Với những sáng kiến "đi tắt, đón đầu" trong công nghệ đã giúp Realtime Robotics có được hợp đồng xuất khẩu đầu tiên với RMUS – nhà phân phối UAV cho cảnh sát Mỹ.
Tiến sĩ Lương Việt Quốc cùng các cộng sự bắt đầu hành trình xây dựng Realtime Robotics – công ty công nghệ máy bay không người lái (UAV) từ năm 2014, khi UAV còn là phương tiện bay xa lạ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Nhưng thách thức cũng đi liền với cơ hội, biết nắm bắt xu hướng và đi trước thời đại đã giúp Realtime Robotics tạo ra sản phẩm tiên phong trong lĩnh vực này.
Tôi chọn UAV vì nó là tương lai
Với tấm bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học California–Berkeley, khi được hỏi về lý do nào để lựa chọn khởi nghiệp với một ngành được xem là mới đòi hỏi cả về tài chính lẫn nhân lực, Tiến sĩ Lương Việt Quốc chia sẻ rằng ông chọn chế tạo UAV vì thấy được nó sẽ trở thành một phần không thể thiếu đối với con người trong tương lai.
Ông Quốc cũng nói thêm rằng UAV sẽ giúp làm thay đổi nhiều ngành khác như nông nghiệp, năng lượng sạch, xây dựng, an ninh quốc phòng… đó là cơ hội của tương lai. Nhưng những gì UAV có thể làm được không chỉ riêng ông mà nhiều nhà đầu tư khởi nghiệp khác cũng thấy, điều này cũng dẫn đến thách thức của hiện tại.
Từ cơ hội và thách thức, Tiến sĩ Lương Việt Quốc đã đặt ra một mục tiêu cho Realtime Robotics, đó là tạo ra những sản phẩm dẫn đầu, không chỉ tốt mà phải tốt hơn so với thị trường.
“Nếu không có niềm tin thì tôi không lao vào ngành (chế tạo UAV) này làm gì. Trước khi bắt tay vào làm mình phải xác định làm cái gì đó vượt trội hơn, đó mới chính là mục tiêu”, Tiến sĩ Lương Việt Quốc chia sẻ.
Cũng theo CEO Realtime Robotics, ông cùng các cộng sự nhận thấy các mẫu UAV cỡ nhỏ trên thế giới đang còn những giới hạn và nhược điểm chưa được khắc phục.
Tiến sĩ Lương Việt Quốc cùng các kỹ sư của Realtime Robotics lắp ráp một mẫu UAV do công ty phát triển.
Ví dụ như UAV hoặc drone muốn bay xa, hoạt động lâu thì phải to và cồng kềnh… những mẫu UAV dùng trong nông nghiệp thường mắc phải nhược điểm này (nặng trung bình khoảng 20 kg) không hề thuận tiện trong việc triển khai, nhưng nếu dùng các mẫu UAV nhỏ hơn lại không đáp ứng được yêu cầu về tầm bay và thời gian hoạt động, ông Quốc phân tích.
Từ những điểm này, Realtime Robotics thấy được mục tiêu của mình, đó là tạo ra những mẫu UAV nhỏ gọn nhưng mạnh mẽ, có thể bỏ vào balo hoặc xách tay và đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng.
Vươn lên từ “số 0”
Đã có được mục tiêu cho Realtime Robotics, kèm với đó là sứ mệnh rõ ràng: “Drone innovations to advance humanity” – “Sáng chế drone để phụng sự con người”, Tiến sĩ Lương Việt Quốc bắt tay vào giai đoạn đầu của hành trình tạo nên UAV.
Nhưng có một câu hỏi được đặt ra dành cho ông Quốc và công sự khi đó, làm thế nào để chế tạo UAV?
“Chúng tôi bắt đầu từ con số không, năm 2014 – công nghệ chế tạo UAV còn quá mới mẻ với cả Việt Nam lẫn thế giới (chỉ một vài quốc gia nắm công nghệ này). Ba năm đầu tiên của Realtime Robotics, chúng tôi gọi đây là quá trình học việc, tiếp xúc để hiểu máy bay không người lái là như thế nào, gồm bộ phận gì, chế tạo ra sao cần những công nghệ gì, học hỏi các hãng đi trước đã giải quyết các vấn đề như thế nào”, Tiến sĩ Lương Việt Quốc nói.
