi đang rót vốn vào các dự án lớn?
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trường Giang - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ chỉ nên xin Quốc hội thông qua chủ trương chỉ định thầu, chứ không xin chỉ định một doanh nghiệp cụ thể như vậy. Ông cũng đề nghị, hồ sơ trình của Chính phủ cần làm rõ việc giao một doanh nghiệp đầu tư các hạng mục chính sẽ tác động ra sao, có vi phạm các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia hay không.
Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục. Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Đào Bích
Đề xuất tăng gần 650 ha cho sân bay Long Thành giai đoạn 1
Chính phủ đề nghị Quốc hội giao thêm gần 650 ha đất giai đoạn 1 dự án đầu tư sân bay Long Thành và khẳng ... |
Hé lộ nguồn vốn "khủng" 4,7 tỷ USD "rót" cho Dự án sân bay Long Thành
Tổng mức đầu tư dự kiến của Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là hơn 111.000 tỷ đồng, tương ... |
Băn khoăn thời điểm trình dự án sân bay Long Thành
Hồ sơ báo cáo khả thi sân bay Long Thành "nặng hơn một tạ" đang được Chính phủ nóng lòng đề xuất trình Quốc hội ... |