Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở xây dựng, trong 11 dự án phát triển nguồn tập trung đang triển khai thì hiện mới có 4 dự án hoàn thành, còn lại là chậm hoặc chưa triển khai; Trong số 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước thì có 14 dự án hoàn thành..
Toàn cảnh phiên giải trình
Sáng 6-9, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn TP.
Theo giám sát của HĐND TP Hà Nội, tính đến thời điểm này, vẫn còn 35% dân số khu vực nông thôn chưa có nước sạch từ nguồn tập trung; khoảng 160 xã chưa có hệ thống nước sạch.
Có những địa bàn tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch rất thấp, như Mỹ Đức 16%, Chương Mỹ 17%, Phú Xuyên 12%, Ứng Hòa 19%... Thực trạng này rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, sự đồng hành khắc phục khó khăn của các doanh nghiệp để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu HĐND TP khóa XV đề ra.
Tính đến thời điểm 31/7/2019, UBND TP đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn tập trung và 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch. Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch đã tăng lên 65% (năm 2016 mới đạt 37,2%), tương đương hơn 600 nghìn hộ với hơn 2,3 triệu dân dùng nước sạch, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khoá XVI.
Chậm do năng lực kém, thiếu vốn...
Tuy nhiên, dù có những dự án hoàn thành vượt tiến độ đến 16 tháng như Nhà máy nước mặt sông Đuống, theo báo cáo của Sở xây dựng, trong 11 dự án phát triển nguồn tập trung đang triển khai thì mới có 4 dự án hoàn thành, còn lại là chậm hoặc chưa triển khai. Trong số 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước, mới có 14 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành, 12 dự án đang triển khai thực hiện, còn lại 2 dự án chưa thực hiện.
Ví dụ, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước mặt sông Hồng, do Công ty CP nước mặt sông Hồng thực hiện đến nay đang triển khai cầm chừng, đã chậm tiến độ hơn 1 năm, mà nguyên nhân trước đây là do giải phóng mặt bằng, nhưng sau khi có mặt bằng thì nhà đầu tư lại chậm triển khai thực hiện.
Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch 8 xã huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận đã được UBND TP chấp thuận chủ trương từ năm 2013 do Công ty CP Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện. Nguồn cung cấp nước sạch hiện chưa phủ tới phạm vi dự án. Tiến độ thi công tuyến đường theo quy hoạch chưa triển khai. Công tác GPMB trạm tăng áp X1, X2 gặp vướng mắc, khó khăn, tuyến truyền dẫn nước sạch cấp nguồn cho dự án chưa được đầu tư xây dựng.
Nhà máy nước Mê Linh tại xã Tiến Thịnh được thành phố phê duyệt chủ trương từ tháng 6/2018 với phương thức vừa thi công vừa làm thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho 12 xã còn lại của huyện Mê Linh. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại gặp phải rào cản là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa công suất 2.000m3/ngày đêm do Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân làm chủ đầu tư triển khai hoàn thành dự án từ năm 2013. Tuy nhiên dự án tạm dừng từ tháng 6/2016 do việc chuyển nguồn nước thô (từ nguồn nước sông Đáy sang nguồn nước Hồ Quan Sơn), còn phục vụ nhiệm vụ tưới tiêu. Bà con nơi đây vẫn hàng ngày dùng nước giếng khoan và trông chờ dự án…
Theo HĐND TP, doanh nghiệp đầu tư nước sạch ở nông thôn thiếu vốn để đầu tư, trong khi nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng cũng như từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố rất khó khăn.
Như vậy, hàng loạt những dự án chậm triển khai với nhiều nguyên nhân đang rất cần sự tháo gỡ của các sở ngành, của chính quyền địa phương. Nếu không tháo gỡ kịp thời, mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân Thủ đô được dùng nước sạch sẽ khó lòng thực hiện.
Lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước sạch phục vụ nhân dân ở huyện Phú Xuyên
Người dân còn chưa mặn mà...
Theo giám sát của HĐND TP, có một nghịch lý là trong khi nhiều nơi người dân khao khát nước sạch nhưng dự án chậm, thì lại có nhiều khu vực được cung cấp nước sạch tới tận nhà nhưng người dân lại không dùng hoặc dùng rất ít.
Trạm cấp nước Bảo Lộc thuộc xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ đang xảy ra tình trạng bỏ dở dang đường ống… Năng lực của chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại dịch vụ nước sạch Tuấn Minh có thể cấp ngay tại chỗ cho hơn 3 nghìn hộ dân, tuy nhiên thực tế mới có 1.100 hộ đấu nối, trong đó có khoảng 600 hộ sử dụng nước sạch. Còn lại đa phần vẫn dùng nước giếng khoan.
Huyện Hoài Đức hiện nay đã phủ kín nước sạch ở cả 20 xã, thị trấn với tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt con số 76%.Tuy nhiên, tỷ lệ này lại không đồng đều. Có những xã như Cát Quế, theo thống kê mới chỉ có 11,3% người dân sử dụng nước sạch.
Tại huyện Quốc Oai, tình cảnh cũng tương tự. Gia đình ông Phan Hữu Dung ở xã Sài Sơn thường xuyên trả không quá 50 nghìn đồng mỗi tháng tiền dùng nước sạch.
Công ty CP cấp nước Sơn Tây cho biết, hiện nay, hệ thống của đơn vị đạt công suất 30 nghìn m3/ngày đêm, mạng lưới đã phủ đến 25 xã phường của thị xã Sơn Tây và các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ với khoảng hơn 40 nghìn hộ. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của Công ty hiện nay là người dân ở khu vực nông thôn sử dụng nước sạch rất ít.
Theo HĐND TP, xã hội hoá công tác cấp nước sạch là một chủ trương rất đúng đắn của thành phố. Tuy nhiên, để doanh nghiệp triển khai thành công rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; sự đồng thuận của người dân thay đổi nhận thức, thói quen, tích cực dùng nước sạch. Có như vậy doanh nghiệp mới mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này…
Giám đốc Sở Xây dựng cam kết đảm bảo tiến độ các dự án
Trả lời các đại biểu HĐND TP, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: về các dự án chậm tiến độ, thành phố sẽ sẽ có biện pháp mạnh. Ví dụ, Sở đã yêu cầu Công ty CP Nước mặt sông Hồng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ. Từ nay đến hết quý III, nếu Công ty này không thực hiện, TP sẽ xem xét để thay thế nhà đầu tư.
Ông Dục cho biết, TP đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này. Một số khu vực ở Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất có khó khăn do dân cư thưa thớt, địa hình khó… Tuy nhiên ông Dục cam kết sẽ đôn đốc, đảm bảo tiến độ các dự án nước sạch...
Nam Đông (Thừa Thiên Huế) trong cơn khát nước sạch
Thượng Long là một trong những xã thiếu nước trầm trọng ở của huyện Nam Đông trong mùa nắng nóng này nên người dân phải ... |
Công nhân đào lòng sông 'cứu' nước sạch cho 30.000 dân
Sông Vĩnh Phước (TP Đông Hà, Quảng Trị) bị cắt thành nhiều khúc sau hai tháng không mưa nên công nhân phải đào mương dẫn ... |
Nhà máy nước sạch bán nước bẩn ở Hà Nam: Các sở "đá bóng trách nhiệm", dân chịu thiệt
Việc nhà máy nước sạch không có giấy phép khai thác nhưng vẫn bán nước bẩn cho người dân nhiều năm qua thuộc trách nhiệm ... |