Trong vòng 2 ngày, 2 chị em Tuyền và Trường mất cả cha mẹ vì COVID-19, ngôi nhà ấm hơi người giờ lạnh lẽo, quạnh hiu, không tiếng cười…
Trời chiều Sài Gòn đổ cơn mưa lớn, chúng tôi ghé thăm nhà em Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi) và Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) ngụ 593 An Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM.
Ông Trần Hoa Danh (71 tuổi), bà Phạm Thị Đào (64 tuổi) là bố mẹ của Tuyền và Trường mắc COVID-19, ra đi mãi mãi bỏ lại 2 người con chưa thể tự lập, cuộc sống ngày mai không biết ra sao.
Tuyền kể, bố mẹ em đến với nhau lúc tuổi xế chiều. Cuộc sống của gia đình trước nay đều nhờ từ công việc sửa xe của ba và lương hưu nhà giáo của mẹ.
Thương cha mẹ vất vả, học hết lớp 9, Ngọc Tuyền xin nghỉ để xuống Bình Dương làm công nhân, nhường cho em trai đến trường. Từ lúc đại dịch bùng phát, Tuyền thất nghiệp về nhà với gia đình. Nhưng em không ngờ lần đoàn tụ này chỉ kéo dài nửa tháng.
Chết lặng nhìn bác sĩ đưa thi thể mẹ đi
Câu chuyện buồn của 2 chị em Tuyền bắt đầu giữa tháng 7. Thời điểm đó, ông Danh được xác định mắc COVID-19. Do bệnh chuyển nặng nên ông được đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Ngày 30/7, cả 3 mẹ con bà Đào cũng dương tính với COVID-19 và được chuyển xuống Hóc Môn để cách ly.
Những ngày cuối đời, bà Đào không đi lại được, tay chân yếu, ăn uống không được gì và phải thở oxy. Nhìn mẹ nằm 1 chỗ, Tuyền mong mẹ khỏe mạnh và hứa hết dịch sẽ đi làm để lo cho gia đình.
Tuyền kể, trước đêm mẹ mất, em thấy bác sĩ vào tiêm thuốc cho mẹ nhiều lần, em chỉ nghi nghờ nhưng không nghĩ mẹ sẽ ra đi. Qua ngày hôm sau bác sĩ nói mẹ em có nguy cơ không giữ được tính mạng.
Những ngày qua em mơ thấy ba mẹ nhiều lắm, ba mẹ đứng nơi góc cửa nhìn em cười nhưng không nói gì. Tỉnh dậy em sợ lắm.
Trần Khoa Đăng Trường
“Đến buổi chiều hôm sau (4/8), mẹ em mất luôn, em hoảng lắm. Mẹ mất trước mặt mà em không biết gì hết trơn, em hối hận lắm”, Ngọc Tuyền nói trong nước mắt.
Còn cậu em Đăng Trường vẫn nhớ như in giây phút đó: “Em vừa đi dạo bên ngoài vào thì thấy mẹ nằm mà không thở, em lấy tay áp vào ngực mẹ nhưng không thấy tim đập nữa. Em gọi cho bác sĩ đến kiểm tra và bác sĩ nói mẹ mất rồi. Em quay ra hỏi chị thì chị nói mẹ mất rồi. Em khuỵu xuống”.
Giây phút ám ảnh cậu bé 10 tuổi là khoảnh khắc chết lặng khi nhìn bác sĩ đưa thi thể mẹ đi.
“Lúc đó em đứng bên ngoài, em thấy mẹ như vậy em kêu “Mẹ ơi…mẹ đừng bỏ con mà đi…”. Em đau khi thấy các bác sĩ xịt khuẩn lên người mẹ rồi bỏ mẹ vào túi mang đi”, Trường mắt đỏ hoe, nghẹn ngào nói.
Trước sự việc đau thương, người chị chết lặng rồi luống cuống lấy điện thoại gọi điện cho ba để báo tin nhưng chỉ nghe tiếng tút tút liên hồi từ đầu máy bên kia.
Hai tay Tuyền nắm chặt lúc chia sẻ với phóng viên. |
“Tụi em tiễn mẹ tới thang máy thì bác sĩ không cho đi theo nữa. Cánh cửa thang máy đóng lại, em Trường ngồi bệt xuống, nó khóc dữ lắm, em sợ không ai lo cho thằng nhóc hết, tại nó quá nhỏ. Còn em lớn rồi, em không muốn ai thấy mình khóc hết”, Tuyền nói và nhớ về lời dặn dò cuối cùng của mẹ cho 2 chị em là phải yêu thương, đùm bọc nhau.
Chiếc bàn học thành bàn thờ cha mẹ
Trong lúc kể chuyện với chúng tôi, Ngọc Tuyền phải thay khẩu trang 2 lần vì những dòng nước mắt chảy xuống, ướt đẫm.
