Phố cổ Hà Nội là không gian văn hóa, mặc bikini dạo chơi ở đây là rất thiếu tôn trọng nếu không muốn nói là xúc phạm, nên có quy định nghiêm để ngăn hành vi này.
Bức ảnh chụp nhóm du khách nước ngoài trên khu phố cổ Đào Duy Từ, Hà Nội, trong đó có 3 phụ nữ mặc bộ đồ tắm hai mảnh bé xíu đang khiến cư dân mạng bức xúc mấy ngày qua.
Hà Nội trong tâm thức người Việt Nam là vùng đất nghìn năm văn hiến, đặc biệt là khu vực phố cổ hội tụ những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá của nhiều thế kỷ, được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2004. Đây là một phức hợp di sản gồm trên 100 di tích lịch sử, di tích văn hóa với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am; hàng nghìn ngôi nhà cũ, nhà cổ có giá trị kiến trúc.
Phố Đào Duy Từ nơi nhóm khách Tây chụp những bức ảnh đang gây phẫn nộ trên các diễn đàn mạng, nằm trong khu lõi phố cổ, được ví như bộ mặt của Thủ đô nghìn năm tuổi.
Lâu nay, phố cổ là nơi diễn ra những hoạt động kinh doanh, giải trí sôi động nhưng cả người dân và du khách đến đây đều ngầm hiểu rằng không gian này cần được tôn trọng bằng những hành xử đúng mực, bao gồm cả chuyện ăn mặc. Sự ngầm hiểu đó đến từ cái lõi văn hóa trong mỗi người. Nền văn hóa nào cũng có quy ước về việc ăn mặc phù hợp với môi trường xuất hiện, phương Đông hay phương Tây đều vậy.
Du khách phương xa đến với Hà Nội cũng như khách đến chơi nhà, được chào đón niềm nở, trọng thị, nhưng ở phía ngược lại, khách cũng cần tôn trọng chủ nhà, tức là tôn trọng văn hóa, phong tục bản địa, ăn mặc lịch sự ở những nơi cần sự tôn nghiêm nhất định. Du khách đến khu phố cổ mua sắm, ăn uống, vui chơi vẫn ăn mặc hoàn toàn thoải mái, diện quần cộc, áo ba lỗ cũng chẳng sao miễn là không vào nơi đền miếu; nhưng mặc bikini hở hang phô phang da thịt thì thực sự quá đáng, phản cảm, không thể chấp nhận.
Phố cổ Hà Nội là không gian văn hóa, mặc bikini dạo chơi ở đây là rất thiếu tôn trọng nếu không muốn nói là xúc phạm
Bikini là loại trang phục chỉ hợp lý nếu diện ở bãi biển và studio chụp ảnh thời trang; mặc nó ở bất kỳ chốn công cộng nào khác đã là thiếu tôn trọng chứ chưa nói đến không gian văn hóa với những giá trị cổ xưa như phố cổ Hà Nội. Dù họ cố tình hay làm thế vì thiếu hiểu biết, hành vi này vẫn không thể chấp nhận và cơ quan chức năng cần có biện pháp đủ cứng rắn để ngăn nó tái diễn.
Người Việt Nam nổi tiếng thân thiện, hiếu khách. Chúng ta mở rộng cửa chào đón những vị khách phương xa, nhưng nếu quá dễ dãi mà chấp nhận, dung túng những hành vi coi thường văn hóa bản địa của một số ít du khách thì đó là hạ thấp chính mình, ảnh hưởng đến cảm xúc, trải nghiệm của những vị khách văn minh, lịch sự khác. Nếu cứ để tái diễn cảnh bikini tung hoành phố cổ Hà Nội, không chỉ người dân Việt Nam cảm thấy bị xúc phạm mà nhiều người nước ngoài cũng sẽ hiểu sai về nền văn hóa của chúng ta.
Phố cổ Hà Nội là nơi mà vào cuối tuần, dịp lễ lớn hay các ngày đặc biệt, nhiều đơn vị vẫn tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, nơi cả người dân và chính quyền nâng niu, gìn giữ từng li từng tí di sản của cha ông để lại. Chúng ta mất hàng nghìn năm để tạo nên "thương hiệu" Hà Nội thanh lịch, tinh tế mà khu phố cổ chính là linh hồn của vẻ đẹp đó, không thể để hình ảnh phản cảm của những bộ bikini phá hỏng.
Không chỉ phố cổ Hà Nội, nhiều điểm đến mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống khác như phố cổ Hội An, đền chùa... cũng vậy; từng xảy ra những trường hợp du khách ăn mặc hở hang phản cảm khiến dư luận bất bình. Rất cần những quy định khắt khe để xử phạt họ.
Trên thế giới, nhiều nước phạt rất nặng du khách ăn mặc hở hang khi ra đường, ngay cả ở phương Tây vốn được cho là đề cao sự tự do trong ăn mặc. Mùa hè năm 2022, thị trấn biển Sorrento (Italy) công bố mức phạt tiền từ 25 đến 500 euro (từ 690 nghìn đồng đến 13,8 triệu đồng) đối với những người mặc bikini, để ngực trần khi đến đây. Quy định này được áp dụng từ 10h đến 18h hằng ngày, trừ 2 ngày cuối tuần trong mấy tháng cao điểm và những ngày lễ đặc biệt, nhằm tránh cảm giác khó chịu cho người dân và các du khách khác.
Mallorca, hòn đảo du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha, cũng không cho phép du khách mặc đồ bơi đi lại trong thành phố và đưa ra mức phạt tương tự; những du khách không hợp tác sẽ bị chính quyền địa phương cấm vào thành phố. Ở Thái Lan, nơi nổi tiếng với chương trình biểu diễn rất phóng túng, cũng có sự phân biệt rõ ràng về văn hóa ăn mặc ở các không gian nhất định, du khách đến các địa điểm tôn nghiêm nhất định phải ăn mặc kín đáo, không được mặc váy ngắn, áo không tay. Sẽ không ai nói Việt Nam quá khắt khe nếu cũng đề ra những quy định tương tự.
Du khách không phải ai cũng lịch sự và hiểu biết, trong trường hợp đó chủ nhà cần hỗ trợ họ bằng cách tuyên bố rõ ràng "luật chơi". Đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng đối với số đông những du khách thanh lịch, văn minh.