ĐBQH cho rằng, các thí sinh không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn trở thành thủ khoa, á khoa các trường danh giá là không công bằng.
Liên quan tới các trường hợp thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình, mới đây, một thủ khoa "kép" tại trường ĐH Sư Phạm Hà Nội đã chủ động viết đơn xin nghỉ học.
Thí sinh này là thủ khoa kép của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và là thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn với tổng số điểm chưa chấm thẩm định lại là 27,75. Nhưng sau khi chấm thẩm định lại, số điểm của thí sinh T.P.T. giảm đi 14,85 điểm, với 5 môn thi ngữ văn, lịch sử, địa lý, toán học và ngoại ngữ.
Trước đó, các trường công an cũng đã trả lại địa phương 28 thí sinh ở Hòa Bình. Trường Đại học Y Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại Thương, Thương Mại... cũng đã tiến hành rà soát và quyết định buộc thôi học với những thí sinh có điểm chấm thẩm định không đủ điểm trúng tuyển vào trường.
Bình luận về việc này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, khi cơ quan công an đã điều tra và xác định được các trường hợp bị nâng điểm cụ thể, việc rà soát, buộc thôi học đối với những thí sinh không đủ tiêu chuẩn là cần thiết và phải làm. Việc này không chỉ diễn ra với các thí sinh đến từ Hòa Bình mà ngay cả với các thí sinh tại Sơn La, Hà Giang... cũng vậy.
"Không thể để những thí sinh không đủ điều kiện mà vẫn tham gia các khóa học đại học được, như vậy là không công bằng với những thí sinh học thật, thi thật", ông Hòa nhấn mạnh.
Đáng nói, trong số đó lại có cả những thí sinh nhờ "phù phép" điểm thi để trở thành thủ khoa, á khoa của các trường danh giá như ĐH Sư Phạm, Công An, Quân Đội, ĐH Y Hà Nội... rất đáng lo ngại.
Vì để trở thành thủ khoa, á khoa không những sẽ liên quan tới hồ sơ, đầu vào mà còn liên quan tới các cơ chế ưu đãi, học bổng cho sinh viên của nhiều trường. Thậm chí, còn liên quan tới việc đánh giá, lựa chọn đầu ra của sinh viên.
Tuy nhiên, đã là thủ khoa, á khoa phải do sự nỗ lực của bản thân mà có, không thể để những trường hợp điểm tốt nghiệp THPT chưa đạt mà còn làm thủ khoa được.
Theo ông Hòa, việc tồn tại một số thủ khoa không do thực lực sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy.
"Trước hết là áp lực với chính bản thân các thí sinh đang là "thủ khoa", khi bản thân không đủ năng lực nhưng cứ phải gồng mình để làm thủ khoa có thể sẽ khiến các em đối mặt với nhiều tác động tiêu cực về mặt tâm lý.
Có những trường hợp, để duy trì một hồ sơ điểm số đẹp, kết quả học tập cao, có thể phải chạy theo những tiêu cực như mua điểm, chạy điểm... cứ như thế, tiêu cực lại nối tiếp tiêu cực, càng khiến dư luận bất bình, sinh viên mất lòng tin.
Khi tất cả đều nhận ra năng lực thật sự của một thủ khoa lại không bằng một sinh viên bình thường, thủ khoa sẽ bị xa lánh, nhà trường mất uy tín.
Đặc biệt, sẽ không công bằng với những thí sinh đạt điểm số cao, đủ tiêu chuẩn vào trường nhưng đã bị loại ra vì những thí sinh được nâng điểm. Điều này là không thể chấp nhận được", ông Hòa thẳng thắn.
Tiếp theo, xét về tác động xã hội, vị đại biểu cho rằng, việc một số sinh viên đạt điểm 2, 3 nhưng nhờ được nâng điểm trở thành những cô giáo, thầy giáo, bác sĩ trong tương lai có thể sẽ là những mầm đại họa khó lường.
"Hàng ngày chúng ta đang phải chứng kiến với một ngành giáo dục có rất nhiều vấn đề tiêu cực, đạo đức xuống cấp, hiện tượng học sinh đánh nhau, thầy cô giáo đánh học sinh, học sinh đánh giáo viên, thức ăn thối đưa vào nhà trường, sữa học đường bị làm bẩn... khiến chúng ta bức xúc nhưng chưa ai đặt câu hỏi nguyên nhân vì sao?
Nếu, ngay từ đầu đã buộc phải nói dối, gian lận, bản thân người thầy, người cô còn không đủ tư cách, đạo đức thì làm sao đủ phẩm chất để dạy được học sinh?
Đối với ngành y cũng vậy, một bác sĩ mà không có trình độ, năng lực, làm sao khám chữa bệnh được cho người dân?
Tôi rất lo, với những ngành được xem là trồng cây, trồng người của đất nước mà lại được giao cho những thí sinh không đủ trình độ, năng lực, thật sự sẽ rất nguy hiểm. Phải có thầy cô giỏi, đạo đức tốt mới có được học sinh giỏi. Phải có bác sĩ giỏi, có tay nghề mới chăm sóc được bệnh nhân tốt. Bác sĩ, y sĩ không thuộc mặt thuốc làm sao chữa bệnh cho bệnh nhân?", ông Hòa lo lắng.
Từ những lo ngại trên, ông Hòa kiến nghị phải quyết liệt rà soát lại toàn bộ các thí sinh, thủ khoa, á khoa tại các trường đại học. Với những trường hợp không đủ tiêu chuẩn phải buộc thôi học, không thể bao che, dung dưỡng cho những giao dối, vi phạm.
"Các trường cần phối hợp với các cơ quan điều tra nắm bắt danh sách từng trường hợp thí sinh được nâng điểm cụ thể để xem xét, đánh giá.
Trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn phải loại ngay khỏi trường học, bảo đảm tính nghiêm khắc, công bằng cho tất cả các thí sinh trong trường", ông Hòa nhấn mạnh.
Sẽ ra sao nếu cô giáo, bác sĩ tương lai là "thủ khoa gian dối"?
Theo TS Vũ Thu Hương, các thí sinh được nâng điểm thi không nên vào ngành sư phạm. Nếu đã gian dối, họ không còn ... |
Điểm danh những 'thủ khoa rởm' đến từ Hòa Bình, Sơn La
Những thí sinh từng được mọi người xuýt xoa vì đỗ thủ khoa các trường đại học danh tiếng trong nước, nhưng vừa bị phát ... |