Từng làm thợ xây, nông dân chăn vịt và bảo vệ ở trường đại học, Li Mingyong quyết tâm quay trở lại học tập, đặt nhiều mục tiêu lớn.
Li Mingyong, người đàn ông bỏ học cấp ba và làm lụng cực nhọc để trả nợ cho gia đình đang được truyền thông Trung Quốc ca ngợi như tấm gương về lòng hiếu học, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ và trở thành giảng viên tại một trường đại học ở miền nam. Theo SCMP ngày 25/12, ông xem thành công của mình chỉ đơn giản là nhờ không sợ thua cuộc và quyết tâm đạt mục tiêu.
Người đàn ông 41 tuổi sinh ra trong ngôi làng hẻo lánh ở huyện Mi Đàm, tỉnh Quý Châu. Năm 16 tuổi, do người thân bị ốm và gánh nặng tiền bạc, ông buộc phải bỏ dở việc học dù luôn nằm trong top 3 của lớp.
"Đầu tiên tôi làm thợ xây, sau đó trở về nhà nuôi vịt và trồng thuốc lá. Tôi đã làm việc trong gần 5 năm để trả hết các khoản nợ của gia đình", Li trả lời Beijing Youth Daily.
Li Mingyong đã tốt nghiệp tiến sĩ mùa hè năm nay. Ảnh: SCMP
Năm 1999, Li làm bảo vệ tại Đại học Giáo dục Quý Châu (GZEU). Chịu ảnh hưởng của bầu không khí trong khuôn viên trường, ông quyết định tiếp tục học.
Trong khoảng hai năm, ông tận dụng thời gian sinh viên vào học để tự nghiên cứu kiến thức, rồi tiếp tục sau khi nghỉ làm vào 11h30 đêm. Li được chấp nhận theo học một khóa liên kết không đòi hỏi toàn thời gian tại khoa tiếng Trung của trường, sau đó tham gia kỳ thi đại học dành riêng cho những người lớn tự học. Hai năm sau, ông trúng tuyển một khóa đào tạo cử nhân.
Tuy vậy, bằng cấp từ khóa học nói trên không giúp Li tìm được công việc tốt. Khao khát được đứng trên bục giảng, ông đặt mục tiêu mới là lấy bằng thạc sĩ.
"Kiến thức tiếng Anh của tôi gần như là con số 0. Tôi đã học thuộc lòng cuốn từ điển khoảng 8.000 từ và đọc một số sách tiếng Anh để mở rộng vốn từ vựng", Li kể về những khó khăn khi ôn thi.
Dù thi trượt hai lần, Li không nản chí. Mặc bạn bè khuyên nhủ, ông quyết tâm thi lại lần ba. Sự chăm chỉ của ông cuối cùng cũng được đền đáp. Năm 2007, Li trúng tuyển chương trình thạc sĩ về mỹ học ở Đại học Quý Châu (GZU), vừa học vừa đi làm gia sư để trang trải chi phí.
Li làm gia sư trong thời gian học thạc sĩ. Ảnh: SCMP
Li thường lên thư viện học lúc 7h sáng, tập thể dục một tiếng vào buổi chiều và tiếp tục học cho đến nửa đêm. Đó là thói quen ông duy trì trong suốt những ngày học thạc sĩ.
Luo Yuehong, người từng được Li dạy kèm chia sẻ: "Là một sinh viên, tôi hiểu được những khó khăn của thầy Li. Ông hỗ trợ sinh viên rất nhiệt tình, trong khi vẫn miệt mài ôn thi để theo đuổi bằng cấp tiến sĩ và chăm sóc cha".
Năm 2015, Li được chấp nhận vào một chương trình tiến sĩ tại Đại học Sư phạm Hoa Trung sau hai lần thất bại. Tốt nghiệp vào mùa hè vừa rồi, ông quyết định trở về Đại học Giáo dục Quý Châu, nơi số mệnh đã hoàn toàn thay đổi, để giảng dạy về văn hóa và truyền thông.
Khi được hỏi về những điều ông coi trọng nhất trong những năm tháng qua, Li cho biết đó là sự tự tin, kỷ luật và tính kiên trì.
"Mọi người đều có thể đặt mục tiêu và phấn đấu vì nó. Ai đó có thể thất bại và buông xuôi, nhưng sự kiên trì sẽ đưa bạn đến gần mục tiêu hơn, ngay cả khi bạn không đạt được mục tiêu cuối cùng", ông nói.
Nông dân TQ kiếm bộn tiền nhờ livestream
Rất nhiều người nông dân ở Trung Quốc đang tìm đến các ứng dụng truyền hình trực tiếp để bán sản phẩm, tiếp cận hàng ... |
Hành trình 10 năm trồng khoai tây bền vững của nhà nông Đơn Dương
Sáu năm trước, gia đình anh Tùng không đủ điều kiện trang trải cuộc sống. Đến nay, anh đã có nguồn thu nhập ổn định ... |
Một làng 600 tỷ phú: Chỉ trúng 1 vụ chia nhau hàng ngàn tỷ
Gần 600 nông dân chia nhau 1.200 tỷ mỗi năm, các hộ trồng vải ở Lục Ngạn cũng chia nhau vài ngàn tỷ hay như ... |
Độc đáo mô hình quán cơm tiêu thụ nông sản sạch cho nông dân
Sáng nay (17.12), sau thời gian dài xây dựng và ấp ủ ý tưởng, mô hình quán cơm bình dân sử dụng nguyên liệu từ ... |