Hà Nội cần làm gì để hạn chế xe gây ô nhiễm?

Theo chuyên gia, phân vùng phát thải thấp là mục đích tốt nhưng Hà Nội cần triển khai theo lộ trình, đáp ứng các điều kiện vận tải công cộng và phương tiện thay thế.

Thông tin Hà Nội dự kiến thí điểm hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại khu đông dân cư theo mô hình vùng phát thải thấp (LEZ) đang nhận được sự quan tâm của người dân. 

Cần dán nhãn phân biệt xe phát thải thấp

Trả lời Báo điện tử VTC News, TS Đinh Thị Thanh Bình (chuyên gia giao thông, giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải) cho biết, trên thế giới, việc triển khai các vùng phát thải thấp trong thành phố là biện pháp quản lý giao thông đô thị, mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường trong khu vực đông dân cư và có ý nghĩa về kinh tế, văn hoá xã hội và lịch sử.

Đây cũng là biện pháp hạn chế xe đi vào, xe phát thải thấp sẽ được ưu tiên, còn những xe có mức phát thải cao sẽ có mức giới hạn nhất định theo khung thời gian hoặc dừng ở bên ngoài.

Hà Nội dự kiến thực hiện vùng hạn chế xe máy từ năm 2025. (Ảnh minh hoạ)

Hà Nội dự kiến thực hiện vùng hạn chế xe máy từ năm 2025. (Ảnh minh hoạ)

Bà Bình lấy dẫn chứng, ở nước ngoài xe thường dán nhãn xanh - vàng - đỏ theo các mức độ để phân biệt phương tiện nào được đi vào, xe nào bị hạn chế hoặc giới hạn ở mức nào. Việc dán nhãn nhận diện xe còn giúp phân loại phương tiện và xử lý những tình huống vi phạm.

Tuy vậy, ở nước ta mới chỉ dừng lại ở việc đăng kiểm với ô tô chứ chưa phân loại nhãn xe có phát thải cao hay thấp. Theo TS Bình, để triển khai vùng phát thải thấp thì việc nhận diện xe là điều kiện phải có.

"Ngoài ra, xây dựng vùng phát thải thấp có vấn đề nói về xe máy. Hiện nay xe máy chưa có phần kiểm định khí thải, khí xả. Xe máy đang chiếm lượng lưu thông lớn, phát thải lớn, nên phải có giải pháp đối với xe máy để nhận diện, phân loại phương tiện và có giải pháp cho vùng phát thải thấp đối với xe máy", TS Bình lưu ý.

Giải thích về khái niệm xe có mức phát thải thấp, TS Đinh Thị Thanh Bình cho hay, đó là xe sử dụng nhiên liệu sạch như xe điện, xe có phát thải zero hoặc xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch nhưng tiêu chuẩn phát thải cao như Euro 6, 7.

TS Bình phân tích: "Phát thải này phải tính một chỗ ngồi, một hành khách chuyên chở được hoặc 1 tấn hàng hoá chuyên chở được chứ không phải tính trên toàn bộ xe. Cùng một mức phát thải về nhiên liệu nhưng xe chở đầy khách sẽ được coi là phát thải thấp hơn".

 

Theo bà Bình, ý nghĩa của vùng phát thải thấp là giảm được phát thải nhưng thông thường trong khu vực đô thị thì hoạt động giao thông vận tải chiếm tỷ trọng rất lớn. Thực tế, phát thải về không khí bị giam theo gió, bên ngoài bị kẹt xe thì bên trong vẫn ô nhiễm như thường, bởi không khí theo gió lưu thông.

"Đây là lý do đưa vùng phát thải thấp là biện pháp quản lý giao thông, giảm phát thải một cách lâu dài, bền vững thì giải quyết bài toán giảm ùn tắc giao thông mới là gốc rễ. Tức là vừa kết hợp giảm ùn tắc giao thông với giảm phát thải về phương tiện, áp dụng triển khai sử dụng các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Hai biện pháp này phải áp dụng song hành với nhau thì mới giải quyết được ùn tắc giao thông, vừa giảm ô nhiễm môi trường trong khu vực phát thải thấp", TS Đinh Thị Thanh Bình cho hay.

