Thời kỳ hội nhập, sự xung đột lợi ích... khiến khó có một định nghĩa hàng Việt rạch ròi, tách bạch.
Hội thảo lấy ý kiến thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công thương vừa tổ chức tiếp tục cho thấy sự bùng nhùng, lúng túng trong việc định nghĩa hàng Việt.
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương, cần có những tiêu chí rành mạch để phân biệt hàng sản xuất tại Việt Nam và hàng sản xuất của Việt Nam.
Những quy định đó không phải xác định để cho oai mà nó chứa đựng những lợi ích kinh tế bên trong, thực hiện theo các cam kết mà Việt Nam đã ký với các quốc gia trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là 2 hiệp định CPTPP và EVFTA. Không chỉ các quy định về hàng Việt mà nhiều quy định về mặt thể chế kinh tế của Việt Nam cũng phải căn cứ vào đây để điều chỉnh lại, tổ chức lại cũng như để đảm bảo cho thể chế kinh tế của Việt Nam đi theo khuôn khổ chung và các thỏa thuận quốc té chung.
PGS.TS Phạm Tất Thắng khẳng định, khi quy định tiêu chí hàng Made in Vietnam chắc chắn sẽ động chạm và gây xung đột lợi ích vì trước nay mỗi doanh nghiệp làm một kiểu, mỗi lĩnh vực hiểu theo một khía cạnh khác nhau, để có một quy định, thông tư nào đó có thể giải tỏa, thỏa mãn được ngay lập tức tất cả bức xúc của mọi người thì không thể.
"Chúng ta căn cứ vào quy định chung và thảo luận để làm rõ dần từng lĩnh vực, từng sản phẩm để từ đó có sự thống nhất trên toàn xã hội trong quản lý.
Chẳng hạn, hàm lượng về yếu tố vật chất và hàm lượng về mặt sáng tạo rất khác nhau, cần có thời gian để thống nhất đo lường ra sao cho hợp lý", ông Thắng nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) thừa nhận, việc soạn thảo một thông tư quy định thế nào là hàng Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là rất khó vì ngày nay là thời đại toàn cầu hóa, hội nhập, không có sản phẩm cuối cùng nào không có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trên thế giới.
Ngay như hạt gạo của Việt Nam, giống, phân bón, máy móc sản xuất, chế biến chưa chắc đã phải của Việt Nam.
Chính vì thế, khó có được một định nghĩa, một khái niệm hàng Việt rạch ròi, tách bạch và "cần thông cảm với Bộ Công thương".
Việc xây dựng thông tư quy định thế nào là hàng Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vẫn còn lúng túng từ khái niệm |
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng cho biết, Bộ đã đưa ra những khái niệm, tiêu chí về hàng Việt mà ít người đo đếm được, ví dụ, hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% thì được dán nhãn sản xuất tại Việt Nam; giá trị chất xám để tính hàm lượng giá trị gia tăng...
"Bình thường, giá trị gia tăng đã không ai đo đếm được, chỉ có cơ quan chuyên môn ngồi tính toán từng khâu, từng bước may ra mới ra được. Còn người đi mua hàng biết đâu là giá trị gia tăng nào của nước ngoài, đâu là của Việt Nam...
Tương tự, chất xám thực ra là ý tưởng, sáng kiến, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Chất xám phải tạo ra sản phẩm, chứ không phải giữ ở trong đầu.
Có thể về lý thuyết thì nói thế nhưng tiêu chuẩn phải thực tiễn hơn để bất cứ ai cũng nhận ra được sản phẩm, hàng hóa đó là của Việt Nam hay hàng nhập từ nước ngoài hay trong hàng Việt vẫn có sự tham gia, những yếu tố, công đoạn của nước ngoài, nhưng cái gì là cái quyết định nó là hàng Việt", vị chuyên gia nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố quyết định đầu tiên để biết sản phẩm, hàng hóa có phải là hàng Việt hay không chính là ý tưởng, thiết kế để làm ra sản phẩm ấy là của ai? Trong quá trình làm, doanh nghiệp có thể mua phụ tùng, nguyên vật liệu nước nọ nước kia về làm, nhưng quan trọng là ý tưởng, thiết kế ra sản phẩm ấy là do người Việt nghĩ ra, phục vụ trước hết cho nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, sau đó nếu sản phẩm đạt được chất lượng nhất định thì xuất khẩu đi các nước.
Đề xuất là như vậy nhưng theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, việc ấy cũng rất khó kiểm soát. Đối với sản phẩm nông nghiệp thì đơn giản, nhưng sản phẩm công nghiệp nói chuyện xuất xứ ở đâu không phải dễ.
"Ngay ý tưởng người ta cũng có thể cóp của nước khác rồi sửa đổi đi cho phù hợp với người sử dụng mà doanh nghiệp đó đang phục vụ. Đây chính là điểm cần có sự thảo luận để đưa ra những tiêu chí thực tế hơn, cụ thể hơn và dễ nhìn nhận hơn", ông Nam lưu ý.
Chỉ ra rằng bản thân doanh nghiệp cũng không ngồi tính toán giá trị gia tăng mỗi khâu, mỗi công đoạn làm ra sản phẩm của họ là bao nhiêu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho hay, ngoài tiêu chí về ý tưởng thì phải tính đến xuất xứ của sản phẩm.
Xuất xứ ở đây, theo ông, không có nghĩa là doanh nghiệp chỉ lắp ráp theo mẫu mã của người khác, sử dụng linh kiện của người khác mà doanh nghiệp đó phải đảm đương được một số khâu, công đoạn quan trọng, và căn bản là thiết kế được toàn bộ dây chuyền sản xuất, đảm bảo xuất xứ sản phẩm là do doanh nghiệp Việt làm ra chứ không phải là người lắp ráp sản phẩm.
Trong khi chờ đợi một thông tư chính thức, để đối phó tình trạng nhập nhèm về xuất xứ hàng hóa, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, các cơ quan phải tiến hành khảo sát khảo sát thực tế, đánh giá từng sản phẩm một cách cụ thể.
Chẳng hạn, nhà máy ở đâu, dây chuyền sản xuất được gì, ý tưởng làm ra sản phẩm có khác sản phẩm của người khác; ý tưởng đó phải xuất phát từ thị trường Việt Nam, từ nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam...
Trên cơ sở khảo sát cụ thể, cơ quan chức năng làm báo cáo đánh giá về ý tưởng, thiết kế của sản phẩm, sản phẩm ấy được sản xuất ở đâu, bộ phận nào mua về lắp ráp, phân phối, tiêu thụ sản phẩm ấy thế nào..., từ đó mới kết luận được hàng hóa, sản phẩm ấy có phải là hàng Việt hay không.
Hàng Việt Nam và hàng sản xuất tại Việt Nam, tranh cãi vì quá rối Nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn về dự thảo thông tư quy định thế nào là hàng Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại ... |
Đăng đàn nói về hàng Việt Nam, ông Phạm Văn Tam chia sẻ về tivi Asanzo thế nào? Ông Tam bày tỏ những chiếc tivi giá rẻ của Asanzo được “may đo” cho những người “bị bỏ quên” ở vùng sâu, vùng xa ... |
Cấm hàng Việt lưu thông nội địa chỉ ghi xuất xứ "Made in Viet Nam" Hàng Việt Nam lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. |
Tiêu chí Made in Vietnam: Honda có là hàng Việt? Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo còn chung chung, và để được coi là hàng Việt thì ý tưởng, thiết kế phải là của ... |
Thành Luân