Các tàu sân bay Mỹ tập trận tại Biển Đông hôm nay, trong lúc Trung Quốc tổ chức tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cuộc tập trận của tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz ngày 4/7 là một trong những lần tập trận lớn nhất của hải quân Mỹ trong những năm gần đây tại Biển Đông. Các quan chức Mỹ cho biết họ muốn thách thức yêu sách lãnh thổ phi pháp của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng vì vấn đề thương mại, đại dịch Covid-19 và luật an ninh Hong Kong.
"Mục đích (của cuộc tập trận) là thể hiện tín hiệu rõ ràng cho các đối tác và đồng minh rằng chúng tôi cam kết đảm bảo an ninh cùng ổn định trong khu vực", chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, chuẩn đô đốc George Wikoff nói với WSJ ngày 3/7.
Trong khuôn khổ tập trận của tàu Reagan, Nimitz và 4 chiến hạm khác, các máy bay trên tàu sân bay sẽ cất cánh ngày đêm để kiểm tra khả năng tác chiến của chúng. Chuẩn đô đốc Wikoff từ chối tiết lộ vị trí cụ thể hai tàu sân bay tập trận trên Biển Đông.
Wikoff nói cuộc tập trận của tàu sân bay Mỹ không nhằm đáp trả cuộc tập trận của Trung Quốc, song việc nước này gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông là lý do chính đáng để hải quân Mỹ hiện diện trong khu vực. "Những hành vi đó cho thấy hoạt động của chúng tôi trong khu vực là hợp lý", Wikoff nói.
Tàu sân bay USS Nimitz (trên) và USS Ronald Reagan (dưới) tại tây Thái Bình Dương tháng 11/2017. Ảnh: Reuters. |
Mỹ tìm cách thể hiện sức mạnh quân sự trong bối cảnh Trung Quốc gây áp lực lên các quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh giữa Covid-19. Trung Quốc nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan, đụng độ với Ấn Độ tai khu vực biên giới và thông qua luật an ninh Hong Kong.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc phô diễn sức mạnh tại Biển Đông vượt xa ranh giới truyền thống. Trung Quốc nêu yêu sách phi lý với phần lớn diện tích khu vực Biển Đông, triển khai tên lửa cùng thiết bị gây nhiễu trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép, gây khó khăn cho hoạt động của Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực.
Cuộc tập trận trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam diễn ra ngày 1-5/7. Rất hiếm khi Mỹ và Trung Quốc tổ chức tập trận lớn tại cùng một thời điểm ở Biển Đông.
Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối cuộc tập trận trái phép của Trung Quốc, yêu cầu nước này không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai.
Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Việt Nam đã nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Cảnh tượng hiếm khi tàu Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam ở gần nhau trên Biển Đông
Hình ảnh Hải quân Mỹ công bố cho thấy tàu chiến Mỹ, tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu khảo sát Trung Quốc xuất hiện ... |
Trung Quốc "bủa vây" Biển Đông từ lòng biển
Việc Mỹ triển khai những máy bay săn ngầm hiện đại nhất tới Biển Đông trong khi Trung Quốc tiến hành tập trận hải quân ... |
https://vnexpress.net/hai-tau-san-bay-my-dien-tap-tai-bien-dong-4125288.html