Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ ráo riết "giành phiếu" tại các bang dao động

Trong những ngày cuối cùng trước "giờ G", cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump lẫn bà Kamala Harris - đều tranh thủ mọi lợi thế có được ở các bang chiến địa, và thúc đẩy vận động tranh cử tại "các bang dao động".

Reuters đưa tin, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/11 (giờ địa phương) tiếp tục vận động bỏ phiếu trong cộng đồng người Arab và Hồi giáo tại bang Michigan, bằng cách ghé thăm một nhà hàng halal địa phương và khẳng định mình là ứng cử viên có thể mang lại "hòa bình" cho Trung Đông.

Tại Michigan, cựu Tổng thống Mỹ cho biết nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ áp thuế 100% đối với Stellantis nếu hãng sản xuất ô tô này cố gắng chuyển việc làm từ Mỹ sang Mexico. Đề cập tới vấn đề kinh tế của chính quyền đương kim Tổng thống Biden, ông Trump đã hứa sẽ giảm lạm phát và hỗ trợ các gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ ráo riết
Ông Trump xuất hiện tại cuộc vận động tranh cử mới nhất ở Michigan. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, cùng ngày, bà Kamala Harris đã hạ cánh tại "bang dao động" Wisconsin cho cuộc vận động nước rút của mình. Các bang dao động, còn được gọi là các bang chiến trường hay bang màu tím, là những bang có tính cạnh tranh cao do sự thay đổi trong việc bỏ phiếu cho các đảng khác nhau xuyên suốt các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. 

"Tại Janesville và trên khắp đất nước, các thành viên công đoàn đã góp phần lãnh đạo cuộc đấu tranh cho chế độ lương công bằng, phúc lợi tốt hơn, điều kiện làm việc an toàn hơn và mọi người dân Mỹ đều được hưởng lợi từ công việc của các bạn", bà Harris phát biểu trước đám đông ở Janesville, bang Wisconsin.

Ngược lại, bà cho biết đối thủ của bà, ông Donald Trump, “không phải là bạn của người lao động” và “là mối đe dọa hiện hữu đối với phong trào lao động của Mỹ”. Nếu được bầu, bà cho biết thêm, một trong những việc bà sẽ làm ngay từ ngày đầu tiên là "loại bỏ các yêu cầu về bằng cấp không cần thiết" đối với các công việc liên bang.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ ráo riết
Bà Harris vận động tranh cử tại Wisconsin. Ảnh: Reuters

Quay ngược về quá khứ, chiến thắng của ông Trump ở Michigan và Wisconsin năm 2016 đặc biệt gây ngạc nhiên đối với phe Dân chủ, vì họ tin tưởng vào thành tích đáng kể của họ ở những khu vực mà họ có sự hiện diện mạnh mẽ trong các nghiệp đoàn. Cả hai bang đều chuyển sang ủng hộ ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 và sẽ đóng vai trò trung tâm trong cuộc bầu cử năm nay.

Vì thế, trong lần tranh cử này, cả bà Harris lẫn ông Trump đều đề cập đến chủ đề kinh tế khi vận động tranh cử tại các bang dao động quan trọng. Theo Reuters, ông Trump cho rằng lạm phát đã "nuốt chửng mọi người", trong khi bà Harris cho biết đối thủ của bà "chỉ nói mà không làm" khi nói đến việc ủng hộ các công đoàn lao động.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ ráo riết
Ông Trump đến một nhà hàng halal địa phương để vận động tranh cử. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các cuộc thăm dò của Marist tại các bang chiến trường Michigan và Pennsylvania được công bố vào hôm 1/11 cho thấy Phó tổng thống Harris của đảng Dân chủ dẫn trước đối thủ đảng Cộng hòa của bà hai điểm ở mỗi tiểu bang, 50% so với 48%. Cuộc thăm dò thứ ba của cử tri Wisconsin cho thấy Harris dẫn trước ba phần trăm, 51-48%. 

Tất cả những kết quả này đều nằm trong biên độ sai số của cuộc thăm dò của Marist, cộng hoặc trừ 3,4 điểm cho cuộc thăm dò của Michigan và Pennsylvania và cộng hoặc trừ 3,5 điểm cho cuộc khảo sát của Wisconsin. Các cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 27 đến 30/10. 

Tính đến hết tháng 10, ít nhất 62,7 triệu người đã bỏ phiếu sớm, bằng gần 40% tổng số phiếu bầu năm 2020, phá kỷ lục tại một số bang và khiến cả hai ứng viên đều hy vọng mang lại cho mình lợi thế, dù giới phân tích cho rằng dữ liệu này rất khó diễn giải chính xác.

Bảo Hân / cand.com.vn