Việc kiểm soát chặt chẽ giấy tờ đi đường của người dân là một trong những chủ trương đúng đắn của TP Hà Nội. Tuy nhiên, cũng còn một số bất cập cần điều chỉnh để tránh các chốt kiểm soát "quá tải".
Như CAND online đã đưa tin, tối 8/8, UBND thành phố (TP) Hà Nội ra văn bản mới về kiểm tra Giấy đi đường và yêu cầu người đi đường cần thêm một số giấy tờ “con” nhằm siết chặt lại kỷ cương trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Đây là một chủ trương đúng, cấp thiết nhằm giữ vững những kết quả trong chống dịch của Thủ đô và được người dân ủng hộ và tin tưởng. Tuy nhiên, việc TP yêu cầu người dân có thêm những giấy tờ khác ngoài Giấy đi đường đang có những khó khăn bất cập, khiến các chốt kiểm soát dường như trở lên “quá tải”.
Nâng mức kiểm soát giấy đi đường – người dân đồng thuận
Trong 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả chống dịch. Trong buổi kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Thủ đô, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá Hà Nội đã có quyết định rất kịp thời, đúng thời điểm khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
“Hà Nội đến giờ phút này, luôn luôn là địa bàn có nguy cơ cao nhất, giữ được thế này là nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống, nhân dân Thủ đô”, theo Phó Thủ tướng. Và trong thời gian thực hiện giãn cách, Hà Nội đã làm rất tốt việc kiểm soát đi lại của người dân, lập ra được những “vùng xanh”, khoanh lại “vùng đỏ” để dịch bệnh khó có nguy cơ bùng phát ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, để giữ vững thành quả chống dịch, Hà Nội đã nâng một mức nữa kiểm soát việc đi lại của người dân bằng những quy định mới về giấy đi đường. Theo đó, người đi đường ngoài Giấy đi đường theo mẫu, sẽ phải xuất trình thêm: Lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận của phường, xã tuỳ từng đối tượng.
UBND TP Hà Nội lý giải, việc siết chặt kiểm tra người dân ra đường có chính đáng hay không là do vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng; có một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh tại Hà Nội còn rất phức tạp, số ca nhiễm COVID-19 tại cộng đồng vẫn nhiều, việc tăng cường thực hiện các biện pháp mạnh, kiểm soát chặt chẽ để dần đẩy lùi dịch bệnh là chủ trương đúng đắn và được tất cả người dân ủng hộ.
Và những bất cập nảy sinh…
Nhưng theo nhiều người dân, thời điểm UBND TP Hà Nội ra văn bản siết chặt việc đi đường rơi vào tối Chủ nhật, khiến nhiều người hoang mang vì sáng thứ 2 phải đi làm, không kịp chuẩn bị đủ các giấy tờ như văn bản yêu cầu. Và ngay trong đầu giờ sáng ngày đầu tiên (ngày 9/8), đã có hiện tượng ùn ứ trên nhiều tuyến đường có chốt kiểm soát. Việc kiểm soát chặt và kỹ là đúng, nhưng khi tập trung đông người để rà soát lại biến các chốt thành nơi tập trung đông người, nếu có mầm bệnh rất dễ lây nhiễm.
Vì thế, tại nhiều chốt, lực lượng chức năng đã nới lỏng để dòng phương tiện đi qua. Hầu như tất cả người đi đường đều không đủ giấy tờ theo yêu cầu của văn bản mới. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tại các chốt, lực lượng công an, dân phòng đã linh hoạt, chỉ nhắc nhở người dân, không xử phạt lỗi thiếu giấy tờ.
Ngay trong sáng ngày 9/8, nhiều người dân thuộc các đối tượng cơ sở kinh doanh được phép hoạt động cũng đã đến UBND phường, xã để xin đóng dấu xác nhận. Tuy nhiên, theo phản ánh của chị Nguyễn Minh Hà, gia đình chị kinh doanh mặt hàng gas ở phường Nhân Chính, sáng 9/8, chồng chị đã mang giấy phép đăng ký kinh doanh cùng thẻ căn cước để xin được cấp giấy đi đường nhưng đã bị phường từ chối.
“Họ bảo khi chở gas cứ cầm theo giấy phép đăng ký kinh doanh và thẻ căn cước là được nhưng chồng tôi thường xuyên bị các chốt kiểm soát không cho qua, chúng tôi muốn làm đúng nhưng không biết phải làm thế nào cho đúng. Cũng không hiểu vì sao phường lại không cấp giấy đi đường cho chúng tôi”, chị Hà bức xúc.
Còn chị Lê Bảo Anh, đang công tác tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng lo lắng: “Công ty mình rất đông người phải đi làm, lên đến hàng trăm người. Nếu để cấp giấy theo lịch trực hay theo từng nhiệm vụ mỗi ngày của nhân viên thì riêng việc in, đóng dấu cũng mất cả ngày rồi. Nên chăng, TP đã quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nếu để nhân viên ra đường không đúng nhiệm vụ thì lãnh đạo cơ quan phải chịu trách nhiệm. Như thế vừa đảm bảo được an toàn, đảm bảo người đi làm đúng đối tượng và tạo thuận lợi cho người dân”.
Chị Nguyễn Thanh Nga, nhân viên Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam văn phòng Hà Nội cũng lo lắng: “ Tôi có đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu. Nhưng mỗi khi dừng lại ở các chốt vào thời điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều rất đông người. Khoảng cách không đủ an toàn. Vừa dễ lây bệnh vừa mất thời gian vì ùn ứ, từng xe một dừng lại lấy giấy ra kiểm tra, rồi mới qua chốt, như thế các chốt không thể đảm bảo an toàn phòng dịch”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn cho rằng, việc ra thêm quy định phải trình văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị cũng như lịch trực thực chất là không cần thiết vì khi ký Giấy đi đường cho nhân viên, thủ trưởng của các cơ quan đã dựa trên phân công công việc hợp lý của từng bộ phận. “Nếu cứ mỗi một lần giao nhiệm vụ lại một lần ra văn bản và đóng dấu thì rất khó thực hiện với những nhiệm vụ đột xuất, không có tính chất lặp đi lặp lại mỗi ngày. Điều này vô hình chung sẽ làm khó cho các cơ quan, không linh hoạt”, anh Nguyễn Hoài Nam công tác tại Bộ Xây dựng cho ý kiến.
Rõ ràng, thành quả chống dịch Hà Nội đang giữ được đến ngày hôm nay sau 2 tuần thực hiện giãn cách không để dịch bệnh “bung” ra mất kiểm soát là nhờ việc thực hiện nghiêm túc yêu cầu “ai ở đâu ở yên đấy” của UBND TP. Và đặc biệt, việc ban hành mẫu Giấy đi đường thống nhất chung cho cả TP cũng đã tạo điều kiện để các chốt kiểm soát phân loại, “lọc” đúng các đối tượng được phép lưu thông trên đường.
Tuy nhiên, với những bất cập xảy ra trong ngày đầu tiên tăng cường kiểm soát và yêu cầu bổ sung các giấy tờ như hiện nay, thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội nên giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu lại để có thể điều chỉnh linh hoạt, vừa đảm bảo tốt mục tiêu giãn cách xã hội, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng vẫn tạo điều kiện lưu thông thông thoáng, không gây phiền hà cho người dân và các cơ quan, doanh nghiệp.
Chi Linh
Người Hà Nội ra khỏi nhà cần mẫu giấy đi đường và giấy tờ gì? |
Vì sao số liệu các ca mắc COVID-19 ở Hà Nội thường rất thấp từ đêm về sáng? |