Đến giai đoạn 2 - năm 2018, Realtime Robotics cho ra đời UAV thế hệ 1, như ông Quốc chia sẻ là ngang hàng với các sản phẩm khác trên thị trường.
“Có những điểm mình hơn, cũng có những điểm mình kém hơn các mẫu UAV khác. Giai đoạn này gọi là bắt kịp công nghệ”, ông Quốc nói thêm.
Đến giai đoạn 3 – từ năm 2020, cũng là thời điểm Realtime Robotics bức phá với dòng sản phẩm thương mại có tên Hera.
Realtime Robotics nộp bằng sáng chế Hera vào năm 2021, một năm sau bằng phát minh đó được cụ thể hóa và quá trình chế tạo nguyên mẫu được thực hiện. Cuối năm 2022, UAV Hera được thương mại hóa và có những đơn đặt hàng đầu tiên. Dù giá bán cao hơn các sản phẩm cùng phân khúc của châu Âu và Mỹ nhưng đối tác của Realtime Robotics vẫn lựa chọn Hera.
Nói về giai đoạn này, CEO Realtime Robotics rằng đây là giai đoạn vươn tầm thế giới của công ty, bởi UAV Hera được đón nhận bởi khách hàng cũng như việc công ty có thêm các đối tác mới.
Tiến sĩ Lương Việt Quốc cho rằng người Việt Nam mình học hỏi rất nhanh, ngay cả trong ngành mới như chế tạo UAV thì chúng ta vẫn đủ khả năng tham gia và vươn lên cùng tầm với thế giới.
Đặt niềm tin vào những người trẻ
Theo Tiến sĩ Lương Việt Quốc, một trong những bài khó nhất của Realtime Robotics trong giai đoạn đầu phát triển chính là nguồn nhân lực, ở Việt Nam khi đó cũng không có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chế tạo UAV.
Với xuất phát điểm về nhân lực của Realtime Robotics là từ con số 0, tuy nhiên ban lãnh đạo của công ty vẫn quyết định đặt niềm tin vào những kỹ sư trẻ thay vì thuê chuyên gia nước ngoài.
“Chúng tôi có cùng một xuất phát điểm là không biết gì về ngành này, cùng nhau học, cùng nhau tích lũy kiến thức là những điều tạo nên Realtime Robotics”, ông Quốc nói.
Do đó về nhân lực cũng bắt đầu từ số 0. Kĩ sư mới, chưa có kinh nghiệm về ngành này, xây dựng từ đầu, anh em cùng nhau học, cùng nhau tích lũy kiến thức. Mình phát triển nội sinh chứ không thuê chuyên gia nước ngoài.
Cũng theo ông Quốc, người Việt Nam mình học hỏi rất nhanh, Realtime Robotics lựa chọn nhân sự dựa trên tích cách hơn là tập trung quá nhiều vào kỹ năng chuyên môn. Công ty luôn chọn những nhân sự biết nỗ lực, cầu toàn nhất có thể trong công việc. Khi các kỹ sư có tính cách này họ sẽ hướng tới việc đạt tới giới hạn cao nhất, đây chính là điều giúp Realtime Robotics đi xa và vươn lên nhanh như hiện tại.
“Như vậy sau khoảng 5 năm đội kỹ sư hơn 60 người phát triển từ nội sinh của Realtime Robotics đã hoàn toàn làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất trong cách thức tiếp cận vấn đề, sáng tạo và giải pháp”, CEO Quốc tự hào.
Ông Quốc lấy câu chuyện thành công về phát triển nhân lực nội sinh của Realtime Robotics để cho thấy rõ một điều ngay cả trong ngành mới như chế tạo UAV thì người Việt vẫn đủ khả năng tham gia, học hỏi và vươn lên đẳng cấp thế giới. Xe hơi điện là một ví dụ tốt nhất.
Nói về đặt niềm tin vào những người trẻ tại Realtime Robotics, Tiến sĩ Lương Việt Quốc có chia sẻ một câu chuyện về thiết kế của UAV Hera: “Ban đầu, ý tưởng đầu tiên là gấp theo chiều ngang đã rất đẹp rồi, thì thiết kế sư trưởng lại đưa ra ý tưởng ngược đời là dựng đứng nó lên, một thiết kế chưa từng có. Nhưng khi xem kĩ ý tưởng đó thì lại thấy ưu điểm, điều này cho thấy suy nghĩ đột phá trong team để mọi người thoải mái trình bày ý tưởng của mình để đi đến giải pháp tốt nhất”.
