Hà Nội ô nhiễm bụi mịn: Đề xuất rửa đường, hút bụi

Nhiều lãnh đạo quận trên địa bàn Hà Nội đề xuất xịt nước, rửa đường, hút bụi nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm bụi mịn đang đe dọa thhnh phố.

Trước báo động về tình hình ô nhiễm không khí tại TP.HN, chiều 18/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp các sở, ngành, quận huyện để lắng nghe các giải pháp giải quyết thực trạng này.

Cụ thể, tháng 1, từ ngày 22/1 đến 28/1 mức AQI cao nhất là 226; từ ngày 11/3 đến 16/3, AQI cao nhất là 213; từ ngày 23/9 đến 2/10 mức AQI là 209. Tháng 11 có hai đợt, từ 5/11 đến 13/11 AQI cao nhất 226, từ 20/11 đến 27/11 mức AQI cao nhất 187. Từ 8/12 đến 14/12, mức AQI cao nhất là 266.Báo cáo cụ thể về tình hình ô nhiễm trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài trung bình từ 5 – 10 ngày, chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu, trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12, từ ngày 8/12 đến 14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.

Trước thực trạng trên, Sở TN-MT đề xuất phải kiểm soát các tác động ô nhiễm không khí xuyên biên giới; rà soát các loại hình sản xuất công nghiệp phát sinh khí thải; Bộ GTVT sớm ban hành quy chuẩn khí thải với ô tô, xe máy; đặc biệt các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xử lý các khu, cụm công nghiệp, làng nghề gây ô nhiễm môi trường…

Rửa đường, hút bụi

Cũng bày tỏ lo lắng, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai lại đưa ra kiến nghị được tưới nước rửa đường trên 15 tuyến đường chính.

Bà Mai cho biết thêm, hiện, Sở Xây dựng đã thống nhất ý kiến kiến nghị lên thành phố.

Còn Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, trên địa bàn quận còn 1.500 hộ đun than tổ ong, là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí.

Ông Phong cũng đề xuất tưới nước rửa đường từ 2 – 3 lượt/tuần đối với các tuyến phố chính của quận. Quận cũng tiến hành xử phạt đơn vị đang cải tạo vỉa hè nhưng chưa đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

Chung quan điểm, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cũng đề nghị được rửa hai tuyến đường trọng điểm trên địa bàn quận.

Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái đề xuất thành phố cho phép Chi cục khuyến cáo người dân trong những ngày chỉ số bụi cao hơn 300, có thông báo đến Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học bởi mức này nguy hại tới sức khỏe.

Trước đó, ông Vũ Đức Giang, Phó giám đốc Ban quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho hay, đơn vị đang thí điểm dùng máy hút bụi thay cho máy thổi bụi ở các công trình duy tu trên đường Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn.

"Việc thí điểm bắt đầu từ đêm 16/12. Xe hút bụi vừa hút vừa phun hơi nước, mỗi lượt di chuyển 30 m, bước đầu cho thấy không còn tình trạng bụi bay mù mịt ở công trường như trước", ông Giang nói.

Ông Giang cho biết, sau thời gian thí điểm đơn vị sẽ đánh giá hiệu quả kỹ thuật, kinh tế của việc thí điểm để phối hợp với liên ngành kiến nghị thành phố, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng định mức bổ sung nhằm giảm bụi trong không khí.

Trước những cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm không khí, nhất là bụi siêu mịn được ví như sát thủ vô hình cực kì nguy hiểm, có khả năng gây ra các bệnh về tim, phổi và ung thư.

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường cho biết, bụi mịn pm 2.5 và pm 1.0 là những hạt bụi li ti, bay lơ lửng trong không khí.

Với loại bụi siêu mịn thì kể cả khi ở trong nhà chúng ta đóng kín hết các cửa thì bụi cũng có thể lọt qua. Chính vì thế, để xử lý loại bụi này không thể áp dụng các biện pháp một cách máy móc, thô sơ như sử dụng máy lọc không khí, đóng cửa trong nhà hay xịt nước rửa đường là hết.

Nói về nguyên nhân, PGS Phùng Chí Sỹ cho rằng ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiều nguồn. Thông thường tại nhiều đô thị như Hà Nội và TPHCM, các hoạt động từ giao thông là nguồn phát thải chính (chiếm khoảng 55 - 60%), kế đó là các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp... (30%), chỉ có khoảng 5% đến từ các sinh hoạt của người dân.

Chính vì thế, muốn đưa ra đề xuất nào cũng phải có nghiên cứu về nguyên nhân gây ô nhiễm một cách bài bản. Ví dụ khu này bụi mù là do đường sá thì phải có biện pháp lảm giảm bụi, nhà máy ô nhiễm thì phải lắp hệ thống xử lý khí thải cho tốt, hạn chế xe tải vào giờ cao điểm, tăng cường các xe công cộng. Còn nếu không biết nguyên nhân vì sao ô nhiễm không khí mà đưa giải pháp thì sẽ không có hiệu quả.

"Cần phải áp dụng biện pháp tổng thể, phù hợp với từng thời điểm cụ thể, giai đoạn cụ thể, phải có kế hoạch một cách bài bản. Không thể giải quyết theo phong trào được, hôm nay làm cái này ngày sau lại làm cái khác vừa không hiệu quả, lại tốn kém", PGS Phùng Chí Sỹ nói.

Lam Lam  19/12/2019 07:41

Hà Nội ô nhiễm: Ngoại thành thải vào, nội thành thải ra

Chất lượng không khí của Hà Nội đang là một vấn đề được người dân rất quan tâm.

Hà Nội ô nhiễm: Cấm than tổ ong có phải là giải pháp?

Người tham gia giao thông dễ dàng cảm nhận được tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội những ngày vừa qua.

Nơi nào ở Hà Nội ô nhiễm không khí nhất sáng nay?

Sáng nay (12.11), ô nhiễm không khí tệ hại. Nhiều khu vực ở Hà Nội có mức chỉ số chất lượng không khí AQI chuyển sang màu ...

/ baodatviet.vn