Hà Nội: Dân ở "ổ dịch" Thanh Xuân Trung không muốn di dời, lo nguy cơ lây chéo

Nhiều người dân ở ổ dịch Thanh Xuân Trung (Hà Nội) bày tỏ nguyện vọng tự cách ly ở nhà vì lo ngại việc đi cách ly tập trung có thể tăng nguy cơ lây chéo dịch bệnh.

Ngày 1/9, UBND quận Thanh Xuân bắt đầu tổ chức đưa công dân trong khu vực phong tỏa tại ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) đi cách ly tập trung tại khu ký túc xá Trường Đại học FPT (huyện Thạch Thất). Tổng số người dân trong khu vực phong tỏa dự kiến di dời là 1.187 người.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, việc tổ chức di dời lần này nhằm nhanh chóng khống chế dịch và vì an toàn của chính người dân. Quận cũng đã giao công an bảo đảm an ninh tài sản để người dân yên tâm di dời. Những người còn ở lại đều được bố trí duy trì thông tin kết nối, bố trí các lực lượng hỗ trợ cung cấp thực phẩm và chăm sóc y tế đối với người già, người ốm.

Tuy nhiên, sau khi quận Thanh Xuân có quyết định di dời trên, nhiều hộ dân ngõ 328, 330 và một phần ngõ 326 đường Nguyễn Trãi bày tỏ nguyện vọng được ở lại do lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo khi đi cách ly tập trung.

Hà Nội: Dân ở 'ổ dịch' Thanh Xuân Trung không muốn di dời, lo nguy cơ lây chéo - 1
Nhiều trẻ nhỏ ở ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) được di dời đi cách ly tập trung tối 1/9.

Anh T. (ngõ 326 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung) cho biết, số ca COVID-19 tại ổ dịch Thanh Xuân Trung chủ yếu ở khu tập thể cũ, do ẩm thấp, chung nhà vệ sinh nên dễ lây nhiễm. Trong khi đó, gia đình anh T. sống ở nhà riêng, từ khi khu bùng dịch đến nay, gia đình anh luôn thực hiện nghiêm quy định, chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết. Bản thân gia đình anh T. không có ai là F0, F1.

Anh T. cũng cho rằng, sau hơn 10 ngày phong tỏa, các ca F0 và các F1 đều được đưa đi cách ly tập trung nên nguy cơ lây nhiễm không còn cao. "Còn lại cơ bản an toàn, trong đó có nhà tôi", anh T. nhận định.

"Nếu chính quyền quận và phường đều đưa tất cả chúng tôi lên xe buýt rồi lên khu cách ly để sinh hoạt thì tôi e rằng sẽ có nguy cơ lây chéo.

Tôi đã đề nghị quận Thanh Xuân và phường thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng giãn bớt dân cần xem xét trường hợp cụ thể, giãn bớt dân thì giãn tỷ lệ bao nhiêu? Những khu vực nguy cơ thấp thì nên để người dân ở nhà và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch tại chỗ.

Với trường hợp dân phải đi, chính quyền phải có văn bản rõ ràng. Hiện tôi thấy mới có thư ngỏ và thông báo chứ chưa có quyết định cách ly nào", anh T. kiến nghị.

Cũng giống như trường hợp anh T., do công việc phải tiếp xúc nhiều người nên anh Đ.Q.Th. chuyển về sống một mình tại nhà riêng ngõ 326 đường Nguyễn Trãi để tránh nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người. Khi khu vực Thanh Xuân Trung thành ổ dịch, anh Đ.Q.Th. chỉ ở trong nhà, hàng ngày không tiếp xúc với ai.

"Tôi thấy mình đủ điều kiện phòng dịch tại nhà bởi nhà tôi là nhà đất khép kín, tôi đã tiêm 1 mũi vaccine và xét nghiệm 3 lần âm tính. Tôi sống một mình nên nguy cơ lây cho người khác và bị lây nhiễm cũng ít hơn so với việc cách ly tập trung. Trong khi đó, việc triển khai di dời dân của phường chưa đồng bộ, còn lúng túng, thiếu sự khảo sát, nắm địa bàn, có nhiều nhà có người già, trẻ em mới sinh nhưng chính quyền chưa có phương án để phân loại", anh Th. băn khoăn.