Và chính suy nghĩ đột phá của thiết kế sư trưởng Realtime Robotics đã giúp tạo nên điểm nhấn đột phá của Here khi mẫu UAV này có thể gấp gọn và cho phép người dùng mang theo như một chiếc ba lô. Trong khi sử dụng thiết kế nằm ngang việc mang vác UAV sẽ trở nên bất tiện hơn vì chiều dài của phương tiện.
Gian trưng bày Realtime Robotics tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022 thu hút khách tham quan với sự xuất hiện của mẫu UAV Hera.
Xuất khẩu UAV Việt Nam sang Mỹ
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, giữa hàng trăm công ty quốc phòng đến từ châu Âu, Mỹ, Nga, Israel và Ấn Độ… gian trưng bày của Realtime Robotics vẫn giành được sự chú ý của nhiều khách tham quan bởi Hera – UAV hoàn toàn được phát minh, thiết kế, chế tạo bởi người Việt.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Lương Việt Quốc giá trị của một chiếc UAV nằm ở năng lực của các loại thiết bị mà nó có thể được tích hợp. Realtime Robotics đã giải được bài toán đó khi phát triển thành công Hera – mẫu UAV nhét gọn vào ba lô nhưng lại có khả năng mang khối lượng thiết bị lên tới 15 kg, gấp 7 lần sản phẩm cùng loại.
Về không gian, các UAV thông thường chỉ được tích hợp 1 camera, trong khi đó Hera có kích thước nhỏ gọn hơn lại được trang bị 4 camera hoặc camera kết hợp với bệ thả… Điều này cho phép UAV của Realtime Robotics thực hiện được nhiều loại nhiệm vụ hơn so với các máy bay không người lái thông thường.
Việc tích hợp cùng lúc 4 camera trên Hera cũng là một bước đột phá đến từ sự sáng tạo của đội công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của Realtime Robotics.
Chính sự khác biệt này đã giúp Realtime Robotics có được hợp đồng xuất khẩu đầu tiên RMUS – nhà phân phối UAV lớn ở Mỹ. Lô sản phẩm đầu tiên RMUS đặt hàng sẽ được cung cấp cho lực lượng cảnh sát Mỹ. Giá bán của Hera cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại đến từ Mỹ và châu Âu đã góp phần xác thực cho sự vượt trội về tính năng của UAV. Đây cũng là bằng chứng cho thấy UAV Hera đã được thị trường chấp nhận.
Sau Mỹ, Realtime Robotics sẽ xuất khẩu sản phẩm của mình sang thị trường châu Âu. Hera sẽ được phân phối độc quyền tại Liên minh Châu Âu (EU) bởi một đối tác chuyên cung cấp dịch vụ drone cho quân đội và các lực lượng đặc biệt.
Tại Việt Nam, sắp tới, chiếc Hera đầu tiên sẽ được Realtime Robotics cung cấp cho Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an.
Theo CEO Realtime Robotics, toàn bộ quá trình phát minh, thiết kế, chế tạo máy bay không người lái của công ty đều được thực hiện ở Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Lương Việt Quốc đang có kế hoạch xây dựng nhà máy để tăng tốc độ sản xuất lên gấp 5 - 10 lần.
Cũng trong năm 2022, khi nhận thấy tiềm năng của UAV Hera trong lĩnh vực quân sự, công ty đã ngay lập tức có những cải tiến cho sản phẩm này.
Bên cạnh việc tăng tốc độ sản xuất và độ phủ trên thị trường, Realtime Robotics đang hướng đến thương mại hóa các phát minh kế tiếp, trong đó có thể cho ra đời 1 - 2 sản phẩm mới thuộc hệ sinh thái UAV của công ty trong năm 2023.
Khi được hỏi về định hướng của Realtime Robotics trong tương lai, ông Quốc nói công ty khá tự tin vào sự phát triển của UAV Hera trong tương lai, bởi vì khi làm công nghệ thì cốt lõi là khả năng sáng tạo, khả năng phát minh với những sáng kiến "đi tắt, đón đầu". Sau UAV Hera, công ty cũng đã có thêm 4 – 5 phát minh mới đang đợi cấp bằng sáng chế và chúng cũng có những đột phá về công nghệ.
https://vtc.vn/hanh-trinh-cong-ty-viet-san-xuat-uav-cung-cap-cho-canh-sat-my-ar740989.html