Các nước ở châu Á đối diện với nguy cơ phân cực mạnh mẽ khi Mỹ và Trung gia tăng cạnh tranh chiến lược.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Osaka ngày 29/6. Ảnh: Reuters. |
Sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 tại Nhật Bản hôm 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không áp thêm thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và cho phép các công ty Mỹ bán trở lại các sản phẩm cho tập đoàn công nghệ Huawei. Hai bên cũng nhất trí sẽ nối lại cuộc đàm phán thương mại bị đổ vỡ hồi tháng 5.
Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đánh giá đây là "bước chùng tạm thời" trong cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cho rằng Tổng thống Mỹ có hai lý do chính để "xuống thang" căng thẳng thương mại với Trung Quốc thời điểm này.
Theo Giáo sư Vuving, Trump muốn giữ quan hệ cá nhân tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc để hai bên vẫn có thể trao đổi với nhau về các khác biệt, đồng thời thể hiện mình là một "bậc thầy đàm phán", thắng đối thủ theo cách có lợi chứ không dẫn tới xung đột.
Lý do thứ hai là ông chủ Nhà Trắng cũng có nhu cầu giữ cho nền kinh tế êm đẹp trước thời điểm tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai vào năm 2020. Nếu Mỹ áp thêm thuế với hơn 300 tỷ hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhiều công ty Mỹ đã gửi thư đề nghị chính quyền Trump cho phép bán lại hàng cho tập đoàn Huawei vì đây là khách hàng lớn của họ.
Đồng tình về lý do Tổng thống Mỹ xuống thang bên lề G20, Giáo sư David Denoon, Đại học New York, Mỹ cho rằng Trump là một nhà đàm phán sắc sảo khi đưa ra một vài nhượng bộ nhỏ liên quan đến Huawei nhưng vẫn giữ nguyên các mức thuế với Trung Quốc, chờ đến khi Bắc Kinh có những thay đổi căn bản.
"Kinh tế Trung Quốc đang bị tổn thương hơn nhiều so với Mỹ trong chiến tranh thương mại, nên lợi thế đàm phán vẫn nghiêng về phía Mỹ. Trung Quốc đến một lúc nào đó sẽ phải nhượng bộ, nếu không hai nền kinh tế sẽ dần tách rời nhau", Denoon nhận định.
Theo Vuving, thỏa thuận đình chiến này có thể mở ra cơ hội để hai bên đàm phán, nhưng ông không tỏ ra lạc quan về khả năng Mỹ - Trung đạt được thoả thuận thương mại trong tương lai gần. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục "trò chơi trì hoãn" nhằm câu giờ và chuyển sang phương án B đấu lại với Mỹ.
Trong khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các công ty nước ngoài, từ bỏ quy định ép buộc họ chuyển giao công nghệ, cũng như tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, hướng tới sự công bằng, Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận vì coi các yêu sách này là "sự triệt hạ tất cả các lợi thế" của mình. Do đó, hai bên sẽ còn "dây dưa" trong thời gian dài về thoả thuận thương mại.
"Dù có những lúc Mỹ và Trung Quốc tạm lắng căng thẳng, nhưng điều cơ bản là hai nước sẽ tiếp tục gia tăng cạnh tranh chiến lược", Vuving nhấn mạnh.
Thái độ cứng rắn với Trung Quốc của Trump được ví như một trong những "ngọn sóng" giúp ông giành chiến thắng trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016. Do đó, Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục cưỡi ngọn sóng này trong cuộc chạy đua tái tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020.
Với nước Mỹ, cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đang có một sự đồng thuận lớn trong việc coi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược hàng đầu của Washington. Hồi đầu năm nay, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA), đưa ra kế hoạch hợp tác với các nước trong khu vực để ngăn chặn Trung Quốc. Việc này thể hiện sự nhất trí ở mức cao chưa từng có của lưỡng viện trong chính sách với Trung Quốc. Trong số các vấn đề chính khiến Mỹ "chấm dứt ảo tưởng về sự hợp tác với Trung Quốc" có Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
Ngay khi Trump tuyên bố nới lỏng hạn chế với Huawei sau cuộc gặp với ông Tập bên lề G20, cả Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa và Chuck Schumer của đảng Dân chủ đều lên tiếng cảnh báo, cho rằng vấn đề công nghệ là then chốt trong cạnh tranh Mỹ - Trung. Điều đó cho thấy nếu Trump nhẹ tay với Huawei thì Quốc hội Mỹ có thể ra đạo luật buộc ông phải thể hiện sự cứng rắn.
Sự thay đổi nhanh chóng của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden mới đây cũng cho thấy các giới ở Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chính. Cựu phó tổng thống Biden từng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của công chúng khi tuyên bố "nên hợp tác với Trung Quốc". Do đó, trong cuộc vận động tranh cử ở bang Iowa cuối tháng 5, ông đã phải đổi giọng, kêu gọi ngăn chặn "sự trỗi dậy của Trung Quốc, cạnh tranh quyền lực với Mỹ". Điều đó cho thấy áp lực trong nội bộ nước Mỹ rất lớn, đến mức khó có tổng thống nào có thể nói "Trung Quốc là đối tác".
"Cuộc đấu Mỹ - Trung là cuộc tranh giành thế thượng phong, giành quyền sắp đặt trật tự trong khu vực và thế giới. Vì thế câu chuyện này sẽ không mất đi, kể cả khi Mỹ có tổng thống mới", Vuving nói.
Các chuyên gia cho rằng cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung này sẽ tạo ra nhiều tác động với châu Á, có thể dẫn đến tình trạng phân hóa mạnh giữa hai hệ thống. Washington và Bắc Kinh sẽ tìm cách xây dựng hệ thống riêng của mình về chiến lược, trật tự và chuỗi giá trị. Khi đó, các nước trong khu vực đứng trước sự lựa chọn "chỉ chấp nhận chuẩn mực của một bên, Mỹ hoặc Trung Quốc".
Theo Giáo sư Vuving, áp lực "chọn phe" này sẽ gây khó khăn cho các thành viên ASEAN và có thể đe dọa đến sự thống nhất của khối. Ông cũng cho rằng Việt Nam cũng có thể đối mặt với sức ép tương tự và cần có những chính sách rõ ràng.
"Tình thế của Việt Nam không hề dễ dàng, khi phải chịu áp lực cả từ Mỹ và Trung Quốc. Có thể Hà Nội phải chịu thiệt trước mắt để có lợi ích lâu dài... Việt Nam phải dám chấp nhận rủi ro", Vuving gợi ý.
Trung Quốc 'chìa cành ô liu' với Mỹ khi đình chiến thương mại
Bắc Kinh nới lỏng quy định đầu tư cho các công ty nước ngoài và cam kết không phá giá đồng nhân dân tệ khi ... |
Vết thương kinh tế khó lành dù Mỹ - Trung đình chiến
Chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn chịu sức ép như hiện tại, vì khả năng hai nước đạt thỏa thuận còn ... |
'Chiến tranh thương mại kết thúc và Trung Quốc giành chiến thắng'
Trang MarketWatch nhận định cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy ông Trump không ... |
Nhật Bản tấn công ngành công nghệ Hàn Quốc, chiến tranh thương mại cận kề
Tokyo siết chặt quy định xuất khẩu hóa chất sử dụng trong chip và điện thoại thông minh để tấn công ngành công nghiệp di ... |