Hàng hoá bịt kín lối thoát nạn - Nguyên nhân cũ, nỗi đau mới

Câu chuyện hàng hoá bịt kín lối thoát nạn là điều “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”. Những bài học sau các thảm hoạ cháy gần đây đều đã được lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) thường xuyên khuyến cáo. Nhưng thực tế, mất mát, đau thương vẫn tiếp diễn đều do những thói quen cố hữu…

Khi "cửa sinh" thành "cửa tử"

Cách đây 3 năm, vào khoảng 0h25 ngày 4-4-2021, một vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra tại ngôi nhà 311 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội, khiến 3 mẹ con thiệt mạng. Ngôi nhà này vừa ở, vừa kết hợp kinh doanh đồ sơ sinh. Ngôi nhà là loại nhà ống, gồm 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích khoảng 60m2 và có một lối ra duy nhất là cửa chính. Các mặt hàng bày bán được xếp trên các kệ tủ hàng đặt ở tầng 1 của ngôi nhà. Các tầng 2, tầng 4 và tầng tum làm nơi chứa hàng hoá kinh doanh và sinh hoạt của gia đình. Ngọn lửa xuất phát từ tầng 1 nên khi phát hiện, 3 mẹ con, khi đó người mẹ đang mang thai, đã không thể chạy thoát ra bằng lối cửa chính và thiệt mạng tại tầng tum.

Hiện trường vụ cháy 311 Tôn Đức Thắng

Hiện trường vụ cháy 311 Tôn Đức Thắng

“Hồi chuông cảnh tỉnh” tiếp tục gióng lên khi “cửa sinh” cũng trở thành “cửa tử” khi các lối thoát nạn đều bị bịt kín bởi hàng hoá, chất dễ cháy trong vụ cháy tại số nhà 207 phố Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội) tối 16-6. Ngôi nhà gặp hỏa hoạn cao 6 tầng và 1 tum. Phía trên tầng cao nhất được hàn kín bởi dãy song sắt kiên cố. Các tầng dưới mặc dù có ban công nhưng 3/6 tầng bị chắn bởi các biển quảng cáo cỡ lớn. Duy nhất tầng 5, 6 có lối thoáng nhìn ra phía đường nhưng lại cũng là điểm bốc cháy dữ dội nhất. Tầng 1, 2 của ngôi nhà chất kín hàng hóa, gồm sơn, keo, máy bơm, vật liệu xây dựng... nên gây khó khăn cho việc thoát nạn và công tác chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ, dẫn đến hậu quả làm 4 nạn nhân đã thiệt mạng.

Hàng hoá để chất đống, bịt kín lối thoát nạn tại căn nhà 207 phố Định Công Hạ

Hàng hoá để chất đống, bịt kín lối thoát nạn tại căn nhà 207 phố Định Công Hạ

 
 

Nhà sâu, ngõ nhỏ, vừa để ở, vừa kết hợp kinh doanh, thậm chí cho thuê, đang ngày càng phát triển nhanh chóng tại các đô thị. Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 31.200 nhà trọ và hơn 39.200 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Nếu không siết chặt quản lý và mạnh tay xử lý, những hậu quả đau lòng sẽ không dừng lại.

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội nhận định, “kín cổng cao tường” là đặc trưng nhà ở đô thị, không chỉ nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, mà ngay cả nhà dân cũng thường có thói quen tích đồ. Mua được đồ mới, lại cất đồ cũ đi nên trong nhà dân có “tải trọng” chất cháy quá lớn, nên khi xảy ra cháy, dù chỉ một cháy nhỏ, nhưng với lượng chất cháy sẵn như vậy, thì con người trong những căn nhà đó không có lối thoát. “Hành lang xếp đồ, tầng tum làm kho, ban công cũng làm kho, tầng 1 để xe hoặc ô tô. Vậy khi xảy cháy thì không thể có lối thoát nạn được. Nhất là những căn hộ trong nội đô, những nhà dân kinh doanh vàng mã. Những hộ kinh doanh này thường có diện tích nhỏ, nhưng hàng vàng mã chất đống từ chỗ bán hàng lên đến cầu thang bộ, lên các phòng không ở, thậm chí bịt kín đến tận tầng tum, như vậy nếu có cháy ở bất kỳ điểm nào cũng không có lối thoát”, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội chia sẻ.

