Hàng nghìn thợ mỏ bỏ nghề \'ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ\'

Thu nhập thấp, công việc vất vả, nguy hiểm luôn rình rập khiến nhiều thợ lò ngành than ở Quảng Ninh phải bỏ nghề.

Hoàng hôn buông xuống, trong căn nhà nhỏ trên đồi cao ở phường Hà Trung, TP Hạ Long (Quảng Ninh), thợ lò Phùng Văn May (30 tuổi) cùng vợ và hai cô con gái ăn cơm tối sớm để anh sau đó vào mỏ làm ca ba.

Anh May là một trong hơn 28 nghìn thợ lò của ngành than đang làm việc ở Quảng Ninh. Theo anh, cách đây khoảng 3-4 năm trở về trước, thợ mỏ là một nghề thu hút đông đảo thanh niên địa phương và các tỉnh ở miền Bắc.

"Do nhu cầu xin vào ngành than quá đông nên không dễ để nộp hồ sơ đi học nghề thợ lò", anh nói và buồn bã cho biết, những năm gần đây thì tình hình đã thay đổi khi thanh niên nông thôn không còn mặn mà với nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” này nữa do lương thấp và công việc vất vả, nguy hiểm.

Ngành than không chỉ ngày càng khó tuyển công nhân mới, mà mỗi năm có hàng nghìn thợ lò không bám trụ được đã phải bỏ nghề về quê tìm việc khác.

Bữa cơm đoàn tụ của gia đình thợ lò Phùng Văn May. Ảnh: Minh Cương

Ca ba của anh May bắt đầu từ 23h, nhưng để vào khai trường Công ty cổ phần than Hà Lầm thì anh phải rời nhà từ 21h.

"Ôtô chở công nhân đón chúng tôi vào khai trường cách nhà vài km, từ cửa lò vào đến chỗ khai thác than đi bộ mất khoảng một giờ. Thời gian bắt đầu làm việc là hơn 0h. Trước khi vào ca, mọi thợ lò phải chuẩn bị những vật dụng cần thiết về an toàn lao động”, anh May chia sẻ.

Theo anh May, nghề thợ lò vất vả, độc hại, nguy hiểm luôn rình rập. “Không may bị xây xát hay gãy chân tay khi khai thác là bình thường. Vì chỉ cần một cục than như nắm tay văng trúng khi nổ mìn cũng gây thương tích. Nguy hiểm nhất là khi lò gặp sự cố bị sập hoặc ngạt khí, bục túi nước…, nếu không kịp thoát thì có thể mất mạng”, anh May nói và cho biết, làm việc dưới hầm lò dù có khẩu trang bảo hộ cũng không ngăn được than bay vào mũi và họng, quần áo lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi.

Khi kể về vất vả đời thợ lò, chốc chốc anh May lại quay sang nhìn hai cô con gái đang hồn nhiên cười đùa bên mâm cơm. Anh nói, giờ cả bốn miệng ăn đều trông chờ vào đồng lương anh đi làm. Thu nhập bình quân của thợ lò là mỗi tháng 10 triệu đồng, chủ nhật hàng tuần được nghỉ và công ty cho phép nghỉ thêm một ngày trong tuần, vì nghề thợ lò cần nghỉ ngơi thêm.

Cách đây 5 năm, anh May chính thức trở thành thợ lò sau khóa đào tạo nghề khai thác lò. Từ đó anh làm việc tại Công ty cổ phần than Hà Lầm, và đưa vợ, con ở quê (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) ra thuê trọ gần công ty để ở.

Đến năm 2016, vợ chồng anh dành dụm được ít vốn mua căn nhà nhỏ trên đồi cao ở phường Hà Trung với giá hơn 300 triệu đồng, trong đó anh vay ngân hàng 200 triệu.

"Mỗi tháng tôi phải trả góp ngân hàng khoảng 4 triệu đồng, rồi tiền nuôi con ăn học, chi phí sinh hoạt gia đình nên mức lương 10 triệu đồng khá chật vật. Hàng tháng, tôi thường phải ứng trước lương thêm 2 triệu đồng", anh May nói.

Người thợ lò chia sẻ, vẫn biết nghề vất vả là vậy, nhưng vì vợ con nên anh vẫn cố bám trụ. "Trung thu vừa rồi rất muốn cả nhà cùng đi chơi vì đã hứa với hai con, nhưng vì làm ca ba nên đành thất hứa. Nhiều hôm hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau cố gắng hơn, vì con cái", anh May tâm sự.

Bỏ việc hàng loạt

Sau hơn 11 năm gắn bó với nghề khai thác than hầm lò tại Công ty than Quang Hanh, anh Đỗ Văn Long (36 tuổi, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, thợ lò bậc 5/6) đã phải bỏ nghề để về quê tìm việc khác.

“Công việc nặng nhọc nhưng lương thấp, một tháng làm khoảng 25 công, lương cũng chỉ được hơn 8 triệu đồng. Thu nhập và chế độ không hơn các công ty khác nên tôi đành bỏ nghề”, anh Long nói và thông tin thêm, ca làm việc thuộc phân xưởng đào lò 8 có 20 người thì 10 người đã bỏ việc.

Khu nhà ở tập thể dành cho công nhân Công ty than Quang Hanh. Ảnh: Minh Cương

“Giờ tôi đang ở nhà chăm sóc hai con nhỏ, phụ vợ làm nông nghiệp một thời gian rồi sẽ tìm việc khác để làm, lương thấp hơn nghề thợ lò cũng được miễn sao gần nhà, đỡ vất vả”, anh Long chia sẻ.

Anh Long cho hay, vài năm trước thu nhập trung bình của thợ lò khoảng trên 13 triệu, mức thu nhập này không tăng lên mà giảm xuống, trong khi hiện nhiều khu công nghiệp mọc lên nên người lao động có thêm nhiều lựa chọn.

“Công ty than Quang Hanh đang khai thác xuống mức âm 170 so với mực nước biển, đi bộ từ cửa lò xuống khu vực khai thác cũng phải hơn 3 km. Quanh năm làm việc dưới lòng đất, nay tôi muốn đổi nghề để được hít thở không khí bên ngoài”, anh Long nói.

Theo Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, năm 2016 số thợ lò bỏ việc là 1.121 người. Nhưng sang 2017, chỉ tính 6 tháng đầu năm đã có 1.136 thợ lò bỏ việc; chưa kể hàng trăm thợ cơ điện hầm lò xin thôi việc.

“Từ đầu năm đến nay, thợ lò ở công ty tôi bỏ việc rất nhiều. Những người bỏ việc chủ yếu là công nhân mới, thâm niên 5 năm trở xuống. Những người từ 10 năm trở lên thì cố bám nghề để đợi về hưu”, anh Nam - Công nhân Công ty than Dương Huy cho biết.

(https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hang-nghin-tho-mo-bo-nghe-an-com-duong-gian-lam-viec-am-phu-3653203.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=ho&vn_campaign=vn)

Nghề dễ mắc ung thư: Hàng không chiếm đa số

Năng lượng đến từ một nguồn như mặt trời, lò vi sóng, hoặc máy X-quang được gọi là bức xạ. Bức xạ ion hóa cũng ...

Nỗi buồn vùng than

Lại có thêm hai thợ lò vừa bị mắc kẹt dưới lòng đất.

/ Theo Minh Cương/Báo VnExpress.net