Xanh hoá phương tiện, tổ chức vận tải kết nối

Đồng thuận việc triển khai phương tiện sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho hay, phương tiện giao thông sẽ xả ra khí thải và gây độc hại. Các động cơ chạy bằng năng lượng hoá thạch như xăng, dầu phát thải rất lớn. "Nếu phương tiện giao thông dùng điện thì sẽ đỡ đi", đại biểu Huân nhấn mạnh.

Theo vị ĐBQH tỉnh Bình Dương, trong Luật Thủ đô có quy định những vùng hạn chế ô nhiễm, đặc biệt nơi có mật độ dân số cao nhưng phương tiện giao thông đơn lẻ. Có những khu vực rất hẹp mà không hạn chế phương tiện sẽ gây ô nhiễm, nhất là khí thải C02 lớn. 

"Vấn đề là thực hiện thế nào trong bối cảnh hiện nay phương tiện giao thông công cộng còn đang ít", đại biểu Nguyễn Quang Huân băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Về vấn đề này, theo TS Đinh Thị Thanh Bình, thành phố phải có phương án về tổ chức giao thông, phân luồng hoặc tổ chức giao thông nội bộ, khu vực phát thải thấp để những xe không đủ tiêu chuẩn lưu hành trong khu vực đó phải dừng ở ngoài. Như vậy, phải có giao thông nội bộ, tổ chức vận tải nội bộ, vận tải công cộng, vận tải kết nối, bãi đỗ xe xung quanh, phân làn, phân luồng để giao thông không bị ảnh hưởng.

Để xây dựng vùng phát thải thấp, theo TS Bình phải có phương án về tổ chức giao thông, phân luồng hoặc tổ chức giao thông nội bộ khu vực phát thải thấp để những xe không đủ tiêu chuẩn lưu hành trong khu vực đó phải dừng ở ngoài. Để triển khai được kế hoạch này, Hà Nội phải có phương tiện vận tải công cộng thay thế, đủ năng lực để người dân chuyển từ xe máy sang vận tải hành khách công cộng, hoặc chuyển đổi phương tiện từ xe có mức phát thải cao sang xe có phát thải thấp. 

"Khi những xe buýt đang vận hành cũ dần, chúng ta sẽ thay thế xe buýt diesel bằng xe chạy điện. Xe buýt sẽ là phương tiện đầu tiên để triển khai phần xanh hoá phương tiện vận tải của thành phố. Tiếp theo tôi nghĩ là taxi hoặc xe kinh doanh vận tải hành khách ở trong thành phố", TS Đinh Thị Thanh Bình nói.

Theo vị chuyên gia, bước đầu thành phố có thể thí điểm vùng phát thải thấp ở khu vực trung tâm như quận Hoàn Kiếm do phố đi bộ đã có điều kiện sẵn sàng về hạ tầng, có bãi đỗ, phân luồng giao thông ngày cuối tuần...

"Thí điểm vùng phát thải thấp ở phố đi bộ là phù hợp bởi hiện nay chưa thể áp dụng được diện rộng. Các điều kiện vận tải công cộng hay điều kiện về phương tiện thay thế phải có lộ trình chứ không thể thực hiện ngay lập tức. Khi làm phân vùng phân loại phát thải thấp đều có điều kiện để áp dụng, triển khai, không đạt điều kiện đó thì không triển khai được", bà Bình nhấn mạnh.

Sau khi lấy ý kiến người dân, Hà Nội vừa có dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố.

Dự thảo lần này Hà Nội đưa ra quy định cụ thể hơn, trong đó phạm vi khu vực hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường được mở rộng so với dự thảo cũ.

Theo dự thảo mới, có 6 tiêu chí (dự thảo cũ là 5 tiêu chí) để xác định các khu vực hạn chế phát thải:

Một là thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tiêu chí này bao gồm các quận của Hà Nội hiện nay cũng như năm huyện sắp lên quận và hai thành phố mới sắp được thành lập.

Hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Ba là chất lượng không khí đánh giá trong tối thiểu một năm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí.

Bốn là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông.

Năm là các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.

Sáu là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp với tỷ lệ đồng thuận đạt từ 51% trở lên.

https://vtcnews.vn/ha-noi-can-lam-gi-de-han-che-xe-gay-o-nhiem-ar904703.html

Minh Tuệ / VTC News