Các dự án giao thông lớn và câu chuyện điều chỉnh giá

Tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nói chung và qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nếu không lo đủ 15,5 triệu m3 cát đắp, cùng sự biến động lớn về giá trị nhiên liệu, vật liệu xây dựng, gây khó khăn cho chủ đầu tư và các nhà thầu.

Chủ đầu tư chưa đánh giá kỹ lưỡng rủi ro về biến động giá

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Tất cả các dự án lớn đều có điều chỉnh giá”. Theo Bộ trưởng Thể, việc điều chỉnh có kịp thời hay không, tức là sự phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương trước biến động giá cả như thế nào. Thanh quyết toán và ký hợp đồng căn cứ vào thông báo giá của địa phương. Do đó, sự phối hợp của các bộ, ngành là quan trọng, nhưng thông báo giá của các địa phương quan trọng hơn.

giao_thong-1656201276580
Bộ Giao thông - Vận tải đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương 682,4/729km (đạt 94%).

Do giá biến động nhanh mà cơ chế của vận hành chậm, ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và các nhà thầu, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết. Cho rằng việc triển khai xây dựng nhiều tuyến cao tốc cùng thời điểm, đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình) lo ngại, việc này sẽ gây ra khan hiếm và tăng giá vật liệu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Thể cho hay: “Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương, các bộ, ngành, đặc biệt nắm được diễn biến của các công trường”. Theo ông Thể, khối lượng làm ra trong thời điểm nào thì đều có sổ nhật ký công trình, đều có kiểm tra, nghiệm thu cơ sở, đó là căn cứ để thực hiện điều chỉnh giá phù hợp, sát với thực tế, thực tiễn.

Nói là vậy, song đứng về phía Bộ Xây dựng, mới đây ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đã ký văn bản hồi đáp gửi tới Bộ GTVT về vấn đề biến động giá nhiên, vật liệu đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng giao thông. Tại văn bản này, phía Bộ Xây dựng lại cho rằng, kiến nghị của Bộ GTVT về việc thay đổi phương pháp điều chỉnh hợp đồng từ sử dụng chỉ số giá sang bù trừ trực tiếp, cũng như thay đổi công thức điều chỉnh giá hợp đồng để phù hợp với tỷ trọng vật liệu chủ yếu của công trình là chưa đủ cơ sở.

Vướng mắc này, do chủ đầu tư chưa đánh giá kỹ lưỡng rủi ro về biến động giá đối với một số loại vật liệu chủ yếu, dẫn đến việc quyết định áp dụng phương pháp và công thức điều chỉnh giá hợp đồng không phù hợp trong quá trình lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng.

Để có cơ sở xem xét, tháo gỡ, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT tổng hợp, đánh giá, phân tích và đề xuất đối với từng trường hợp điều chỉnh hợp đồng, điều  chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến về sự phù hợp pháp luật của các đề xuất này.

Đồng thời, tổng hợp, đánh giá tác động và đề xuất cụ thể những nội dung cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành cho phù hợp với thực tiễn biến động giá trong thời gian vừa qua đối với công trình giao thông.

Đối với các nội dung liên quan đến công bố giá, chỉ số giá xây dựng phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng và thực hiện hợp đồng xây dựng, Bộ Xây dựng đã có các văn bản để đôn đốc các địa phương kịp thời công bố, bám sát với diễn biến giá cả thị trường. Riêng đối với các địa phương có cao tốc Bắc-Nam đi qua, Bộ Xây dựng sẽ cử đoàn công tác thực hiện chức năng quản lý nhà nước để kiểm tra việc thực hiện công bố giá/chỉ số giá tại địa phương…

Tiếp tục lo ngại về nguồn cung cấp cát xây cao tốc Bắc – Nam

Theo Tư lệnh ngành GTVT, triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai Dự án bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục để phê duyệt đầu tư 12/12 dự án trước ngày 30/6/2022, phấn đấu giải phóng mặt bằng 70% diện tích trước ngày 20/11/2022 và khởi công toàn bộ các dự án trước ngày 30/12/2022. Đến thời điểm này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản đáp ứng theo kế hoạch.

Cụ thể, về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước, Chính phủ đã có Tờ trình số 153/TTr-CP ngày 28/4/2022 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước. Hiện đang giải trình ý kiến của các cơ quan thuộc Quốc hội, dự kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua trong tháng 6/2022; 12/12 tỉnh, thành phố đã có ý kiến về hướng tuyến và công trình trên tuyến; Bộ Quốc phòng đã có ý kiến thỏa thuận hướng tuyến các dự án thành phần.

Đặc biệt, Bộ GTVT đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương 682,4/729km (đạt 94%); các đoạn còn lại (chủ yếu ở các nút giao) sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ trước ngày 30/6/2022. 12/12 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng; thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng giải phóng mặt bằng để triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm…

Tính đến đầu tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của 6/6 dự án thành phần đi qua trên 2 tỉnh, thành phố. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho 4 dự án và đang tiếp tục xem xét phê duyệt ĐTM các dự án còn lại trước ngày 10/6/2022. “Các đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư và các nội dung khác của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để phê duyệt trong tháng 6/2022”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Rút kinh nghiệm từ Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án yêu cầu tư vấn nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt chẽ công tác khảo sát, đặc biệt là khảo sát mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải. Hiện công tác giải phóng mặt bằng vẫn là đường găng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian qua các địa phương đã tích cực thực hiện công tác khảo sát, điều tra, đo đạc, kê khai, kiểm đếm, trích lục bản đồ sử dụng đất, xác định nguồn gốc đất; rà soát, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, một số địa phương còn lúng túng trong công tác triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát nguồn vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu của các dự án thành phần. Riêng đối với dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nguồn cát đắp bảo đảm chất lượng chủ yếu tập trung ở tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp. Trường hợp không bố trí đủ nguồn cung cấp sẽ có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Theo tính toán của Bộ GTVT, dự kiến năm 2023, 2 dự án này cần khoảng 10 triệu m3 cát đắp, 6 tháng đầu năm 2024 cần 5,5 triệu m3 cát đắp.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phối hợp với các Ban quản lý dự án, tư vấn thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi đổ thải, công bố giá vật liệu cũng như triển khai các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu giải pháp sử dụng cát biển để thay thế nếu bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và môi trường.

Đặng Nhật / CAND