Nhiều tàu chưa thể cập cảng Trung Quốc vì đóng hàng và bốc dỡ lâu, còn tàu từ Trung Quốc đến nước khác phải chờ khám thủy thủ đoàn.
Khoảng 80% thương mại hàng hóa toàn cầu thực hiện qua đường biển. Trung Quốc là nơi có 7 trên 10 cảng bận rộn nhất thế giới, theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTD). Tuy nhiên, các hãng vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến phần còn lại của thế giới lại đang giảm số tàu biển, do các biện pháp ngăn dịch viêm phổi lây lan làm giảm nhu cầu này.
"Việc đóng cửa trung tâm sản xuất của thế giới ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải bằng container. Do đây là phương tiện chính sử dụng tại châu Á và trên toàn cầu", Peter Sand - nhà phân tích tại tổ chức vận tải quốc tế BIMCO cho biết, "Việc này sẽ tác động đến nhiều ngành công nghiệp và hạn chế nhu cầu vận chuyển bằng container".
Các biện pháp phòng dịch càng kéo dài, hàng hóa càng khó luân chuyển quanh thế giới. Hãng xe Hyundai đã ngừng sản xuất tại nhà máy ở Hàn Quốc, do nguồn cung linh kiện gián đoạn vì dịch viêm phổi.
Container tại một cảng biển ở Sơn Đông (Trung Quốc) |
Nhiều tàu biển hiện không thể cập cảng ở Trung Quốc, do việc đóng và bốc dỡ hàng hóa diễn ra chậm chạp, Guy Platten - tổng thư ký Phòng Vận tải biển Quốc tế (ICS) International. Một số tàu thì tắc nghẽn ở bến, chờ công nhân quay lại cảng để đóng và sửa chữa.
Số khác thậm chí lênh đênh tại các "khu cách ly nổi", do các nước như Australia hay Singapore từ chối tiếp nhận các tàu từng đến Trung Quốc vào cảng của họ, cho đến khi toàn bộ thủy thủ đoàn được xét nghiệm âm tính với virus, Sand nói. Platten thì biết ít nhất một đoàn thủy thủ sắp cạn kiệt lương thực, vì tàu của họ đã chờ quá lâu.
Các đại gia vận tải biển, như Maersk, MSC Mediterranean Shipping, Hapag-Lloyd và CMA-CGM đã giảm số tàu trên tuyến nối Trung Quốc và Hong Kong với Ấn Độ, Canada, Mỹ, Tây Phi. Các chủ tàu thì cho biết việc nhà máy Trung Quốc ngừng hoạt động qua Tết Nguyên đán đã kìm hãm nhu cầu tàu và buộc họ điều chỉnh lại công suất trong thời kỳ vốn đã là thấp điểm.
Các công ty thành viên BIMCO cho biết nhu cầu mua hàng hóa theo đường biển của Trung Quốc rất hạn chế, hoặc thậm chí không có, với các mặt hàng như than đá, dầu thô và quặng sắt. Việc này khiến giá dầu gần đây đi xuống.
Hãng logistics Freightos đã phải cảnh báo khách hàng về việc hàng hóa ra khỏi Trung Quốc sẽ chậm hơn. Họ khuyên cân nhắc chuyển sang dùng đường hàng không, hoặc mua đồ từ nước khác nếu có thể. Việc hàng hóa ùn ứ thường thấy sau mỗi dịp Tết nhưng năm nay sẽ càng nghiêm trọng hơn, đẩy chi phí lên cao và thời gian nhận hàng kéo dài, Freightos cho biết.
Không chỉ vận tải đường biển chịu ảnh hưởng. IAG Cargo - mảng vận chuyển thuộc British Airways đầu tuần này đã hủy hoàn bộ chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trong tháng 2. Hãng vận chuyển DHL cũng thông báo "gián đoạn nghiêm trọng trong việc vận chuyển bằng đường hàng không, xe tải và đường sắt".
Tình trạng này có thể "gây tác động lớn lên chuỗi cung ứng và sản xuất" tại hàng loạt ngành công nghiệp ở Trung Quốc, như xe hơi, dược phẩm, vật tư y tế và sản xuất công nghệ cao, DHL cho biết. Họ cũng đã ngừng dịch vụ vận chuyển tại Hồ Bắc - tâm điểm dịch bệnh.
UPS và FedEx Express thì cho biết sẽ tiếp tục bay đến và đi từ Trung Quốc. Dù vậy, UPS cũng thừa nhận nhu cầu giảm do nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Hà Thu
Ngành nông nghiệp chịu “tổn thương” lớn nhất vì dịch bệnh do virus Corona
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – khẳng định, tình hình dịch bệnh do virus Corona ... |
Hà Nội cho học sinh nghỉ 1 tuần để phòng dịch bệnh do virus corona
Hà Nội đã quyết định cho học sinh nghỉ học 1 tuần nhằm phòng, tránh dịch bệnh do virus corona, thời gian nghỉ từ ngày ... |
Hoãn trận Siêu Cúp Quốc gia 2020 vì dịch bệnh virus corona nguy hiểm
Trận Siêu Cúp Quốc gia 2020 giữa câu lạc bộ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị hoãn lại, không diễn ra ... |