Cực kỳ nhạt nhẽo, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La đã phải hoãn. Hoãn, vì dù triệu tập 91 người nhưng có tới 76 người đã vắng mặt.
Ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục- đào tạo: Vắng.
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó giám đốc Sở: Vắng.
Ông Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La: Vắng.
Ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sơn La: Vắng.
Ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở Giáo dục: Vắng.
Trong số 27 vị “phụ huynh” có con nâng điểm được triệu tập vắng tới 15 người.
Các thí sinh được nâng điểm như N. Y. K; M. V. T… cũng vắng.
Như vậy là hầu hết các quan chức có liên quan đều vắng. Hầu hết các thí sinh đương sự vắng. Hầu hết các phụ huynh vắng.
Và vắng tới 76/91 người được triệu tập, có lẽ là một kỷ lục.
Phải mở ngoặc nói thêm, ông Hoàng Tiến Đức, với tư cách là người đứng đầu, người chịu trách nhiệm cao nhất trong ngành giáo dục tỉnh Sơn La trong vụ án này được xác định là một trong số 18 người trung gian nhận thông tin thí sinh.
Hành vi cụ thể là chính ông Đức đã đưa cho bị can Trần Xuân Yến hai tờ danh sách ghi thông tin của 8 thí sinh để nâng điểm các môn thi. Và dù thừa nhận việc chuyển thông tin thí sinh nhưng ông Đức khai mục đích chỉ là để nhờ xem trước điểm thi.
Ông Hoàng Tiến Đức cũng bị Ban bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng vì đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và cá nhân ông Đức, gây bức xúc trong xã hội. Và trong phiên tòa này, ông vắng mặt.
Dù với lý do nào thì sự vắng mặt của ông Đức cũng như các đương sự khác không khác gì sự trốn tránh.
Luật Tố tụng hình sự đã có những quy định rất rõ về hình thức triệu tập đối với các nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bởi việc có mặt của họ mới đủ để đảm bảo các nguyên tắc công khai của một phiên tòa.
Và, luật cũng trao cho Hội đồng xét xử thẩm quyền cưỡng chế tới tòa để đảm bảo việc xét xử.
Hãy “mời” bằng được họ đến tòa chứ không thể để những người này thích thì đến không thích thì không đến, thậm chí chẳng buồn có lý do được.
Bởi sự vắng mặt của họ, vừa làm lãng phí bao nhiêu tiền của thời gian tổ chức phiên tòa, còn gây bức xúc, dị nghị trong dư luận.
Huống chi trong các vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, ở Sơn La, ở Hà Giang, phiên tòa ở Sơn La mới chỉ là phiên tòa đầu tiên đang thu hút sự chú ý của dư luận. Đang là một khởi đầu để chúng ta chứng tỏ không bỏ sót tội phạm, không có vùng cấm. Nó không thể là nghiêm minh nếu ngay cả việc triệu tập tới tòa cũng làm không nổi.