Hàng loạt hãng bay Đông Nam Á đang nguy khốn

Chưa đến mức sắp phá sản như Thai Airways nhưng Covid-19 cũng đã đẩy hàng loạt hãng hàng không lớn nhỏ khác tại Đông Nam Á vào khó khăn.

Hôm 18/5, hãng hàng không quốc gia Thái Lan Thai Airways International (THAI) đã tiến thêm một bước đến việc tái cấu trúc thông qua con đường phá sản. Phát ngôn viên chính phủ Narumon Pinyosinwat cho biết, Ủy ban giám sát các chính sách doanh nghiệp nhà nước đã đồng ý THAI nên phục hồi theo cách này. Dự kiến, nội các Thái Lan xem xét bản kế hoạch chi tiết vào thứ ba (19/5).

Thai Airways, phần lớn thuộc sở hữu của Bộ Tài chính, có khoản nợ tồn đọng khoảng 92 tỷ baht (2,8 tỷ USD), với khoảng 78% là nợ các nhà đầu tư trái phiếu, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

hang loat hang bay dong nam a dang nguy khon
Một máy bay của Thai Airways đỗ tại sân bay Suvarnabhumi, Bangkok hôm 25/3. Ảnh: AFP

Tris Rating, thuộc S&P Global Ratings, tuyên bố việc xem xét tái cơ cấu hãng bay bằng cách phá sản đã "làm xói mòn niềm tin rằng chính phủ Thái Lan sẽ có hành động cần thiết để giúp THAI hoàn thành cách nghĩa vụ nợ kịp thời". Tổ chức này cũng đã hạ tín nhiệm trái phiếu của THAI từ A xuống BBB.

"Những người nắm giữ trái phiếu của Thai Airways đang theo dõi chặt chẽ để biết chi tiết về kế hoạch phục hồi của hãng", Thiti Tantikulanan, Phó chủ tịch Kasikornbank bình luận. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, tác động đến thị trường trái phiếu nói chung sẽ ít vì trái phiếu của Thai Airways vốn chủ yếu bán cho một nhóm các nhà đầu tư hạn chế.

Thai Airways đã báo lỗ gần như hàng năm kể 2013. Hãng phải chịu áp lực nhiều hơn khi Covid-19 bùng phát. Sáng thứ hai (18/5), cổ phiếu của hãng giảm 13%, xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng và đã giảm hơn 90% từ mức đỉnh năm 1999.

Tuy nhiên, không chỉ có Thai Airways đang nguy khốn tại Đông Nam Á. Hãng vận tải quốc gia Indonesia là Garuda Indonesia đã cho khoảng 800 nhân viên tạm nghỉ việc 3 tháng kể từ ngày 14/5, trong bối cảnh vật lộn để duy trì hoạt động mùa Covid-19.

Giám đốc Garuda Indonesia Irfan Setiaputra nói rằng biện pháp này là một quyết định khó khăn nhưng cần thực hiện để giúp đảm bảo sự bền vững của hãng trước khi hoạt động trở lại bình thường. "Chúng tôi đưa ra quyết định này sau khi xem xét kỹ lưỡng các nhân viên và lợi ích của công ty nhằm tránh sự sa thải", ông nói hôm chủ nhật (17/5).

Đại dịch đã buộc Garuda phải đỗ 100 trong số 142 máy bay, số chuyến bay hàng ngày giảm 70% so với những ngày bình thường. Quý đầu tiên của năm 2020, doanh thu hành khách và hàng hóa của hãng giảm 31,9%.

Trước đó, Garuda Indonesia đã thực hiện một số biện pháp để duy trì dòng tiền trong bối cảnh nhu cầu đi lại giảm mạnh do dịch bệnh bùng phát. Các biện pháp bao gồm cắt giảm lương của nhân viên và giám đốc điều hành, cắt giảm chi phí sản xuất và đàm phán lại nghĩa vụ nợ với các đối tác và bên cho thuê máy bay.

Chuyên gia hàng không của Indonesia Gerry Soejatman ước tính gần đây rằng các hãng hàng không quốc gia sẽ tiếp tục giảm công suất và dịch vụ trong vài tháng tới để tránh phá sản, đặc biệt là việc phục hồi nhu cầu của hành khách sẽ mất nhiều thời gian.

Mặt khác, "các hãng cần phải rất cẩn thận trong việc duy trì dòng tiền của mình để tồn tại cho đến khi nhu cầu của hành khách trở lại bình thường", ông nói.

Nội lực mạnh mẽ nhưng hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines (SIA) cũng đang hoạt động khá ảm đạm. Cuối tuần trước, công ty báo cáo khoản lỗ ròng 212 triệu USD cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3. Đây là khoản lỗ đầu tiên trong lịch sử 48 năm của hãng.