Anh Th. còn cho rằng, tối 1/9, chính quyền chỉ vận động và đưa người dân lên xe buýt để đi cách ly nhưng không hề test COVID-19 trước để sàng lọc hoặc phân loại các gia đình gần nhau, hiểu được tình hình dịch tễ của nhau, các cụm nhà an toàn...

Chia sẻ với PV, anh D. (ngõ 326 Nguyễn Trãi) cho hay: "Chủ trương của Thủ tướng chỉ là di dời bớt dân, giảm bớt mật độ dân cư ở đây xuống nhưng quận và chính quyền lại thực hiện kiểu khác là di dời 100% dân cư. Như thế họ đang đánh đồng người có nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng và người đang rất an toàn cách ly hơn 10 ngày tại nhà và có người đã xét nghiệm 4-5 lần âm tính. Nếu lên xe đi cách ly thì tất cả đều lên một xe, tôi thấy rằng đến khu cách ly không an toàn so với nhà tôi đang ở".

Anh D. cho biết thêm, anh và người dân nhiều lần gọi điện vào đường dây nóng và bày tỏ đề nghị với phường, quận xem xét cho các hộ dân đủ điều kiện an toàn được ở lại nhưng chỉ nhận được câu trả lời rập khuôn "cảm ơn anh/chị đã ủng hộ chính quyền..." chứ chưa hề có phản hồi cụ thể.

Tối 2/9, trả lời PV VTC News về ý kiến trên của người dân, đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận đã gửi thư ngỏ gửi đến từng hộ dân về việc tiếp tục đưa đi cách ly nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch để người dân nắm được các thông tin, hiểu và ủng hộ biện pháp phòng chống dịch của quận và thành phố. Bên cạnh đó, quận gửi các phiếu để người dân đăng ký đi cách ly sớm, cũng như điều tra nắm bắt các trường hợp người cao tuổi, bệnh lý... để có các giải pháp phù hợp.

"Phần lớn người dân tự nguyện đi cách ly từ sớm, còn một số người có đơn xin nguyện vọng ở nhà vì nhiều lý do, quận đang rà soát lại và có phương án kịp thời. Quận đã họp, triển khai phát phiếu điều tra, hiện đã tập hợp xong", đại diện UBND quận Thanh Xuân thông tin.

Việc người dân có tâm lý lo sợ lây nhiễm chéo, đại diện quận Thanh Xuân thông tin, người dân đi cách ly được trang bị bộ đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, kính chắn giọt bắn, nước sát khuẩn; thường xuyên phun khử khuẩn xe chuyên chở theo hướng dẫn của ngành y tế. Mỗi xe ô tô 45 chỗ, chỉ bố trí khoảng 20 người ngồi giãn cách; bố trí xe đi theo hộ gia đình, từng dãy nhà, cuốn chiếu từ đầu ngõ vào phía trong để đảm bảo phòng chống dịch.

"Việc đưa người dân đi cách ly phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch; thực hiện công khai, công bằng, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân với các biện pháp phòng chống dịch của quận và phường Thanh Xuân Trung", đại diện UBND quận Thanh Xuân nói và cho biết thêm, đến tối 2/9, tổng số người dân đi cách ly tập trung được gần 900 người.

Quận Thanh Xuân sẽ tiếp tục tổ chức đưa người dân đi cách ly trong ngày 3/9.

MINH TUỆ

Hà Nội có thêm 5 ca dương tính trong cộng đồng, ổ dịch Thanh Xuân Trung thêm 12 ca Hà Nội có thêm 5 ca dương tính trong cộng đồng, ổ dịch Thanh Xuân Trung thêm 12 ca
Hà Nội: Hỗ trợ trên 830 tỷ đồng cho các đối tượng khó khăn do Covid-19 Hà Nội: Hỗ trợ trên 830 tỷ đồng cho các đối tượng khó khăn do Covid-19

/ vtc.vn