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Trong vụ cháy ở phố Định Công Hạ, mọi nỗ lực từ người dân và lực lượng chức năng đều bất thành khi căn nhà gần như không còn lối thoát. Liên quan đến vụ việc này, ông Bùi Xuân Thái - chuyên gia của Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cho biết, đối với các nhà ở kết hợp kinh doanh, người dân cần lưu ý các vấn đề khi xây dựng và bố trí đồ đạc sinh hoạt. "Cần đảm bảo bố trí đủ 2 lối thoát nạn gồm cửa ra vào chính và lối thoát nạn khẩn cấp bên trên, như lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái" ông Thái nhấn mạnh.

Ngoài ra, người dân cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt ở nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và mọi thành viên đều biết sử dụng thành thạo. Gia đình nếu có điều kiện cần trang bị hệ thống báo cháy sớm, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà.Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ, không để các hàng hóa, vật dụng, đồ dùng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Bố trí đồ đạc, vật dụng trong nhà một cách khoa học để không làm cản trở các lối thoát nạn trong nhà.

 
Các gia đình cần chuẩn bị sẵn những phương án thoát nạn đề phòng khi xảy ra sự cố

Các gia đình cần chuẩn bị sẵn những phương án thoát nạn đề phòng khi xảy ra sự cố

Thực tế sau những vụ cháy cho thấy, việc sắp xếp hợp lý, thường xuyên kiểm tra các nguồn điện, nguồn nhiệt trong nhà, kiểm tra và có phương án phòng bị khi sự cố xảy ra cần được đề cao, nhất là những lối thoát hiểm trong gia đình.

Như lời chia sẻ của Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội: “Giặc phá không bằng nhà cháy. Khi cháy xảy ra ai cũng tặc lưỡi cho rằng xui, là do số chứ không ai nghĩ rằng, chính việc lơ là trong công tác phòng cháy đã dẫn đến việc mất tài sản và mất đi những người thân trong gia đình mình. Những bài học từ các vụ cháy đã “thấm” lắm rồi. Ai cũng đau xót lúc xảy ra sự việc. Nhưng rồi thời gian và cuộc sống mưu sinh lại cuốn trôi đi nỗi sợ ấy, lãng quên ý thức về PCCC, rồi thảm hoạ lại xảy ra”.

Những vụ cháy trên không chỉ là lời cảnh báo cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ dân sử dụng nhà mình để sinh sống kết hợp với kinh doanh mà là lời cảnh báo chung cho toàn xã hội, với tất cả mọi người cần phải nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng chống cháy, nổ tại các khu dân cư, nơi ở.

“Cùng với tốc độ đô thị hoá, nếu mỗi người dân đều nắm vững, nắm rõ kiến thức về PCCC, kỹ năng về thoát nạn, phát hiện đám cháy sớm, kiểm soát được ngọn lửa ngay từ khi phát sinh, thì chúng ta sẽ xử lý được, và chắc chắn sẽ không xảy ra thảm hoạ. Cho nên cần lắm việc người dân học đúng, học kỹ các kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH qua từng buổi tuyên truyền của chúng tôi đối với từng loại hình, để làm sao các kiến thức ấy như một kỹ năng sống trong mỗi chúng ta”, Đại tá Phạm Trung Hiếu nhấn mạnh.

Không có phép màu xảy ra trong vụ cháy vừa qua và bài học cũ vẫn gây ra những nỗi đau mới. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng ngừa, cảnh giác với "giặc lửa", đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".

https://www.anninhthudo.vn/hang-hoa-bit-kin-loi-thoat-nan-nguyen-nhan-cu-noi-dau-moi-post580200.antd

Chu Hương / ANTĐ`