Hà Nội đang tập trung triển khai 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia

Sáng 10-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 33 địa phương. Đây là phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo tại điểm cầu Hà Nội.

Báo cáo tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đang tập trung triển khai 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Hai dự án đang triển khai thực hiện gồm tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đã được phê duyệt dự án, đang triển khai thi công) và dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (hiện đã được phê duyệt dự án, triển khai giải phóng mặt bằng, đang thực hiện công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư).

Với dự án xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu có thể bàn giao mặt bằng trong quý I-2023 để phấn đấu khởi công dự án trong tháng 6-2023. Hà Nội và các địa phương liên quan kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết của Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án được đồng bộ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hướng dẫn quy trình, thủ tục đối với dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, thành phố kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư hướng dẫn về nội dung trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) lĩnh vực giao thông vận tải; thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, lựa chọn nhà đầu tư...

Cùng với đó, Bộ Tài chính cần sớm ban hành hướng dẫn về quản lý và sử dụng chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà đầu tư, về khung lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và mẫu hợp đồng dự án.

Về các dự án đường sắt đô thị, theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến với tổng chiều dài 417,8km. Đến nay, tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông đã khai thác.

Với tuyến 3.1 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, theo kế hoạch, đến cuối năm 2022 mới chỉ đưa vào khai thác đoạn trên cao dài 8,5km. Đoạn đi ngầm vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cũng đang trong quá trình làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư; nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch ga ngầm C9 nằm trong khu vực danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử quốc gia hồ Hoàn Kiếm…

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1039065/ha-noi-dang-tap-trung-trien-khai-3-du-an-giao-thong-trong-diem-quoc-gia

TUẤN LƯƠNG / HNM.com.vn