Cùng với đó, lợi nhuận hoạt động cả năm của SIA đã giảm 94,5% so với năm trước, do đại dịch dẫn đến sự sụp đổ trong nhu cầu đi lại chỉ trong quý cuối của năm tài chính vừa rồi. Trong khi, ba quý trước đó, hãng đạt hiệu suất mạnh nhờ lưu lượng khách tăng và các sáng kiến chuyển đổi kinh doanh.

hang loat hang bay dong nam a dang nguy khon
Tiếp viên của Singapore Airlines đeo khẩu trang trong mùa dịch. Ảnh: Straitstimes

Giám đốc điều hành SIA Goh Choon Phong cho biết hôm 15/5 rằng không chắc khi nào ngành hàng không sẽ phục hồi. "Không ai chắc chắn về tốc độ phục hồi sẽ như thế nào và các loại cải tiến quy định mà các quốc gia trên thế giới sẽ đưa ra để giải quyết nhu cầu kiểm soát virus", ông Goh nói.

SIA đã cắt giảm 96% chuyến bay. "Chúng tôi hiện hoạt động với công suất rất tối thiểu và hầu như không có doanh thu", ông Goh nói và cho biết hãng đang tìm cách huy động thêm 15 tỷ USD. Trong đó, SIA sẽ phát hành cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu để tăng khoảng 5,3 tỷ USD và phát hành trái phiếu chuyển đổi bắt buộc để có thêm 9,7 tỷ USD.

Temasek, cổ đông nắm 55% sở hữu hãng hàng không, đã cam kết sẽ gom hết bất kỳ cổ phiếu và trái phiếu còn lại mà không ai đăng ký. Động thái này đã giúp SIA có một bảng cân đối tài chính thuộc hàng mạnh nhất trong ngành, theo ông Goh. "Có một niềm tin chung rằng sẽ có sự tăng trưởng vào một lúc nào đó. Vì vậy, rõ ràng, với tất cả biến động này, chúng tôi cũng sẽ phải thay đổi cách vận hành", CEO SIA tuyên bố.

Còn tại Maylaysia, giữa tháng 4, Bộ trưởng thương mại quốc tế và công nghiệp Mohamed Azmin Ali đã nhắc lại ý định hợp nhất hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines với hãng hàng không giá rẻ AirAsia Group như một lựa chọn để cứu Malaysia Airlines vốn đang thua lỗ, nay lại thêm khó vì đại dịch.

Cuộc thảo luận đã diễn ra năm ngoái, trước khi đại dịch này xảy ra. Nhưng theo ông Azmin Ali, họ cần tiếp tục thảo luận xem làm thế nào tốt nhất để có thể cứu những hãng. "Không có câu trả lời đơn giản. Mọi thứ rất tồi tệ, máy bay không bay. Chúng ta cần ngồi xuống và thảo luận về cách giải quyết những vấn đề này".

Ông Azmin nói rằng, kể từ năm ngoái, Malaysia đã tìm kiếm một đối tác chiến lược cho Malaysia Airlines. "Chúng tôi cũng đã xem xét một số đề xuất đến từ những hãng quốc tế", ông nói." Bây giờ tình hình trở nên phức tạp hơn vì đại dịch. Chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn", ông cho biết thêm

Bên cạnh các hãng hàng không quốc gia, những hãng bay giá rẻ ở Đông Nam Á cũng chật vật mùa dịch. Cebu Air, hãng giá rẻ lớn nhất Philippines cho biết trì hoãn kế hoạch mua khoảng 30 máy bay Airbus SE trị giá 6,8 tỷ USD đã đưa ra vào năm ngoái. Hãng cũng đang đàm phán với chính phủ để tìm kiếm hỗ trợ tài chính do đại dịch làm giảm nhu cầu đi lại.

Cebu cho biết họ đang xem xét kế hoạch dài hạn về đội tàu bay của mình và đã bắt đầu thảo luận với các nhà cung cấp để thiết lập cơ chế linh hoạt nhằm thích ứng với tình hình hiện tại. Trước đó, vào giữa tháng 3, các hãng vận tải Philippines dừng tất cả dịch vụ khi chính phủ khóa chặt lưu thông nhằm ngăn chặn lây lan virus. Sau đó, các hãng đã viết thư cầu cứu chính phủ để tìm nguồn tín dụng khẩn cấp và miễn các phí.

hang loat hang bay dong nam a dang nguy khon Covid-19 có thể xóa khái niệm "hàng không giá rẻ"

Khách đi máy bay nên chuẩn bị cho việc sẽ tốn kém hơn nếu các hãng buộc phải giãn cách, bỏ trống hàng ghế giữa, giảm ...

hang loat hang bay dong nam a dang nguy khon Ba “ông lớn” hàng không trong nước bị Covid-19 tàn phá như thế nào?

Ước tính thiệt hại ban đầu của việc dừng bay của các hãng hàng không Việt Nam và quản lý mặt đất do dịch Covid-19 ...

hang loat hang bay dong nam a dang nguy khon Dịch Covid-19 khiến hàng loạt hãng hàng không sa thải, giảm lương nhân viên

Thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra cho ngành hàng không thế giới trong thời gian qua khiến nhân sự ngành này bị ảnh hưởng ...

hang loat hang bay dong nam a dang nguy khon Hàng triệu công ty sắp phá sản

Brigita - giám đốc một trong những đại lý xe hơi lớn nhất Trung Quốc đang đau đầu khi 100 chi nhánh phải đóng cửa ...

https://vnexpress.net/hang-loat-hang-bay-dong-nam-a-dang-nguy-khon-4101275.html 

/ vnexpress.net