Trưa 3/8, áp thấp nhiệt nhiệt đới suy yếu từ bão Wipha đi qua Hà Nội, gây mưa rất to, nước các sông dâng nhanh.
|
|
Nước sông Tô Lịch dâng cao trong sáng 3/8. Ảnh: Ngọc Thành |
Tại hầu khắp quận huyện Hà Nội, từ 3h sáng mưa bắt đầu nặng hạt, đến 11h thì tuôn xối xả. Chỉ 4 tiếng buổi sáng, Công ty Thoát nước Hà Nội ghi nhận hàng loạt quận huyện Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Trì mưa trên 60 mm.
Mưa to nhất là ở huyện Phú Xuyên 80 mm, kế đó là Gia Lâm, Thanh Trì trên 70 mm. Với đà này, chỉ 2-3 tiếng nữa, lượng mưa có thể tăng lên 150 mm.
Nước đổ về các sông khiến mực nước dâng nhanh. Tại sông Tô Lịch, nước mấp mé tràn bờ buộc nhà chức trách phải mở cửa xả cho đổ về Hồ Tây. Tại sông Nhuệ, mực nước dâng cao khoảng 50 cm so với hôm qua. Các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Cổ Nhuế phải vận hành gần hết số tổ máy để tiêu thoát nước.
|
|
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội mở cửa xả cho nước từ sông Tô Lịch đổ về Hồ Tây. Ảnh: Ngọc Thành |
Mưa to trong thời gian ngắn khiến hơn 10 điểm bị ngập 10-40 cm. Các đường Cự Lộc, Triều Khúc, Vành Đai 3, Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) ngập 30 cm. Tại quận Cầu Giấy, phố Phan Văn Trường, Hoa Bằng ngập hơn 30 cm, kéo dài cả trăm mét...
Công ty thoát nước Hà Nội huy động 2.300 nhân viên và 200 phương tiện túc trực tại các tuyến phố để khơi thông cống, rãnh thoát nước chống ngập. Do cuối tuần, mật độ phương tiện giảm nên không xảy ra ùn tắc.
Do bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gió chỉ còn cấp 4-5 (24-40 km/h) nhưng đã quật đổ nhiều cây xanh trên các tuyến phố Tô Hiến Thành, Kim Ngưu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, Văn Cao, Nguyễn Chí Thanh, may mắn không ai bị thương.
Trước số nhà 67 Tô Hiến Thành, cây xoan đào đường kính 50 cm, cao hơn 30 m bật gốc chắn ngang đường. 10 công nhân cùng xe cẩu được điều đến cưa cây, giải tỏa giao thông khu vực. Ở đường Kim Ngưu, một cây điệp cao 20 m đổ chắn ngang, buộc phương tiện phải đi trên vỉa hè.
Ông Vũ Kiên Trung, Tổng giám đốc Công ty công viên cây xanh Hà Nội, cho biết công ty đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân, trang thiết bị chia thành các đội cơ động để giải tỏa cây đổ, cành gãy trên các tuyến phố. Đến 11h trưa nay, thống kê sơ bộ có hơn 10 cây bị gãy đổ, bật gốc do hoàn lưu sau bão.
Trước đó khoảng 22h ngày 2/8, bão Wipha, cơn bão thứ ba ở biển Đông, đổ bộ vào phía bắc tỉnh Quảng Ninh gây gió mạnh, mưa lớn, mất điện diện rộng. Bão sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đến 10h sáng 3/8 ở trên đồng bằng trung du Bắc Bộ, sức gió 40-50 km/h, cấp 6, giật tăng một cấp.
Một số nơi ở Bắc Bộ đã mưa rất to như: Móng Cái 250 mm, Quảng Hà (Quảng Ninh) 170 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 260mm, Sơn Động (Bắc Giang) 190 mm, Bắc Ninh 115 mm, Chí Linh (Hải Dương) 110 mm...
Trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới được dự báo theo hướng tây tây nam, đi sâu vào các tỉnh thành Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình và tan thành một vùng áp thấp.
Ảnh: Phố Hà Nội biến thành sông, dòng xe cộ nối đuôi nhau "bơi" trên đường
Cây xanh gãy đỗ, nước ngập mênh mông trên khắp các tuyến phố Hà Nội khiến giao thông hỗn loạn, mọi sinh hoạt của người ... |
Nhiều khu vực Hà Nội ngập suốt 10 tiếng
Mưa to cả ngày hôm nay khiến phố Hoa Bằng, Phan Văn Trường (Cầu Giấy), Thái Hà (Đống Đa) ngập từ sáng đến chiều tối ... |
Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, phố Hải Phòng biến thành sông
Trận mưa lớn kéo dài từ đêm tới sáng khiến hàng loạt tuyến đường ở Hải Phòng ngập nặng, các phương tiện đi lại khó ... |
Tất Định - Bá Đô - Ngọc Thành