- Kỷ luật người đứng đầu nếu xảy ra buôn lậu, gian lận, hàng giả qua hàng không
- Xử lý một số chủ nhà sách buôn bán hàng giả
Hàng giả, hàng nhái rất phổ biến trên “chợ mạng” nhưng nhiều người tiêu dùng còn lúng túng không nhận biết được.
Một vụ việc kinh doanh đồng hồ giả mạo nhãn hiệu bị phát hiện, xử lý |
Chị Phạm Thị Yên (Trung Hòa- Cầu Giấy- Hà Nội) cho biết: “Mua hàng online ngày càng tiện lợi nhưng nhiều lúc nhận hàng chất lượng không như quảng cáo. Gần đây, tôi có mua giày thể thao “thương hiệu mạnh” trên Facebook với giá “mềm”; Người bán đã che đi logo giày vì sợ vi phạm quy định của Facebook nên tôi càng tin là hàng hiệu xịn. Khi nhận giày rất cứng, không ôm chân, đi bí bách”.
Theo anh Nguyễn Trung Kiên (Láng Hạ- Đống Đa- Hà Nội), mua hàng trên chợ mạng khá rủi ro vì rất nhiều trường hợp nhận hàng không như ý. “Người bán thường xuyên dùng hình ảnh hàng thật để giới thiệu, nhưng thực tế sản phẩm bán cho người mua là hàng giả, hàng nhái. Dù vậy nhưng người mua rất khó phân biệt”.
Trên chợ mạng hiện nay, hàng giả, hàng nhái không chỉ có quần áo, giày dép thời trang như trước, mà ngay cả hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng… cũng là “hàng fake”.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm.
TMĐT sử dụng phương thức giao dịch điện tử, khi lịch sử của giao dịch bị xóa, việc khôi phục giao dịch cũng là thách thức với cơ quan quản lý thuế khi có hàng triệu thông tin về giao dịch được truyền tải trong mỗi giây.
Thời gian qua, lực lượng QLTT các địa phương cũng xử lý hàng nghìn vụ việc vi phạm trên TMĐT liên quan đến hàng giả, hàng nhái nhưng kết quả này dường như mới là “phần nổi của tảng băng chìm”. Để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan chức năng, cần có sự chung tay của người tiêu dùng.
Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cũng đánh giá, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan trên không gian mạng. Hiện trạng này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, hình ảnh thương hiệu, lợi ích doanh nghiệp mà còn trực tiếp xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Cơ quan này cũng đưa ra các dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng nhái như: Tài khoản người bán không đáng tin, không có thông tin liên hệ và địa chỉ ; Sản phẩm có mức giá rẻ bất ngờ; Sản phẩm thiếu thông tin cơ bản; Số lượng sản phẩm giới hạn gây áp lực tâm lý người mua; Nhiều đánh giá và nhận xét thiếu tự nhiên về sản phẩm.
Bên cạnh đó, các sản phẩm bị làm giả cũng có thể có nhận nhiều đánh giá tiêu cực; Phương thức thanh toán không an toàn.
Để phòng tránh, người tiêu dùng cần lựa chọn các sàn TMĐT uy tín và đáng tin cậy; Kiểm tra kỹ thông tin cá nhân của người bán; Kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm;
Tìm hiểu rõ về chính sách bảo hành và hoàn tiền; Đồng thời, chọn lọc những phản hồi và đánh giá về chất lượng sản phẩm trước khi nhấn nút “mua hàng”.
https://www.anninhthudo.vn/hang-gia-hang-nhai-tren-cho-online-cach-nao-nhan-biet-post549672.antd