Cơ quan chức năng tiến hành đợt kiểm tra khí thải đối với xe khách, xe buýt tại 4 bến xe chính và xe tải tại 2 trục đường lớn.
Sáng 31/10, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tiến hành kiểm tra khí thải của xe khách và xe buýt ra vào bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông). Đây là ngày cuối cùng trong đợt kiểm tra (từ 24 đến 31/10) do Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với Cục đăng kiểm Việt Nam thực hiện.
Lực lượng chức năng kiểm tra xe khách và xe buýt ở các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa; kiểm tra xe tải chở hàng trên trục đường Phạm Văn Đồng và cầu Thanh Trì.
Trong buổi sáng nay, 12 xe khách, 10 xe buýt được thanh tra giao thông yêu cầu dừng xe ở khu vực kiểm tra khí thải. Một cán bộ của Cục đăng kiểm nhập các thông số của xe vào ứng dụng cài đặt sẵn trên máy tính, trong khi một người khác lắp thiết bị thu khói từ ống xả của xe ôtô và trực tiếp đạp chân ga để tiến hành đo.
"Mỗi xe thường phải đạp ga 12 lần, trong đó hai lần đầu thử công suất để nhập vào máy tính. Những lần đạp ga tiếp theo thu khí để đo, kết quả hiển thị ngay trên máy tính", một cán bộ đăng kiểm cho biết.
Đa số lái xe khi được yêu cầu kiểm tra khí thải đều chấp hành. "Xe của tôi là xe khách, mỗi năm đi đăng kiểm một lần nên tôi yên tâm sẽ không vượt quá mức phát thải", tài xế Phạm Đình Hải nói và cho rằng các loại xe tải cũ có nhiều nguy cơ khí thải vượt mức quy định.
Cán bộ đăng kiểm lắp đặt thiết bị đo khí thải từ ống xả của ôtô. Ảnh: Gia Chính
Trong buổi kiểm tra này, lực lượng chức năng phát hiện một xe khách loại 29 chỗ không đủ điều kiện tham gia giao thông. "Tại thời điểm kiểm tra phát hiện dầu bị rò rỉ và không đo được mức khí thải", một thanh tra giao thông nói và cho biết đã lập biên bản, đề nghị bến xe Yên Nghĩa dừng hoạt động của xe này. Lái xe cũng được yêu cầu phải sửa chữa và đăng kiểm lại mới được hoạt động tiếp.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó phòng Tham mưu tổng hợp (Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, đợt ra quân này ngoài kiểm tra việc tuân thủ bảo trì, bảo dưỡng của các hãng xe, các cơ quan chức năng cũng tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết trong giai đoạn 2001-2008, khoảng 40% ô nhiễm bụi PM2.5 ở Hà Nội có nguyên nhân từ khí thải của các phương tiện giao thông. Theo một nghiên cứu mới nhất, 46% bụi nano (bụi kích thước nhỏ hơn 0,1 µm) ở Hà Nội đến từ giao thông.
"Có nhiều nguồn và nhiều chất gây ô nhiễm không khí nhưng cần nhấn mạnh vào nguồn giao thông. Cần tăng cường kiểm tra mức phát thải của các loại phương tiện tiến tới lập khu vực phát thải thấp để tiến hành thu phí như London (Anh)", ông Dũng nói.