Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, dự án này nên tập trung cho các địa phương chịu uy hiếp lớn, trực tiếp từ sông Hồng.
UBND tỉnh Hải Dương mới đây đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, chấp thuận đề xuất dự án "Quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Hải Dương", với kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng.
Dự án trên nhằm bảo đảm an toàn cho dân cư và cơ sở hạ tầng, kinh tế, chính trị quan trọng; chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường dự báo, cảnh báo sớm và ứng phó với bão, lũ nhằm giảm thiểu rủi ro.
Theo đề xuất của tỉnh, dự án này gồm 3 hợp phần: tăng cường năng lực, thể chế để ứng phó thiên tai và lũ lụt; cải tạo, nâng cấp các tuyến đê từ cấp III trở lên; hiện đại hóa hệ thống dự báo lũ, cảnh báo sớm cho 2 hệ thống sông Hồng - Thái Bình.
Dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á, các Quỹ Xóa đói giảm nghèo Nhật Bản, Công nghệ cao và Khí hậu xanh đồng tài trợ.
Kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại 1.020 tỷ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương 180 tỷ đồng.
Nhiều tuyến phố ở Hải Dương bị ngập do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha) hồi tháng 8/2019. Ảnh: Kiến thức |
Chưa nắm dược danh sách cụ thể các địa phương nằm trong dự án này, song GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, Hải Dương chỉ có một phần rất nhỏ thuộc sông Hồng và dự án phòng chống thiên tai nói trên nên tập trung vào các tỉnh chịu uy hiếp lớn, trực tiếp của sông Hồng như Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình...
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, phải tách riêng giữa xây dựng cơ bản và nâng cao năng lực con người về phòng chống thiên tai thông qua đào tạo, huấn luyện, thậm chí có thể cho đi nước ngoài để đào tạo, khi về có thể làm được.
Thực tế, hiện nay các địa phương thường muốn "xin" phần xây dựng, nhưng vốn để xây dựng lại là phần vốn Nhà nước phải đi vay và trả nợ. Do đó, GS Hồng đề nghị nên tập trung vào phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, bởi mảng này các tổ chức quốc tế thường cho không hoặc cho vay với lãi suất thấp.
"Lĩnh vực phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu nhiều năm qua có xu hướng muốn được quốc tế tài trợ, nhưng họ đã giúp chúng ta nhiều, phải tự vươn lên mà làm.
Ngày trước, khi tôi làm Phó Ban thường trực phòng chống lụt bão Trung ương, các tổ chức quốc tế thường ủng hộ, giúp đỡ, có thể là cung cấp vốn vay không hoàn lại, hoặc vốn vay lãi suất thấp, dài hạn.
Thế nhưng, họ cũng chỉ giúp về mặt phi công trình, tức hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, phòng chống, khắc phục hậu quả... Còn những việc như xây dựng đê điều, cống đập thuộc về vốn xây dựng cơ bản, Nhà nước sở tại phải lo", nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.
Cũng theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, một lý do khác Việt Nam nên tận dụng sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để nâng cấp năng lực phòng chống thiên tai, đó là hiện nay năng lực cảnh báo, dự báo, ứng phó, cứu trợ của Việt Nam yếu.
"Chúng ta cứ nói năng lực, nhưng đó là năng lực quy định trong trách nhiệm của Chính phủ, còn năng lực của người thực thi lại mờ nhạt.
Cán bộ chuyên trách phòng chống thiên tai, ngoài trách nhiệm Nhà nước quy định, phải có đủ năng lực để hướng dẫn người dân.
Thí dụ, người thực thi phải hướng dẫn cho chủ thuyền biết rằng khi bão sắp vào thì phải vào bờ và chằng chống, chằng chống thế nào để thuyền không va đập vào nhau hư hỏng. Cái này thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương phải cử các đoàn cán bộ đi làm và chính những cán bộ này phải được nâng cao năng lực", GS.TS Vũ Trọng Hồng chỉ rõ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết trên báo Dân trí, Bộ này đã nắm được thông tin về việc UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, chấp thuận đề xuất dự án "Quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Hải Dương", với kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng. Theo ông Hiệp, dự án có tên là phòng chống thiên tai cho 10 tỉnh và Hải Dương là một trong 10 tỉnh thuộc dự án này. "Hiện nay chúng tôi đang đàm phán với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để vay vốn. Chúng tôi dự kiến vay ADB 220 triệu USD, tương đương khoảng 4.500 tỷ đồng. Các tỉnh cứ đề xuất, sau đó, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với ADB về các địa phương khảo sát thực tế như những điểm cần làm, khả năng cân đối vốn vay lại của địa phương,…rồi mới tính được. Nhanh thì cũng phải cuối năm 2020 đầu năm 2021 mới triển khai được", Thứ trưởng Hiệp cho biết. |
VETC muốn trả dự án thu phí tự động không dừng: Không dễ VETC phải thực hiện các thỏa thuận đã cam kết trong hợp đồng. Trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc, các bên ... |
“Không phải công nhân thôi việc tập thể tại Dự án Cát Linh – Hà Đông" Đó là khẳng định của đại diện Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội ... |
Chủ tịch Hà Nội nói về nghi vấn lợi ích nhóm trong dự án nước sạch Ông Nguyễn Đức Chung nhận hàng loạt câu hỏi liên quan nhà máy nước mặt sông Đuống tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn ... |
Xây đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng: Lãng phí và vô lý? Tiến sĩ kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, xây thêm tuyến đường sắt mới với vốn đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng, trong ... |
Thành Luân