Số liệu về chất lượng không khí thủ đô hiện chủ yếu dựa vào 2 trạm quan trắc cố định tại quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm.
Tại cuộc họp báo gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân đã phủ nhận thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi mịn (bụi siêu nhỏ PM 2.5) xếp thứ hai Đông Nam Á, do tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual đưa ra.
Ông cũng cho biết Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng thêm 80 trạm quan trắc không khí để phủ hết địa bàn, làm cơ sở kết luận mức độ ô nhiễm của thành phố trong từng thời điểm cụ thể.
Về hệ thống quan trắc không khí ở thủ đô, bà Trần Thị Minh Hương - Giám đốc trung tâm quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết hiện thành phố có 10 trạm quan trắc tự động. Tổng cục có một trạm đặt tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên); ngoài ra các cơ quan Việt Nam có thể tham chiếu số liệu trạm quan trắc tại số 8 Láng Hạ của Đại sứ quán Mỹ.
Người đi xe máy đeo khẩu trang tránh bụi trên đường Trường Chinh. Ảnh: Tất Định. |
Theo bà Hương, Bộ Tài nguyên Môi trường đã làm việc với TP Hà Nội để kết nối dữ liệu online của địa phương về cổng thông tin của Bộ. "Trước đây, Hà Nội mới tiếp nhận hệ thống quan trắc nên chưa thể cập nhật liên tục lên trang web. Hiện chúng tôi đã thống nhất tất cả số liệu về chất lượng không khí của thành phố sẽ kết nối về máy chủ của Bộ và đăng công khai", bà Hương nói.
Dự kiến việc kết nối trên sẽ thực hiện trong tuần tới. Tần suất cập nhật chất lượng không khí của Hà Nội là liên tục, còn trên cổng thông tin của Bộ Tài nguyên Môi trường mỗi giờ một lần.
Ông Tạ Ngọc Sơn, Phó phòng tổng hợp, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, từ năm 2017 đến nay, thành phố đánh giá chất lượng không khí dựa vào chỉ số của 10 trạm quan trắc. Các trạm này sử dụng công nghệ Pháp, hoạt động tự động 24/24h thu mẫu khí, phân tích chỉ số, định kỳ 5 phút một lần gửi dữ liệu về trung tâm điều hành của Sở Tài nguyên Môi trường.
Trong đó, hai trạm cố định đặt tại phố Trung Yên 3 và UBND phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm), quan trắc 6 thông số ô nhiễm là PM10, PM2.5, NO2/NO/NOx, CO, SO2 và O3. Trạm cố định được thiết kế dạng hình hộp sắt kín, rộng khoảng 5 m2. Trên nóc đặt 4 trụ cảm biến thu mẫu khí, dàn máy phân tích chỉ số.
8 trạm còn lại lắp đặt tại khu vực Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Thành Công, Tân Mai, Tây Mỗ quan trắc 4 thông số ô nhiễm PM10, PM2.5, CO, NO2 và thông số khí tượng. Kích thước của các trạm cảm biến này nhỏ gọn, sử dụng pin năng lượng mặt trời.
Trạm quan trắc không khí đặt trên nóc tòa nhà Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội. Ảnh: Tất Định. |
Trên cơ sở dữ liệu quan trắc từ 10 trạm truyền về, hệ thống phần mềm sẽ tự động phân tích. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) một ngày được tính theo trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục. Sau đó, Sở Tài nguyên Môi trường công bố chỉ số trên cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội.
Theo ông Sơn, số liệu về chất lượng không khí của thành phố chủ yếu dựa vào hai trạm cố định, với chi phí đầu tư, vận hành cao. 8 trạm cảm biến giá thành rẻ hơn nhưng cho kết quả không đầy đủ, chỉ mang tính chất tham khảo xu hướng biến đổi chất lượng không khí.
"Việc quan trắc phụ thuộc vào vị trí đặt trạm. Mỗi trạm phản ánh chất lượng không khí ở một khu vực nhất định. Dựa vào hệ thống hiện nay, chúng tôi chỉ đánh giá được bước đầu, còn để cho ra kết quả về thực trạng mức độ ô nhiễm không khí toàn thành phố, cần lắp đặt nhiều trạm cố định tại các vị trí khác nhau", ông Sơn nói.
Một trạm quan trắc không khí cảm biến đặt tại phố Thành Công. Ảnh: Tất Định. |
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, để có được số liệu tổng quát, Hà Nội cần thêm ít nhất 10 trạm cố định cùng hàng chục trạm cảm biến phủ đều khu dân cư, đường giao thông. "Ở Mỹ, trung bình 400.000 dân có một trạm quan trắc, còn Việt Nam cả nước hiện có khoảng 40 trạm", ông Tùng cho hay.
Về việc một số trường hợp số liệu ô nhiễm không khí do Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đưa ra chênh lệch so với đơn vị nghiên cứu nước ngoài, ông Tùng giải thích, có thể do khác nhau về thiết bị, cách tính số liệu, vị trí đặt trạm quan trắc.
"Sự khác nhau do các nguyên nhân trên chỉ là cục bộ, ví dụ vị trí đặt trạm khác nhau thì kết quả khác nhau hoặc cách thống kê để so sánh khác nhau. Theo tôi, nhìn chung chỉ số chất lượng không khí Hà Nội của các tổ chức trong và ngoài nước đưa ra có sự tương đồng, lên xuống giữa các mùa, giờ trong ngày", ông Tùng nói.
Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đang triển khai dự án hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường, dự kiến đến cuối năm 2020, Hà Nội sẽ có 43 trạm quan trắc không khí tự động. Trong đó, 20 trạm quan trắc cố định tự động liên tục và 1 xe quan trắc tự động lưu động, 12 trạm quan trắc cảm biến, 1 thiết bị quan trắc phóng xạ và 3 thiết bị quan trắc tiếng ồn. |
Bộ Tài nguyên phủ nhận việc Hà Nội nhiễm bụi cao thứ hai Đông Nam Á
Nhà chức trách cho rằng hàm lượng bụi siêu nhỏ ở Hà Nội vượt ngưỡng cho phép chỉ mang tính cục bộ và trong một ... |
Hơn 90% người châu Á hít không khí ô nhiễm mỗi ngày
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 người thì 9 hít phải bầu không khí ô nhiễm, khiến 7 triệu trẻ sinh ... |