Ngày đầu tiên từ khu cách ly về, căn nhà trống vắng, không tiếng người, nhìn đứa em thơ, Tuyền chỉ biết ôm em rồi khóc, không biết những ngày tới sẽ sống ra sao.
Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi thì vào ngày 14/8, 2 chị em nhận thêm tin sốc, bố em cũng không thể vượt qua, đã mất vào ngày 5/8, sau hôm mẹ mất đúng 1 ngày.
Tin sét đánh khiến 2 chị em Tuyền và Trường rụng rời chân tay, nhìn nhau tuyệt vọng, nước mắt lại cứ thế trào ra. Mới ngày nào còn có cha mẹ ở bên, giờ hai em đã là trẻ mồ côi trong đại dịch quái ác.
Trường kể, thời điểm này năm trước cậu được mẹ đưa đến trường để đón năm học mới, giờ đây em lại phải đón mẹ về trong chiếc hũ đựng tro cốt. Ngày nhận tro cốt của mẹ, tay Trường run cầm cập, vừa ôm hũ tro vừa khóc nấc gọi "mẹ ơi”… Còn tro cốt của ba em chưa thể đưa về nhà, đang được gửi ở một ngôi chùa, chưa biết ngày nào mới được về bên mẹ.
Không thể chuẩn bị cho cha mẹ bàn thờ chu đáo, Tuyền dùng chiếc bàn học của Trường để làm bàn thờ tạm cho cha mẹ. Bàn thờ không ảnh, không hoa, không nến, chỉ có bình hương, hộp sữa, hũ tro cốt của mẹ và tờ giấy ghi dòng chữ “Xin cầu cho linh hồn Maria”.
Trường quẹt nước mắt, thắp cho ba mẹ nén nhang: “Khi thắp hương con cầu nguyện và xin lỗi ba mẹ vì ba mẹ làm đủ thứ vì con nhưng con chưa làm được gì cho ba mẹ hết…”
Thắp nén nhang lên bàn thờ rồi Trường ra trước cửa nhà, mắt nhìn vào khoảng không xa xăm. Cậu học trò 10 tuổi trước đây vốn quen với tiếng ba mẹ la, tiếng giục đi ngủ sớm, tiếng kêu ăn cơm của mẹ ngay ở góc nhà. Nhưng giờ đây, với em những điều đó chỉ còn trong ký ức.
“Em nhớ những lời ba mẹ nói lúc trước, nhớ những ngày mẹ còn sống hay đứng ở góc này kêu em đi ngủ sớm. Em nhớ món thịt sườn, món canh chua mẹ nấu…Nhưng giờ đây em chỉ biết nói lời xin lỗi và cố gắng hoàn thành những ước muốn khi ba mẹ còn sống, vì lúc còn sống, ba mẹ nói là lớn lên, ráng học hành đầy đủ để có việc làm.
Những ngày qua em mơ thấy ba mẹ nhiều lắm, ba mẹ đứng nơi góc cửa nhìn em cười nhưng không nói gì. Tỉnh dậy em sợ lắm. Em mong ước ba mẹ sống lại, để chơi đùa cùng em…”, Trường tâm sự.
Khi ba mẹ còn sống, Ngọc Tuyền cho biết em thường ở trên gác, ít tâm sự cùng. Điều mà cô gái 18 tuổi cảm thấy day dứt, hối hận là chưa bao giờ nói lời thương ba mẹ, chưa hụp hình chung cùng cả nhà và không được gần ba trong những giây phút cuối đời.
Gần 1 tháng qua khi ba mẹ mất, chị em Tuyền sống bằng 5 triệu đồng còn lại trong ví của mẹ và một phần hỗ trợ của phường. Số tiền còn lại trong nhà giờ cũng chỉ còn vài trăm ngàn đồng.
Giờ đây gánh nặng gia đình do một tay cô gái vừa bước qua tuổi 18 gánh vác. Tuyền lo cho em trai hơn cả. Trong đầu cô gái cứ ngổn ngang những nghĩ suy: “Hết dịch rồi em phải đi làm, phải kiếm tiền thì ở nhà ai chăm và dạy thằng nhóc đây. Rồi mai sau nó sẽ ra sao…?”
Tuyền cho biết, hết dịch em sẽ lên chùa nhận lại tro cốt của ba và sẽ đưa tro cốt của 2 người gửi vào nhà thờ. Tuyền sẽ đi học nghề tóc về mở salon tại nhà để kiếm tiền nuôi em trai học đến đại học. Còn lúc này, Tuyền không cho phép bản thân mình được yếu đuối. Cô gái biết rằng, mình là chỗ dựa cuối cùng của em trai, phải sống thật tốt để lo cho em và để ba mẹ dưới suối vàng được yên lòng.